Lần đầu gặp Đại sứ Thành tại Hội nghị Ngoại giao 29 vào cuối tháng 8/2016 tại Hà Nội. Khi cánh cửa phòng họp vừa mở để bắt đầu giờ giải lao, thấy ông một mình ở phía hành lang, tôi nhanh chóng tiếp cận và một bài phỏng vấn đầy đặn về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã đăng trên báo điện tử Thế giới & Việt Nam chỉ ngay mấy tiếng sau…
Vài tháng sau, Đại sứ có dịp công tác ngắn ngày ở Việt Nam. Trong khoảng thời gian ít ỏi và bận rộn đó, ông vẫn dành cho tôi hơn một tiếng đồng hồ để góp ý cho Đặc san kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ và chia sẻ về những hoạt động của Đại sứ quán trong năm qua. Ông nhớ rõ từng con số về kim ngạch thương mại hai bên, về tổng mức đầu tư, số khách du lịch, các gói tín dụng, các chương trình học bổng bạn dành cho ta... Ông tự hào khi mối quan hệ hữu nghị truyền thống “trong sáng không một gợn mây” vừa được nâng cấp thành Đối tác chiến lược toàn diện. Ông trăn trở về việc làm thế nào để hàng hóa Việt Nam thâm nhập nhiều hơn vào thị trường Ấn Độ, đau đáu thúc đẩy đường bay thẳng giữa hai bên…
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành. |
Sau này, tiếp xúc nhiều hơn với Đại sứ Tôn Sinh Thành và các nhà báo Ấn Độ, tôi mới nghiệm ra rằng ông không chỉ nhiệt tình với nhà báo Việt Nam!!! Đối với ông, truyền thông giữ vị trí cực kỳ quan trọng trong hoạt động đối ngoại của sứ quán. Ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ công tác vào năm 2014, ông đã lập Phòng Thông tin & Truyền thông nhằm tạo một kênh tương tác trực tiếp với giới báo chí Ấn Độ. Nhận thức được sức mạnh của truyền thông số, nhất là ở một đất nước phát triển cao về công nghệ thông tin và có lượng người sử dụng Internet đông đảo như Ấn Độ, việc đầu tư cho trang facebook của sứ quán là một bước đi kịp thời. Trong số lượng người theo dõi hiện tại của trang có đến hai phần ba là người Ấn Độ.
Bên cạnh đó, nội dung thông tin đối ngoại được Đại sứ lồng ghép một cách tự nhiên và vô cùng bài bản trong các hoạt động như tổ chức hội thảo, Ngày Việt Nam, liên hoan phim, ẩm thực, triển lãm tranh, tổ chức thi tìm hiểu về Việt Nam, giảng bài ở các trường đại học, tương tác với học sinh… Theo ông, hình thức này sẽ giúp tăng sức lan tỏa hình ảnh Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch…
Ở đất nước có mật độ báo chí phủ sóng dày đặc, việc Đại sứ nhận được lời đề nghị phỏng vấn, viết bài là “chuyện thường ngày ở huyện”. Các nhà báo Ấn Độ có thói quen rất đặc biệt là dàn câu hỏi phỏng vấn ít nhất phải… 10 câu. “Các nhà báo luôn đưa ra những câu hỏi xoáy, câu hỏi gài bẫy, nhiều khi làm cho nhà ngoại giao như “đi trên dây”, Đại sứ Thành chia sẻ.
Lý do là các câu hỏi thường không chỉ là đánh giá về quan hệ hai nước mà còn “tranh thủ” gắn với các sự kiện nóng của khu vực và quốc tế. Nhiều nhà báo đặt vấn đề về quan hệ kinh tế giữa hai nước, nhưng một lúc “kèo” thêm câu hỏi kiểu như “quan điểm của Đại sứ về xung đột ở Doklam” hoặc “đánh giá của Đại sứ về việc Ấn Độ không tham dự Thượng đỉnh Vành đai và Con đường”.
Hoặc như thời điểm có đồn đoán về việc Việt Nam mua tên lửa hành trình Brahmos của Ấn Độ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng nhưng cánh báo chí ở New Delhi vẫn “săn” Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam liệu xem có thêm thông tin gì không! Thực tế thì ông cũng không ngại các vấn đề “nhạy cảm” và tận dụng mọi cơ hội để độc giả nước ngoài hiểu lập trường, quan điểm chính nghĩa của Việt Nam về lãnh thổ, bảo vệ độc lập chủ quyền và phản bác các luận điệu sai trái về đất nước.
Đại sứ, Tiến sĩ Tôn Sinh Thành cũng là bậc thầy trong nghệ thuật lan tỏa thông tin mà gần như không... mất phí. Ở bất cứ Hội thảo nào mà ông tham dự, chỉ trong mấy phút giải lao, trong khi nhiều quan khách khác tranh thủ thưởng trà thì thoáng đã thấy báo chí vây quanh ông. Và không chỉ tiếp các nhà báo ở sứ quán, ông cũng sẵn sàng đến đài truyền hình để ghi hình hoặc đến thu âm ở đài phát thanh. Ông là khách mời thường niên của Câu lạc bộ báo chí Nam Á, tương tác với hàng chục nhà báo lão luyện của Ấn Độ và phóng viên thường trú của các hãng truyền thông lớn trên thế giới. Thường sau những sự kiện như thế, báo chí Ấn Độ đưa tin hàng loạt, với nhiều góc độ khác nhau về những thành tựu trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam.
“Trăm nghe không bằng một thấy”, nhất là đối với các nhà báo. Bởi vậy, Đại sứ luôn tích cực tìm mọi nguồn lực có thể để hỗ trợ các nhà báo Ấn Độ sang Việt Nam tác nghiệp. Một phần nhờ sự nhiệt huyết và mối thân tình của của Đại sứ với truyền thông sở tại nên điều dễ nhận thấy là sự xuất hiện ngày càng nhiều của hai chữ “Việt Nam” trên truyền thông Ấn Độ, trên mọi khía cạnh và với cái nhìn rất thiện cảm. Các nhà báo Ấn Độ đến Việt Nam với các góc nhìn chân thực về những thành công trong phát triển kinh tế, xã hội hay như một điểm đến du lịch không thể bỏ qua…
Với cảm tình sâu sắc với Việt Nam, một số nhà báo Ấn Độ trìu mến gọi ông Tôn Sinh Thành là “Đại sứ truyền thông”. Ông cười, “tôi chỉ cố gắng làm tốt vai trò truyền tải thông tin về Việt Nam với người dân nước sở tại và ngược lại”!