📞

K-pop gắn kết hai miền Triều Tiên

15:12 | 07/04/2018
Chương trình biểu diễn K-Pop, giao lưu võ thuật,... tại Bình Nhưỡng trước thềm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều được xem là một động thái thể hiện “sức mạnh mềm” nhằm cải thiện quan hệ song phương.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhiều hoạt động giao lưu nhân dân như biểu diễn K-Pop, võ thuật... đã diễn ra tại Bình Nhưỡng. Liệu những giao lưu văn hoá và âm nhạc có thể làm cho căng thẳng trong đàm phán dịu đi?

Sự kiện chưa từng có

Một quan chức Hàn Quốc tiết lộ có khoảng 160 ca sĩ, nhạc sĩ và vũ công của showbiz Hàn đến Triều Tiên vào ngày 31/3 để chuẩn bị cho chương trình giao lưu âm nhạc “chưa từng có” giữa hai miền Triều Tiên trong hơn một thập kỷ qua. Chương trình sẽ diễn ra trong bốn ngày, gồm hai buổi biểu diễn tại Nhà hát lớn Đông Bình Nhưỡng có sức chứa 12.000 người. Chương trình được lên kế hoạch chỉ vài tuần trước thềm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều dự kiến vào cuối tháng 4.

Ông Kim Jong-un giao lưu cùng các nghệ sỹ K-pop. (Nguồn: KCNA)

Sự kiện âm nhạc tầm cỡ này không chỉ là hoạt động trao đổi văn hóa đơn thuần mà còn phát đi thông điệp chính trị quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng giữa hai miền đã kéo dài hơn 70 năm qua. Theo đó, động thái “ngoại giao K-Pop” này của Hàn Quốc là bước tiếp nối của “ngoại giao Thế vận hội” mà Triều Tiên đã thực thi tại Olympic Pyeongchang 2018. Không chỉ cử vận động viên tham gia thi đấu, dàn nhạc và ban nhạc Triều Tiên cũng đã biểu diễn thành công, gây được tiếng vang lớn và thu hút sự quan tâm sâu rộng của công chúng ở Hàn Quốc. Vì vậy, đoàn nghệ sĩ Hàn Quốc đến Triều Tiên lần này phục vụ sứ mệnh ngoại giao trọng đại là tạo không khí chính trị thuận lợi trong các cuộc đàm phán tới đây. Thêm vào đó, việc thực thi chính sách ngoại giao mềm thông qua giao lưu nghệ thuật được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, chấm dứt cuộc li biệt suốt 73 năm qua đã khiến hàng nghìn gia đình sống trong cảnh chia lìa.

Nghệ sĩ hóa nhà ngoại giao

Danh sách nghệ sĩ Hàn tham dự chương trình được tiết lộ đều gồm các ngôi sao giải trí hàng đầu tại xứ sở Kim chi như: huyền thoại âm nhạc Cho Yong Pil và Choi Jin Hee; nhóm K-pop 5 thành viên Red Velvet; Seohyun - thành viên của nhóm nhạc Girls’ Generation. Trưởng phái đoàn nghệ sĩ Hàn Quốc tới Triều Tiên là nhạc sĩ, ca sĩ kỳ cựu Yoon Sang. 

Trong một cuộc trả lời báo chí về chương trình biểu diễn tại Bình Nhưỡng, nghệ sĩ Yoon Sang nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là khiến người Triều Tiên ấn tượng theo cách họ đã từng làm tại Hàn Quốc trong Thế vận hội Pyeongchang”.

Giáo sư Song Young Chae đến từ Trung tâm Sáng tạo và Hợp tác toàn cầu, Đại học Sangmyung, cho biết việc Hàn Quốc đưa đoàn nghệ sĩ đến Triều Tiên biểu diễn là một “hình thức ngoại giao”. Theo ông, chính quyền hai nước muốn chứng tỏ với cả thế giới rằng họ đang nỗ lực hướng đến nền hòa bình lâu dài. Dù vậy, những căng thẳng giữa hai bên khó có thể được hòa giải nhanh chóng. Vì vậy, ngoại giao thông qua các hình thức như giao lưu văn hóa, âm nhạc, giải trí là phương thức hữu hiệu và ít rủi ro, tạo cơ hội tăng cường hiểu biết giữa hai nước và thúc đẩy các thỏa thuận song phương được ký kết.

Nghệ sỹ K-pop. (Nguồn: KCNA)

Theo KCNA ngày 2/4, ông Kim Jong-un ngợi ca đây là dịp mang tới "mùa Xuân hòa bình" cho bán đảo Triều Tiên.

Ông đề xuất hai miền cùng tổ chức thêm nhiều sự kiện văn hóa, chẳng hạn như một buổi hòa nhạc mang tên "Thu sang" tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào mùa Thu tới.

Phủ Tổng thống Hàn Quốc đánh giá sự hiện diện tại buổi hòa nhạc trên của ông Kim là một "tín hiệu tích cực", đồng thời cho rằng động thái này sẽ giúp thúc đẩy hòa giải và đối thoại liên Triều.

Không chỉ là giải trí

Thực tế cho thấy, bất chấp lệnh cấm Làn sóng Hallyu (chỉ sự nổi tiếng nhanh chóng của văn hóa Hàn Quốc ở các nước trên thế giới) của chính phủ Triều Tiên, rất nhiều chương trình âm nhạc, phim điện ảnh, truyền hình của Hàn Quốc vẫn được bán lậu vào Bình Nhưỡng. Điều này thể hiện sức lan tỏa mạnh mẽ của các sản phẩm văn hóa vượt ra khỏi rào cản và ranh giới quốc gia.

Các chương trình truyền hình Hàn Quốc được nhiều người dân Triều Tiên ưa chuộng bởi nó khắc họa xã hội sung túc, xa hoa mà họ hằng mong ước. Đó cũng là lý do mà những chương trình này không được giới chức cầm quyền Triều Tiên chào đón. Trên thực tế, không chỉ các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc mà nhiều chương trình quốc tế du nhập khác cũng bị kiểm soát nghiêm ngặt tại đây.

Chính âm nhạc đã phản chiếu chân thực sự khác biệt giữa hai miền Triều Tiên. Khi các bản nhạc pop của miền Nam là thông điệp về tình yêu, tuổi trẻ, thì âm nhạc miền Bắc tập trung tôn vinh chế độ xã hội chủ nghĩa hay ca ngợi gia đình lãnh tụ họ Kim…

Stephen Nagy, Giáo sư Quan hệ quốc tế của Đại học quốc tế Christian (Canada) nhận định Bình Nhưỡng rất quan tâm đến việc khai thác các sự kiện văn hóa để chứng tỏ với Hàn Quốc rằng Triều Tiên không phải là mối đe dọa của họ: “Triều Tiên coi đây là cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy mối quan hệ với Hàn Quốc, tăng cường đối thoại và giảm căng thẳng giữa hai miền. Trong khi đó, phía Hàn Quốc cũng thể hiện nỗ lực xích lại gần hơn với Triều Tiên, bất chấp việc Nhật Bản và Mỹ gây sức ép lên Bình Nhưỡng”, ông nói.

Liệu có thể hy vọng?

Những cử chỉ ngoại giao đầy thiện chí giữa hai miền Triều Tiên mới đây phần nào cho thấy mong muốn gắn kết, ước vọng về một nền hòa bình thống nhất và toàn vẹn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra khá ngờ vực trước “sự thân thiện bất ngờ” của hai nhà lãnh đạo dành cho nhau. Giáo sư Nagy cho biết: “Rất có thể mục đích của Bình Nhưỡng là chia rẽ mối quan hệ đồng minh giữa Hàn Quốc với Nhật Bản và Mỹ”.

Chưa ai dám chắc về một kết quả tốt đẹp tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong-un. Lý do có thể là hai bên đều nhận thấy rằng cái giá của sự thống nhất quá đắt đỏ và sự khác biệt khó xóa mờ. Từ ngoại giao âm nhạc đến đàm phán hạt nhân thực sự là những câu chuyện khác nhau, phụ thuộc vào rất nhiều bên với những quan điểm trái chiều.

(theo DW)