Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017. |
Thưa Thứ trưởng, Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 18 - 30/8, nhằm tiếp tục thúc đẩy triển khai các nội dung hợp tác và ưu tiên của APEC. Xin Thứ trưởng cho biết mục tiêu và ý nghĩa của các sự kiện lần này?
Diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới và khu vực khởi sắc hơn, liên kết kinh tế quốc tế tiếp tục được thúc đẩy dù tốc độ có phần chậm lại, SOM 3 là hội nghị cấp quan chức cao cấp có quy mô lớn cuối cùng trong Năm APEC. Hơn 70 cuộc họp của các ủy ban, nhóm công tác APEC sẽ được tổ chức với sự tham dự của trên 2000 đại biểu.
Hai hoạt động quan trọng trong dịp này là Cuộc họp cao cấp về Y tế và Kinh tế, với sự tham dự của nhiều Bộ trưởng APEC và Hội thảo về phát triển bao trùm về tài chính, kinh tế và xã hội, là sáng kiến của nước ta nhằm tạo động lực cho tăng trưởng bao trùm và bền vững của khu vực.
SOM 3 có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành công của Năm APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao. Hội nghị sẽ thảo luận để hướng tới hình thành chương trình hoạt động và nghị sự của Tuần lễ Cấp cao, cũng như hướng các văn kiện dự kiến trình lên các nhà Lãnh đạo và các Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC vào tháng 11. Các thành viên cũng sẽ tiếp tục trao đổi và định hình các sáng kiến, đề xuất mang tính dấu ấn của Năm APEC 2017, trong đó có vấn đề phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, an ninh lương thực, công nghiệp hỗ trợ, chuẩn bị xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020…
Tại Hội nghị, nước ta sẽ thông báo với các thành viên về tiến triển của công tác chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao về cơ sở vật chất, lễ tân, hậu cần, an ninh, y tế, báo chí…; thúc đẩy thu xếp các chuyến thăm, cuộc gặp cấp cao giữa Lãnh đạo nước ta với Lãnh đạo một số thành viên APEC.
Từ ngày 18 – 25/8 cũng diễn ra Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ, nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác APEC về nông nghiệp bền vững và triển khai nhiệm vụ “phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại một Hội nghị thuộc SOM 2. (Ảnh: Nguyễn Hồng). |
Có thể nói, chúng ta đã đi được 2/3 hành trình của Năm APEC 2017. Thứ trưởng có thể cho biết thông tin phản hồi từ các thành viên và các tổ chức quốc tế về công tác tổ chức của Việt Nam và những đóng góp, sáng kiến của Việt Nam góp phần triển khai bốn ưu tiên của Năm APEC 2017?
Chúng ta đăng cai tổ chức các sự kiện APEC vào thời điểm tình hình quốc tế biến động phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với vai trò chủ nhà của nước ta. Tuy nhiên, qua ba hội nghị cấp Bộ trưởng và bốn đợt hội nghị quan chức cao cấp đã được tổ chức với hơn 5.000 đại biểu tham dự, có thể nói, chúng ta đã bước đầu làm tốt công tác chủ trì, điều phối và tổ chức, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Các thành viên và Ban Thư ký APEC quốc tế đặc biệt ghi nhận những đóng góp của nước ta vào việc thúc đẩy hợp tác, liên kết của APEC, củng cố vai trò của APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu. Trong thành công này, các đề xuất sáng tạo, linh hoạt và khả năng điều phối uyển chuyển của Việt Nam để tìm ra tiếng nói chung trong vai trò chủ nhà là yếu tố then chốt. Các sáng kiến của nước ta về thúc đẩy phát triển bao trùm về tài chính, kinh tế, xã hội, phát triển nguồn nhân lực…, được các thành viên hết sức quan tâm và ủng hộ.
Các đại biểu APEC cũng có ấn tượng tốt đẹp về công tác tổ chức của ta. Lãnh đạo và người dân các tỉnh, thành phố đăng cai các hoạt động APEC đã chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký APEC 2017 và cơ quan liên quan để bảo đảm việc tổ chức diễn ra suôn sẻ, đồng thời đã tận dụng hiệu quả dịp này để quảng bá các thế mạnh kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch của địa phương. Tựu chung lại, chúng ta đã thể hiện sự chu toàn, mến khách, tạo điều kiện tốt nhất để các thành viên họp mặt, trao đổi, góp phần vào thành công của các hoạt động.
Trong tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay, qua các sự kiện đã diễn ra, theo đánh giá từ phía Việt Nam, kỳ vọng của các bên về cơ hội tạo nên một động lực mới sau Năm APEC 2017 thế nào, thưa Thứ trưởng?
Trong bối cảnh hợp tác APEC đang đứng trước không ít thách thức do những thay đổi sâu sắc của tình hình quốc tế, có thể nói, các thành viên đều kỳ vọng Việt Nam, trên cương vị chủ nhà, sẽ góp phần khẳng định vai trò của APEC trong cục diện mới và tạo động lực cho APEC bước vào thập kỷ phát triển thứ tư. Đến nay có thể nói chúng ta đã đáp ứng phần nào quan tâm của các thành viên.
Trước hết, chúng ta đã đóng góp vào việc đề cao vị thế của Diễn đàn với sự tham dự của Lãnh đạo Cấp cao nước ta vào các hoạt động APEC. Thông điệp của các Lãnh đạo ta về tầm nhìn về một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, ngày càng gắn kết và phát triển thịnh vượng đã tạo niềm tin lan tỏa cho các thành viên duy trì cam kết đối với hợp tác và liên kết của APEC.
Thứ hai, chúng ta chia sẻ niềm tin và đồng hành với các thành viên trong việc tạo động lực mới cho tương lai của APEC. Đó là xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch hợp tác, sáng kiến nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân và doanh nghiệp trong khu vực được tham gia đóng góp và hưởng những thành quả của tăng trưởng và liên kết, đẩy mạnh triển khai các Mục tiêu Bogor, tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng và minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững…
Thứ ba, chúng ta cũng thúc đẩy sự tham gia, phối hợp và đóng góp của các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và mạng lưới học giả vào nhiều hoạt động lớn của APEC, qua đó tạo sức mạnh tổng hợp lớn hơn và giúp các thành viên có những cách nhìn mới nhằm thúc đẩy cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động APEC, hướng tới đưa APEC trở thành một cơ chế đi tiên phong trong xử lý các thách thức toàn cầu trong thời gian tới.
Chỉ còn ba tháng nữa sự kiện quan trọng nhất trong năm - Tuần lễ cấp cao APEC 2017 sẽ chính thức diễn ra. Xin Thứ trưởng cho biết về công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Việt Nam?
Bảo đảm tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của đối ngoại nước ta thời gian tới. Theo thông lệ, trong Tuần lễ Cấp cao APEC sẽ có năm hoạt động lớn được tổ chức. Đó là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp, Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với các thành viên ABAC, Tiệc chiêu đãi chào mừng các nhà lãnh đạo và phu nhân/phu quân, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế và Hội nghị tổng kết các quan chức cao cấp. Nhằm tạo dấu ấn của chủ nhà, chúng ta cũng sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam. Ước tính khoảng 10.000 đại biểu quốc tế và trong nước sẽ tham dự các hoạt động.
Hiện nay, các Tiểu ban của Ủy ban Quốc gia APEC 2017 cùng thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương triển khai các công tác chuẩn bị về mọi mặt, quán triệt phương châm chỉ đạo của Chủ tịch nước Trần Đại Quang “kỹ lưỡng, trọng thị, chu đáo, hiệu quả, tiết kiệm, an ninh”.
Tiến độ chuẩn bị trên các mặt từ nội dung, cơ sở vật chất, lễ tân, hậu cần, an ninh, y tế, báo chí cho đến nay được triển khai tương đối đồng bộ và cơ bản bám sát lộ trình đề ra. Tất cả các Bộ, ngành, cơ quan và tỉnh, thành phố liên quan đều đang nỗ lực để hoàn thành với trách nhiệm cao nhất những nhiệm vụ được giao, ráo riết đôn đốc tiến độ triển khai theo từng ngày, từng tuần.
Ta cũng đã chủ động mời các thành viên vào tiền trạm lần thứ nhất công tác chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao trong tháng Bảy vừa qua. Gần 300 đại diện của 20 nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quan sát viên đã tham dự và đánh giá cao sự chuẩn bị từ tương đối sớm và kỹ lưỡng của nước ta, đồng thời cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để bảo đảm thành công của các hội nghị sắp tới.
Tại SOM 3 lần này, chúng ta cũng sẽ thông báo và tiếp tục trao đổi, phối hợp với các thành viên về công tác tổ chức cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!