Hàn Quốc và Triều Tiên đều đang gia tăng các hoạt động quốc phòng bất chấp những hoạt động ngoại giao sôi nổi. (Nguồn: The Leader) |
Công cuộc nói trên đã và đang tạo nên những dấu ấn căng thẳng, mà hiện càng trở nên sâu sắc trong bối cảnh các cuộc đàm phán lâm vào bế tắc.
Tự vệ, nhưng cũng sẵn sàng cho đối đầu
Các hoạt động củng cố quân sự ở hai phía của khu vực biên giới chung được canh phòng cẩn mật đã thu hút sự chú ý của dư luận bởi hàng loạt vụ thử tên lửa tầm ngắn mà Triều Tiên thực hiện gần đây nhằm hoàn thiện kho vũ khí mà Bình Nhưỡng cho là cần thiết để tự vệ trước các loại vũ khí mới của Hàn Quốc. Vụ thử gần đây nhất là hôm 10/9.
Truyền thông Triều Tiên ngày 11/9 tiết lộ đây là vụ thử hệ thống phóng rocket đa nòng kích thước lớn, một loại vũ khí mà giới chuyên gia cho rằng có khả năng đe dọa các lực lượng của Hàn Quốc. Lâu nay, Bình Nhưỡng vẫn chỉ trích gay gắt các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn và việc Seoul mua sắm thiết bị quốc phòng của Mỹ, gồm tàu sân bay, máy bay tàng hình và vệ tinh do thám. Bình Nhưỡng coi đây là những hoạt động chuẩn bị để che đậy cho mưu đồ thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu. Trong một bình luận hôm 6/9, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) nói rằng việc Hàn Quốc theo đuổi các hệ thống vũ khí mới là một “hành động phản bội không thể tha thứ”, vốn đe dọa hủy hoại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc không đáp lại bình luận trên.
Về phía Hàn Quốc, Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đã cam kết gia tăng ngân sách quốc phòng khiến nước này trở thành một trong những quốc gia có mức chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, năm 2018, chi tiêu quân sự của Hàn Quốc đạt 43,1 tỷ USD, tăng 7% so với mức năm 2017. Tháng Bảy vừa qua, bộ này cho biết Hàn Quốc sẽ chế tạo một tàu sân bay cỡ nhỏ và cũng là tàu sân bay đầu tiên của nước này. Tháng Tám vừa qua, cơ quan này cũng tiết lộ kế hoạch chi thêm khoảng 239 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng giai đoạn từ năm 2020-2024. Trong đó, khoảng 85 tỷ USD được sử dụng để hiện đại hóa vũ khí. Trong danh sách mua sắm vũ khí của Hàn Quốc có các hệ thống phòng thủ tên lửa thế hệ mới, thêm 3 tàu khu trục được trang bị hệ thống radar Aegis hiện đại, vệ tinh do thám, tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo và hành trình và tàu chiến được trang bị tên lửa dẫn đường.
Theo Daniel DePetris, chuyên gia tại cơ quan nghiên cứu Defense Priorities có trụ sở ở Washington, cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc đều không muốn xảy ra một cuộc đối đầu toàn diện, song cả hai muốn đảm bảo rằng họ sở hữu những nền tảng vũ khí và tài nguyên quốc phòng để có thể sẵn sàng huy động trong trường hợp xảy ra một cuộc đối đầu quân sự.
Hàn Quốc đang gia tăng các chi phí quốc phòng với tư thế sẵn sàng cho mọi kịch bản trong quan hệ với Triều Tiên. (Nguồn: AP) |
Cuộc đua vũ trang tốn kém
Mối quan ngại trực tiếp hơn cả đối với Triều Tiên là Hàn Quốc năm nay đã tiếp nhận lô máy bay tàng hình F-35A đầu tiên trong tổng số đơn hàng 40 chiếc từ Mỹ.
Bình Nhưỡng đã chỉ trích hoạt động mua sắm này cũng như các tuyên bố mua sắm vũ khí khác của Seoul là hành động củng cố lực lượng vũ trang liều lĩnh và táo bạo vốn chỉ buộc Bình Nhưỡng phát triển các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn thế hệ mới để “phá hủy hoàn toàn” những mối đe dọa mới. Theo chuyên gia DePetris, chiến đấu cơ F-35 khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa và chiến đấu cơ của Triều Tiên rơi vào tình thế dễ bị tấn công, và đây có thể là lý do mà Triều Tiên sẽ đáp trả bằng cách tăng cường phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng coi việc mua sắm F-35 nói trên là vi phạm thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự mà hai bên ký kết hồi tháng 9/2018. Trên thực tế, hai bên nhất trí chỉ chấm dứt “tất cả hành động thù địch”, song không đề cập các loại vũ khí mới.
Khi bàn về khả năng xảy ra cuộc đua vũ trang giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, giới phân tích cho rằng Bình Nhưỡng khó có thể đủ tiềm lực kinh tế để theo đuổi một cuộc đua vũ trang vì nước này đang oằn mình trước các đòn trừng phạt quốc tế cứng rắn.
Tình thế quân sự thay đổi
Việc gia tăng chi tiêu quân sự dường như trái ngược với mong muốn thúc đẩy can dự với Triều Tiên mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đưa ra. Tuy nhiên, giới phân tích giải thích rằng điều này phần lớn được thúc đẩy bởi các vấn đề khác, trong đó có tình trạng dân số già hóa của Hàn Quốc và mối quan hệ của Seoul với đồng minh lâu đời là Mỹ.
Kể từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, quân đội Mỹ đã duy trì quyền kiểm soát hàng trăm nghìn binh sĩ Hàn Quốc cùng với khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc nếu xảy ra một cuộc chiến tranh khác. Tổng thống Moon Jae-in đã coi việc giành lại quyền kiểm soát hoạt động thời chiến các lực lượng Mỹ - Hàn này là một mục tiêu chính của chính quyền và việc tăng cường sức mạnh quân sự là một phần quan trọng để được Washington chấp thuận chuyển giao quyền này cho Seoul.
Tuy nhiên, Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã muốn Hàn Quốc mua sắm nhiều vũ khí của Mỹ hơn và đóng góp thêm cho chi tiêu của Mỹ đối với lực lượng binh sĩ đồn trú ở Hàn Quốc. Theo nhà phân tích Khathryn Botto thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, việc đầu tư nhiều hơn vào những năng lực mà Hàn Quốc có khả năng vừa giúp Seoul giữ được Mỹ bên mình, vừa thúc đẩy mục tiêu chuyển giao quyền kiểm soát hoạt động thời chiến và cải cách quốc phòng.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Seoul cũng muốn giảm sự lệ thuộc vào công nghệ của Mỹ, một phần là vì nước này không hài lòng trước việc Mỹ đôi khi không sẵn sàng chia sẻ công nghệ tốt nhất của họ. Một quan chức quân sự giấu tên ở Seoul tiết lộ rằng Tổng thống Moon Jae-in muốn củng cố năng lực quân sự để có thể hoạt động độc lập trước khi nền kinh tế đang trì trệ hiện nay khiến chi tiêu quân sự cho việc này trở nên khó khăn hơn.