Ngày 20/4/2019, tại sân bay Biên Hòa, với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Thượng Nghị sỹ Patrick Leahy, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức khởi động Dự án Tẩy độc môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Đây là dự án có khối lượng công việc lớn gấp nhiều lần sân bay Đà Nẵng, dự kiến ngân sách cần thiết lên đến 350 triệu USD trong 10 năm.
Cũng nhân dịp này, hai bên đã ký kết Bản ghi nhận ý định, trong đó khẳng định mong muốn cùng nhau khắc phục hậu quả chiến tranh đối với sức khỏe con người thông qua việc hỗ trợ người khuyết tật ở những tỉnh của Việt Nam bị phun rải chất da cam trong thời gian chiến tranh; dự kiến thực hiện trong 5 năm, với nguồn hỗ trợ của Hoa Kỳ có thể lên đến 50 triệu USD.
Hai sự kiện đặc biệt đã đánh dấu mốc quan trọng trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói riêng và quá trình hòa giải quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ nói chung.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz thăm quan khu triển lãm hoạt động tìm kiếm MIA bên lề Lễ Kỷ niệm 30 năm hoạt động MIA, tháng 12/2018. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Khởi nguồn cho quan hệ hợp tác
Hơn 30 năm trước, Việt Nam và Hoa Kỳ bắt đầu chặng đường hòa giải. Ngay sau Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh ở Việt Nam cho đến năm 1988, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã đơn phương tổ chức tìm kiếm và trao trả cho phía Hoa Kỳ 302 bộ hài cốt có thể liên quan đến tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam (MIA). Tuy vậy, tới năm 1988, hai bên mới có thể triển khai đợt hoạt động chung lần đầu tiên.
Nhiều nguyên nhân được nhắc đến, trong đó có việc một bộ phận chính giới Hoa Kỳ mang nặng hội chứng chiến tranh, phản đối mọi bước đi với Việt Nam dù có lợi cho việc giải quyết vấn đề MIA, viện dẫn những tin thất thiệt, thậm chí bịa đặt về vấn đề tù binh Hoa Kỳ còn bị giam giữ tại Việt Nam. Một vấn đề nữa là do khác biệt trong cách tiếp cận: phía Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam hỗ trợ một chiều giải quyết vấn đề MIA mà không quan tâm đến các nhu cầu nhân đạo của Việt Nam.
Vấn đề MIA cũng thường được gắn với những vấn đề rộng lớn hơn như bình thường hóa quan hệ ngoại giao, viện trợ kinh tế, gây khó khăn cho việc đạt thỏa thuận và triển khai cụ thể. Đồng thời, tình hình thế giới và khu vực những năm đầu thập kỷ 1980, đặc biệt vấn đề quân tình nguyện Việt Nam giúp Campuchia chiến đấu chống chế độ diệt chủng Polpot, khiến vấn đề MIA bị giảm ưu tiên, bị gác lại trong một thời gian dài.
Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cầm trên tay nắm đất đã được tẩy độc hoàn toàn tại Sân bay Đà Nẵng. (ảnh tư liệu) |
Qua hơn 30 năm hợp tác, đến nay, hai bên đã tổ chức thành công 134 Đợt hoạt động chung, hồi hương gần 1000 bộ hài cốt có thể liên quan MIA, nhờ đó phía Hoa Kỳ đã nhận dạng được khoảng 730 trường hợp.
Điều này càng có ý nghĩa hơn khi nhân dân Việt Nam phải vượt lên nỗi đau của chính mình, tiếp nối truyền thống đạo lý nhân ái, bao dung, yêu chuộng hòa bình, chia sẻ mất mát của những gia đình MIA Hoa Kỳ. Chúng ta đã và sẽ tiếp tục chứng kiến sự hỗ trợ đầy tính nhân văn của nhân dân các địa phương có hoạt động MIA, đặc biệt là gia đình và cá nhân đang chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh, các cựu chiến binh và cựu thanh niên xung phong Việt Nam, các cán bộ tham gia công tác MIA nhưng ngay trong gia đình vẫn còn liệt sỹ chưa quy tập được hài cốt.
Hơn 30 năm hợp tác MIA cũng chứng kiến những khó khăn, gian khổ mà các chuyên viên hai bên phải trải qua. Trong đó, phải kể đến sự hy sinh tính mạng của 9 cán bộ Việt Nam và 7 chuyên viên Hoa Kỳ trong vụ tai nạn trực thăng MIA ngày 7/4/2001 khi đang triển khai hoạt động hỗn hợp tại tỉnh Quảng Bình. Thiện chí và sự hợp tác đầy đủ, hiệu quả của Việt Nam đã được chính quyền và Quốc hội Hoa Kỳ, Liên đoàn các gia đình MIA Hoa Kỳ, các tổ chức cựu chiến binh và dư luận Hoa Kỳ nói chung cảm ơn và đánh giá cao, coi là hình mẫu cho sự hòa giải.
Ngày 13/9/2006, lần đầu tiên Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết cảm ơn các bên liên quan, trong đó có Việt Nam về tìm kiếm MIA. Trong các Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ, các Tổng thống Hoa Kỳ đều đánh giá cao sự hợp tác đầy đủ của Việt Nam trong vấn đề MIA.
Qua hơn 30 năm hợp tác, đến nay, hai bên đã tổ chức thành công 134 Đợt hoạt động chung, hồi hương gần 1000 bộ hài cốt có thể liên quan MIA, nhờ đó phía Hoa Kỳ đã nhận dạng được khoảng 730 trường hợp. |
Từ kẻ thù thành đối tác
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã gây ra những tổn thất vô cùng to lớn cả về con người và môi trường cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Hàng triệu người Việt Nam thiệt mạng, thương tật. Hiện còn khoảng 200.000 liệt sỹ Việt Nam chưa tìm thấy hài cốt. Hàng vạn người dân Việt Nam hiện đang chịu ảnh hưởng của chất độc da cam, bom mìn… tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài về kinh tế, môi trường, xã hội, sức khỏe, tâm lý.
Ngày 10/11/2017, phát biểu trong chuyến thăm chính thức Việt Nam nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017, Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố: “Những nỗ lực trong việc kiểm kê [quân nhân Hoa Kỳ mất tích] tại Việt Nam là rất, rất quan trọng đối với tất cả chúng ta…Tôi cảm ơn Chính phủ Việt Nam vì sự hỗ trợ của họ trong nỗ lực của chúng ta”. |
Khoảng 74 triệu lít chất diệt cỏ đã được sử dụng, trong đó có các chất chứa chất độc dioxin. Hàng triệu tấn bom đã ném xuống Việt Nam, diện tích bị ô nhiễm bom mìn hiện chiếm khoảng 20% diện tích lãnh thổ Việt Nam. Trong số này, vấn đề chất độc da cam rất nghiêm trọng, với nhiều điểm nóng bị ô nhiễm vượt ngưỡng, thế hệ thứ 2, thứ 3 của những người bị phơi nhiễm trực tiếp cũng bị di chứng.
Nhờ nỗ lực vận động của ta, đáp lại thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong hợp tác MIA, phù hợp với sự phát triển quan hệ hai nước, Hoa Kỳ đã dần có trách nhiệm hơn hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung và chất độc da cam nói riêng. Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ bắt đầu khá muộn, nhưng gia tăng khá nhanh và thực chất.
Năm 2007, lần đầu tiên Quốc hội Hoa Kỳ thông qua khoản ngân sách 3 triệu USD hỗ trợ giải quyết hậu quả chất độc da cam tại Việt Nam. Từ 2011 - 2018, Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, giúp xử lý triệt để 90.000m3 đất, trầm tích ô nhiễm dioxin, bàn giao 32,4 ha đất sạch phục vụ mở rộng sân bay Đà Nẵng. Hỗ trợ của Hoa Kỳ cho dự án tăng từ 41 triệu USD lên 106 triệu USD. Dự án tương tự tại sân bay Biên Hòa, với khối lượng công việc lớn hơn nhiều lần, đã được khởi động, dự kiến kéo dài 10 năm với nguồn hỗ trợ của Hoa Kỳ cho giai đoạn 1 là hơn 180 triệu USD.
Đối với nạn nhân chất độc da cam, giai đoạn 2007-2012, Hoa Kỳ đã chi 11 triệu USD thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho các chương trình hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam. Giai đoạn 2012 – 2015, con số này tăng hơn gấp đôi lên đến 27,5 triệu USD. Năm 2016, phía Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án hỗ trợ người khuyết tật tại 6 tỉnh bị phun rải chất da cam với nguồn ODA không hoàn lại là 21 triệu USD. Thỏa thuận hỗ trợ người khuyết tật mới được ký kết tại Biên Hòa.
Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai
Có thể nói, Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng đi một chặng đường dài và quan trọng trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Sự hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này đã giúp tạo nên những giá trị chung, trở thành cầu nối để hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và cho đến nay vẫn là điểm sáng trong quan hệ hai nước, trở thành hình mẫu cho thế giới.
Lĩnh vực hợp tác này chắc chắn sẽ tiếp tục là một trụ cột trong quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác giúp phía Hoa Kỳ tìm kiếm MIA. Mặt khác, chính giới Hoa Kỳ cần hỗ trợ hơn nữa cho công tác khắc phục hậu quả chiến tranh của Việt Nam nói chung cũng như vấn đề về chất độc da cam nói riêng.
Những thành quả của cả Việt Nam và Hoa Kỳ đã góp phần quan trọng tạo ra sự đồng cảm, chia sẻ, hiểu biết và hữu nghị giữa nhân dân hai nước và tiếp tục là khởi nguồn cho thiện chí, hợp tác thực chất và hiệu quả giữa hai nước trên các lĩnh vực khác, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.