Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; ông Donald Campbell, đồng Chủ tịch Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau phiên khai mạc. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh những đóng góp nổi bật của Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và tất cả các thành viên đối với hợp tác và thịnh vượng của khu vực trong gần bốn thập kỷ qua.
Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương đã khẳng định vai trò là một thể chế đặc biệt, nắm bắt được tâm huyết và trí tuệ của các các doanh nghiệp, chính phủ và giới học giả để hình thành các ý tưởng nhằm xử lý những thách thức quan trọng nhất mà châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ, khi Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương được thành lập năm 1980, khu vực này chiếm hơn 40% GDP toàn cầu. Ngày nay, con số này đã tăng lên trên 50%. Hơn một tỷ người trong khu vực đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực.
Hướng tới tương lai, trọng tâm kinh tế thế giới tiếp tục chuyển dịch về châu Á - Thái Bình Dương; các nền kinh tế mới nổi trong khu vực được dự báo sẽ tiếp tục là động lực của tăng trưởng khu vực và toàn cầu. Đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
“Là nơi hội tụ các công nghệ mới, lực lượng lao động có tay nghề và tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ, tỉ trọng của khu vực trong GDP toàn cầu dự báo sẽ tăng lên gần 70% vào năm 2050. 10 trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương”.
“Khu vực này là minh chứng cho thịnh vượng chung có thể đạt được thông qua liên kết và hợp tác kinh tế sâu rộng hơn, cũng như tự do hóa thương mại và đầu tư. Vì vậy, dự báo thế kỷ 21 là “thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương” không phải là nói quá”, Phó Thủ tướng nói.
Về triển vọng của khu vực, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, phụ thuộc vào hiệu quả xử lý ba “nhóm” thách thức mà khu vực hiện đang đối mặt, cả về ngắn hạn và dài hạn.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đó là: Năng suất trì trệ, bất bình đẳng gia tăng trong từng nền kinh tế và giữa các nền kinh tế; các thách thức dân số, vấn đề đói nghèo, đô thị hóa, các tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu.
Tiếp theo là mức độ sẵn sàng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, những thay đổi to lớn về công nghệ, làm thay đổi bản chất của việc làm, chuyển đổi xã hội của chúng ta cũng như cách thức chúng ta liên hệ và tương tác với nhau.
Cuối cùng là những rủi ro tiềm ẩn của xung đột địa chính trị và thiếu một cơ chế quản trị khu vực có khả năng thích ứng.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, để đối phó với những thách thứ này, các nền kinh tế thành viên APEC cần có những phương thức sáng tạo trong hợp tác và hài hòa các chính sách, thương mại, xử lý các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới, nâng cao năng lực và hợp tác kinh tế - kỹ thuật…
Đại sứ Don Campbell, đồng Chủ tịch Cuộc họp Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương phát biểu tại phiên khai mạc. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đại sứ Don Campbell, đồng Chủ tịch Cuộc họp Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương cho rằng, với vai trò là một thể chế đặc biệt kết nối các nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương là một đối tác ba bên duy nhất kết nối các cá nhân cấp cao từ khối doanh nghiệp, ngành công nghiệp, chính phủ, các nhà khoa học và tầng lớp trí thức khác. Các lực lượng này đều tham gia thảo luận về các vấn đề chính sách hiện tại và thực tiễn trong vấn đề hợp tác kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Đại sứ đưa ra các khuyến nghị, giải pháp trên tinh thần hợp tác, công bằng, tôn trọng, hướng tới một khu vực châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng và tiến bộ.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga trao đổi với các đại biểu. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Cũng trong buổi sáng đã diễn ra hai phiên thảo luận gồm: “Những thành tựu quan trọng và triển vọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương” và “Những động lực mới cho tăng trưởng và liên kết kinh tế”.
Buổi chiều Hội nghị tiếp tục làm việc với các phiên “Thách thức và cơ hội cho kinh tế số để phát triển toàn diện” và “Triển vọng quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỉ 21”.
Phiên thảo luận thứ nhất " “Những thành tựu quan trọng và triển vọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Phiên thảo luận thứ hai “Những động lực mới cho tăng trưởng và liên kết kinh tế”. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Các khuyến nghị và ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị sẽ đóng góp quan trọng vào tiến trình tư duy về hợp tác APEC đến năm 2020 và tương lai, và vào chủ đề bao trùm của Năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.