Thực tế ảo (Virtual reality - VR) là thuật ngữ miêu tả một môi trường được giả lập bởi con người. Các môi trường giả lập này là hình ảnh được thiết kế qua các ứng dụng phần mềm chuyên dụng, được hiển thị trên màn hình máy tính hoặc thông qua kính thực tế ảo nhằm đem lại những trải nghiệm thực tế nhất cho người xem như họ đang ở trong chính không gian đó. Công nghệ này hiện được ứng dụng trong mọi lĩnh vực: Khoa học kỹ thuật, kiến trúc, quân sự, giải trí, du lịch, địa ốc... và đáp ứng mọi nhu cầu: nghiên cứu - giáo dục - thương mại - dịch vụ.
Và tại Bảo tàng Israel, nghệ sĩ người Israel Daniel Landau đã áp dụng công nghệ VR để tạo nên một buổi triển lãm thú vị, giới thiệu và so sánh sự khác nhau giữa những ngôi nhà và câu chuyện đời thường của người Do Thái (Israel) và người Ả rập (Palestine). Điều đặc biệt là bảo tàng này chỉ cách khu Ả rập 5km, nơi hàng nghìn người Palestine đang sinh sống và làm việc tại Jerusalem. Hơn nữa, nó chỉ cách ngôi làng ở Bờ Tây, nơi gia đình đồng ý để Landau quay phim cho dự án đang sống khoảng 10 km.
Dự án của Landau là một phần trong triển lãm khai thác về cuộc sống của giới trẻ của Bảo tàng Jerusalem nhằm khám phá về những khía cạnh và cách con người tiếp xúc với nhau trong xã hội hiện đại dưới ảnh hưởng của điện thoại thông minh trong các mối quan hệ đời thường và khi tiếp xúc với người lạ trên đường.
Triển lãm trải nghiệm thực tế ảo của Daniel Landau. (Nguồn: Daniel Landau) |
Ngây thơ nhưng đầy tính bi thảm
Tác phẩm của Landau mang tên Du khách (Visitors), là một căn phòng được chia làm hai phần, một bên được trang trí giống một ngôi nhà bình thường của người Do Thái ở Israel và phần còn lại được mô phỏng như nhà của người Ả rập ở Palestine. Bước vào căn phòng, người tham quan sẽ được trang bị một cặp kính thực tế ảo và trải nghiệm một góc nhìn 360 độ về từng ngôi nhà, và được nghe những câu chuyện đến từ các thành viên của hai gia đình Do Thái và Ả rập.
Sau ba tháng, có khoảng 200.000 lượt khách đã đến trải nghiệm triển lãm của Landau. Đa số đều tỏ ra bất ngờ và thích thú với căn phòng này, Landau nói về tác phẩm của mình: “Những phản hồi đầu tiên tôi nhận được là: ‘Tôi chưa từng đi vào ngôi nhà của người Ả rập bao giờ, thậm chí tôi cũng chưa từng tiếp xúc với họ. Tôi ngạc nhiên khi thấy cuộc sống của họ bình thường không khác gì chúng tôi’. Khách quan mà nói, triển lãm không hề mang tính đe dọa, nó thậm chí còn khá là ngây thơ. Nhưng tôi nghĩ khách tham quan có thể cảm nhận được một điều gì đó khá bi thảm và đáng thất vọng về xã hội ngày nay.”
Israel và Palestine – hai xã hội đã từng sống chan hòa với nhau nhưng ngày nay đã bị chia rẽ hoàn toàn bởi hàng loạt những cuộc xung đột đẫm máu. Israel còn cho xây dựng một bức tường ở Bờ Tây và cấm hầu hết người Palestine đi vào lãnh thổ của mình và ngược lại, cấm người dân Israel đi tới các thành phố thuộc Bờ Tây do Palestine quản lý. Kể cả trong thành phố Jerusalem, nơi người Israel và Palestine chỉ sống cách nhau có 1km, họ cũng không hề quan tâm đến nhau, thậm chí, có một sự hận thù nhất định giữa người Do Thái và người Ả rập.
Câu chuyện của sự đồng cảm và tìm kiếm hòa bình
Ý tưởng chủ đạo trong tác phẩm Landau nêu lên những vấn đề dai dẳng trong xã hội Israel, cụ thể là về những người Hồi giáo Mizrahi có nguồn gốc từ các quốc gia Arab ở Trung Đông và Bắc Phi, đã đánh mất đi “chất Ả rập” của mình. Từ xa xưa, người Do Thái Mizrahi bị trục xuất khỏi các nước Ả rập hoặc lựa chọn để di cư tới Israel khi quốc gia này được thành lập. Nhưng rồi họ cũng bị lép vế trước những người Do Thái Ashkenazi có nguồn gốc châu Âu, được coi là thuộc tầng lớp cao hơn.
“Đó là câu chuyện của những người Do Thái gốc Ả rập. Một nửa trong số chúng tôi vẫn còn giữ chút kết nối với văn hóa Ả rập như ngôn ngữ, âm nhạc, tinh thần. Sự đồng cảm là những gì tôi muốn gửi đến người chiêm ngưỡng tác phẩm của mình, là sự chấp nhận với văn hóa địa phương, là những tiềm năng nếu hai dân tộc cùng nhau hợp tác. Thay vì dựa vào giá trị phương Tây và văn hóa tiêu dùng để định nghĩa sự liên kết giữa hai dân tộc.” – Landau nói thêm.
Hai gia đình mà Landau quay phim chỉ sống cách nhau có vài chục mét, nhưng chính bức tường chia rẽ Bờ Tây khiến họ không có cơ hội nhìn thấy mặt nhau. Landau cho biết, gia đình người Palestine đã được cấp giấy thông hành đặc biệt chỉ để sang Israel và tới bảo tàng để chiêm ngưỡng tác phẩm của nghệ sĩ Israel.
Raji Sebteen, 55 tuổi, người đàn ông Palestine đã cho nghệ sĩ Daniel Landau quay phim ngôi nhà và gia đình của mình, nói rằng triển lãm này là “một phương pháp tuyệt vời để nhắn nhủ con người tin vào hòa bình”. Với việc để cho hàng nghìn người Israel thấy được căn nhà của mình, ông Sebteen cho rằng đó là một cảm giác tuyệt vời: “Bạn phải hiểu rằng mọi người đều cảm thấy sợ hãi và đó là điều không đáng trách do tình hình hiện tại và do những ngờ vực đã ám ảnh họ từ rất lâu rồi. Tôi sẵn sàng mời những người bạn Israel tới thăm ngôi nhà của tôi ngoài đời thực, chứ không phải qua chiếc kính này.”