Bộ trưởng Ngoại giao Bahrain Abdullatif Al Zayani hoan nghênh khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Ngoại giao UAE Abdullah bin Zayed công bố các thỏa thuận đã ký theo Hiệp ước Abraham, bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia. (Nguồn: Reuters) |
Tháng 1/2020, thế giới còn xa lạ với virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19. Cả nước Israel khi đó vẫn trông đợi cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 3. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã công du tới Mỹ để tham vấn về kế hoạch hòa bình Trung Đông.
Sau đó, ông Netanyahu bay sang Uganda trong một chuyến đi có vẻ bình thường nhưng lại cho một kết quả khác thường. Sau khi gặp Tổng thống Sudan Abdel Fattah al-Burhan, ông Netanyahu nhận được sự đồng ý của Sudan cho máy bay thương mại Israel bay qua không phận, rút ngắn khoảng cách đi lại giữa Israel và Nam Phi.
Trong khi đó, kế hoạch Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn tiến chậm chạp do vướng vấn đề Israel quyết tâm mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây, hành động này được gọi là “xâm phạm lãnh thổ” hoặc “sáp nhập lãnh thổ” tùy theo cách diễn đạt của mỗi bên. Mỹ và Israel đã thành lập một ủy ban về vấn đề này nhưng cũng chỉ họp được 2 cuộc và một số nguồn tin nói rằng hai bên chủ yếu đề cập đến đại dịch Covid-19.
Hiệp ước Abraham gây chấn động
Sáu tháng trôi đi, thế giới tập trung chú ý vào việc Israel sẽ làm gì sau khi tuyên bố xúc tiến mở rộng lãnh thổ ở Bờ Tây kể từ tháng 7. Giữa lúc đó, ít người để ý Đại sứ Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) tại Mỹ Yousef al-Otaiba bất ngờ công khai khả năng nước này sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel. Dù sao hai bên cũng đã có nhiều hoạt động hợp tác ở cấp cơ sở, như thể thao, văn hóa, du lịch.
Tiếp đến là một sự kiện gây chấn động sau cú điện thoại tay 3 giữa Tổng thống Trump, Thủ tướng Netanyahu và Thái tử UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan. Trang Twitter của ông Trump xuất hiện thông báo về thỏa thuận bình thường hóa quan hệ UAE-Israel, với cái tên Hiệp ước Abraham (Abraham được coi là vị cha chung của người Do Thái và người Arập).
Rất nhanh chóng sau đó, hai bên xúc tiến một loạt hoạt động ngoại giao, du lịch, văn hóa, kinh doanh… Hiệp ước không chỉ nằm trên giấy mà nhanh chóng biến thành các hoạt động hợp tác thực tế.
Những tháng cuối năm 2020 chứng kiến một hiệu ứng domino. Bahrain, Sudan và Maroc lần lượt thông báo nối lại quan hệ với Israel, theo cách này hay cách khác.
Liệu chuỗi domino có tiếp tục?
Năm 2021 bắt đầu bằng những lời bàn tán liệu chuỗi domino sẽ tiếp tục với việc có thêm các quốc gia Arập, Hồi giáo khác tham gia Hiệp ước Abraham? Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump nói họ đang xúc tiến để việc này diễn ra trong nốt ba tuần còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Trump.
Mauritania, Oman và Indonesia là ba cái tên được các quan chức Mỹ đề cập trong những ngày gần đây. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi Israel vốn đã duy trì quan hệ ở mức độ nào đó với ba quốc gia này.
Mauritania từng tham gia cuộc chiến chống Israel năm 1967. Sau đó hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1999, nhưng lại bị đình trệ bởi một chiến dịch quân sự của Israel chống lại người Palestine tại Gaza.
Với Indonesia, cựu Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin đã tới thăm quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới này. Mỗi năm, hàng nghìn người dân hai nước đi du lịch, thăm viếng lẫn nhau.
Trong khi đó với Oman, Thủ tướng Israel Netanyahu đã tới thăm vương quốc Hồi giáo này năm 2018. Ngoài ra, Oman cũng là một phần của liên minh chống Iran trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo và Ngoại trưởng hoan ngênh các thỏa thuận đã ký theo Hiệp ước Abraham, bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia. (Nguồn: Reuters) |
Quân cờ “khủng” nhất
Đáng kể nhất là Saudi Arabia được dự báo sẽ là đất diễn của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden. Vị tổng thống đắc cử Mỹ và các cố vấn đối ngoại đều nhận xét tích cực về hiệp ước Abraham nhưng cũng chỉ trích mạnh mẽ Saudi Arabia về các vấn đề nhân quyền.
Nếu chính quyền ông Trump không tìm cách nâng tầm hình ảnh của Riyadh trong vài tuần còn lại của nhiệm kỳ (đây là việc không dễ dàng), tình huống có thể xảy ra là Saudi Arabia sẽ ngồi đợi xem họ nhận được gì khi bước ra bắt tay hòa bình với Israel. Tình huống có thể xảy ra sẽ buộc Ryiadh đặt câu hỏi “Tại sao tôi lại không trong khi UAE, Sudan và Marocco lại được?”.
Một quan chức cao cấp đã tiết lộ với tờ Jerusalem Post rằng Saudi Arabia có thể sẽ ký thỏa thuận quan hệ với Israel trong năm 2021. Cách đây vài tuần, ông Netanyahu và Thái tử Mohammed bin Salman đã có cuộc tiếp xúc tại thành phố Neom ở Saudi Arabia. Thái tử Salman vẫn chưa lên tiếng về vấn đề này, chỉ nhắc lại rằng bất cứ thỏa thuận nào với Israel cũng cần xét điều kiện tiên quyết là “hòa bình cho Palestine”.
Nhìn về 360 ngày trước mắt của năm 2021, dường như các quân cờ domino của Hiệp ước Abraham sẽ tiếp tục theo chân nhau và có lẽ trong đó có cả quân cờ “khủng” nhất Saudi Arabia.
Tuy nhiên, nếu có thể rút ra được một bài học từ năm 2020 cho năm 2021, thì đó là diễn biến của tháng 1 rất khác so với tháng 12, theo cách chúng ta không bao giờ có thể dự liệu được.
| Bóc tách sức công phá của đầu đạn hạt nhân W76-2 TGVN. Trong khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden phản đối ý tưởng trang bị vũ khí hạt nhân "công suất thấp" cho tàu ... |
| Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua S-400 của Nga bất chấp lệnh trừng phạt từ Mỹ? TGVN. Đây là câu hỏi được đặt ra khi những tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc mua hệ thống tên lửa ... |
| 5 vấn đề quốc tế đáng mong chờ trong năm 2021 TGVN. Năm 2020 đã để lại nhiều câu chuyện thời sự lớn và những câu chuyện này sẽ còn tiếp diễn vào năm 2021. Một ... |