📞
(theo The Conversation)

Khai thác kim cương ở Congo

13:00 | 21/05/2017
Hình ảnh những người thợ đang mò tìm kim cương trên sông làng Mawangu gợi nhớ một thời hoàng kim của ngành công nghiệp sản xuất kim cương của Congo, nước từng chiếm tới 1/4 lượng đá quý hiếm này của thế giới.

Năm 2016, Congo chỉ xuất khẩu được 17,1 triệu carat kim cương, giảm 33 triệu carat so với 10 năm trước đó. Do giá kim cương toàn cầu đang trên đà giảm và việc buôn bán các mặt hàng khác như đồng, coban, coltan và vàng trở nên có lợi hơn, hiện chỉ còn một số ít thợ đào, thợ lặn và đại lý ở Congo còn khai thác kim cương trong các mỏ ở những vùng xa xôi như làng Mawangu.

Một người thợ đang đãi kim cương. (Nguồn: The Conversation)

Rất hiếm xe hơi hoặc xe tải đến làng Mawangu, và chỉ có một hãng hàng không thực hiện chuyến bay kéo dài 90 phút từ thủ đô Kinshasa đến thị trấn Tembo, mỗi tháng vài lần. Từ thị trấn, muốn đến làng Mawangu, người ta phải đi bằng xe máy khoảng một giờ đồng hồ dọc theo con đường hẹp, gồ ghề, xuyên qua rừng rậm và thảo nguyên.

Tìm vận may

Do cuộc sống khó khăn, một số thanh niên trẻ Congo tiếp tục đến làng Mawangu để lặn mò kim cương lẫn trong bùn dưới đáy sông. Tuy nhiên, rất ít người trở nên giàu có.

Thợ đào kim cương Jeancy Kaloso nói anh mơ tìm được một viên có thể bán với giá 1 triệu USD để làm vốn cho việc kinh doanh sau này. "Để tìm được những viên kim cương lớn rất khó, cần kiên nhẫn, nhưng tôi có thể đợi”, anh nói.

Những người thợ chặn một phần của lòng sông, sử dụng máy bơm hút cạn nước. Sau đó, họ bắt đầu đào sâu xuống thành nhiều hố và tìm kiếm kim cương. Anh Odon Skihitel, 34 tuổi, cho biết thỉnh thoảng lính tuần tra ghé qua, và những người thợ phải biếu họ “một chút”. "Chúng tôi đang làm việc cho một dự án bất hợp pháp, vì vậy, họ có quyền tịch thu bất kỳ thứ gì”, anh giải thích.

Skihitel cho biết, suốt vài tháng qua, họ không tìm được gì đáng kể. Nhóm thợ chỉ được khoảng 100 USD/tuần sau khi trừ chi phí thực phẩm và dầu diesel chạy máy bơm.

Cứ vài phút, một thợ lặn lại nổi lên và chuyển cho nhóm trên thuyền một bao tải sỏi, đất (có thể chứa kim cương vụn). Mặt trời đang lặn, nhưng máy phát điện vẫn hoạt động, bơm không khí xuống cho những người thợ lặn.

Một thời hoàng kim

Vào thời kỳ những năm 1980 và 1990, những viên kim cương trị giá hàng triệu USD được vận chuyển qua thị trấn Tembo hàng tuần. Một số đã được khai thác ở làng Mawangu, số còn lại được buôn lậu từ Angola. Khi đó cũng đang là cao điểm của cuộc nội chiến ở nước này.

Từ năm 1992-1998, lực lượng phiến quân UNITA ở Angola đã bán số kim cương trị giá tới 3,72 tỷ USD để có ngân sách phục vụ chiến tranh, trong đó phần lớn được bán sang Congo. Tuy nhiên, sau khi cuộc nội chiến chấm dứt, Chính phủ Angola đã siết chặt kiểm soát biên giới, ngăn chặn xuất khẩu kim cương bất hợp pháp.

Giấy phép đầu tư “chết”

Thợ đào kim cương Adrien-Bita Shikita chia sẻ về những dự án phát triển và những lời hứa không được thực hiện ở khu mỏ của làng Mawangu. "Nhà chức trách đã đến và hỏi chúng tôi cần gì, nhưng họ không cung cấp gì cả", ông nói. "Các công ty khai thác mỏ cũng cử người đến, nhưng không công ty nào đầu tư vào làng này”.

Ông Shikita cho biết một công ty quốc tế đã đưa ra kế hoạch nạo vét lòng sông vào năm 2004, nhưng họ đã rút lui sau cuộc tranh cãi gay gắt giữa các chủ sở hữu người Bỉ và Mỹ. Họ từng dự kiến xây dựng một trường học, một trung tâm y tế, và sửa chữa cây cầu ở làng Mawangu, nhưng những kế hoạch này đã bị bãi bỏ.

Trong khi đó, các quan chức Chính phủ Congo thừa nhận gian lận vẫn phổ biến ở đây và rất dễ tuồn những viên đá lớn từ các khu mỏ không chính thức như ở Mawangu, ra khỏi đất nước.

Ông Alexis Mikandji, người đứng đầu cơ quan chính phủ giám sát việc xuất khẩu đá quý (CEEC), cho biết: 17 triệu carat - sản lượng kim cương năm trước của Congo - "không thể hiện được tiềm năng của chúng tôi".

Ông giải thích rằng quá nhiều công ty kinh doanh kim cương đã không đầu tư vào các hoạt động khai thác theo đúng yêu cầu của giấy phép khai thác mỏ. Họ thích thuê thợ đào theo kiểu bất hợp pháp trong khu vực họ quản lý để có thể trả lương thấp, sau đó kiếm bộn tiền từ việc bán những thứ khai thác được. "Từ năm 2004 đến nay, chỉ có ba hoặc bốn chủ mỏ có giấy phép khai thác khoáng sản làm đúng theo quy định", ông nói.

Chính phủ muốn buộc các công ty phải đầu tư theo đúng giấy phép, hoặc trả lại giấy phép để các khu mỏ có thể được đấu thầu lại. Tuy nhiên, việc thu hồi này rất khó vì nhiều giấy phép do các thành viên quyền lực trong chính giới Congo sở hữu.

Tại trụ sở của CEEC ở thủ đô Kinshasa, ba cánh cửa thép xám dẫn vào căn phòng - nơi các chuyên gia đang chăm chú xem xét từng viên đá trên bàn phân loại, dưới ánh sáng đèn rất mạnh và các camera an ninh. Những viên đá quý được họ nhặt lên bằng nhíp, soi qua kính lúp, rồi để sang một bên. Sau đó, chúng được cân và đóng gói gửi đi, kèm với giấy chứng nhận giá trị.