Nhân viên giao dịch làm việc trong đợt IPO của công ty công nghệ gọi xe Trung Quốc Didi Global Inc trên sàn chứng khoán New York (NYSE) ở New York, Mỹ, ngày 30/6. (Nguồn: Reuters) |
Trong bài viết xuất bản ngày 6/7 trên tờ Wall Street Journal, hai tác giả Keith Zhai và Jing Yang cho biết, Trung Quốc khẳng định sẽ thắt chặt các quy định đối với các công ty niêm yết ở nước ngoài hoặc tìm cách bán cổ phiếu ra nước ngoài.
Động thái có thể cản trở nỗ lực của các công ty Trung Quốc trong việc huy động tài chính ở Mỹ này diễn ra trong bối cảnh các nhà quản lý ở Bắc Kinh tăng cường giám sát các công ty công nghệ, bao gồm Didi Global Inc., đơn vị gần đây đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Doanh nghiệp mắc kẹt
Giờ đây, việc Trung Quốc hạn chế các vụ niêm yết như vậy đã cho thấy tầm nhìn khác biệt ở Bắc Kinh và Washington về tương lai của công nghệ, bảo vệ dữ liệu và bảo mật. Do sự mất lòng tin ngày càng sâu sắc về một loạt các vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc, các công ty của cả hai nước có thể bị mắc kẹt ở giữa.
Những biến động liên quan đến Didi Global Inc. đã báo trước động thái đó. Gã khổng lồ trong ứng dụng gọi xe đã phải đối mặt với một loạt quy định siết chặt ở Trung Quốc trước khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở thị trường chứng khoán New York vào tuần trước.
Theo một số nguồn tin thân cận, các quan chức Trung Quốc đã đề nghị công ty này trì hoãn IPO, một phần do những quan ngại rằng chính phủ Mỹ có thể sử dụng các tài liệu kiểm toán mà Didi được yêu cầu phải nộp khi tiến hành niêm yết tại Mỹ để có quyền truy cập dữ liệu về công dân Trung Quốc.
Trong thời gian vừa qua, một đơn vị quản lý an ninh mạng của Trung Quốc cho biết họ đã đưa ra các đánh giá bảo mật dữ liệu đối với các ứng dụng di động phổ biến do ứng dụng vận tải Full Truck Alliance Co. và Kanzhun Ltd. điều hành. Full Truck Alliance đã huy động được khoảng 7 tỷ USD trong đợt IPO tại thị trường Mỹ hồi tháng 6 vừa qua.
Các biện pháp này có thể tác động sâu rộng đối với một loạt các “gã khổng lồ” công nghệ của Trung Quốc đang lên kế hoạch IPO ở nước ngoài cũng như đối với các công ty đầu tư toàn cầu nắm giữ cổ phần trong đó. Nhiều nhà đầu tư đã mua các công ty khởi nghiệp đang phát triển nhanh của Trung Quốc với hy vọng kiếm tiền sau khi các công ty này niêm yết trên các sàn giao dịch toàn cầu.
Tuy nhiên, vụ việc của Didi Global Inc. đã khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng khi giá trị của công ty này bị sụt giảm mạnh. Tính đến ngày 6/7, giá cổ phiếu của Didi đã thấp hơn 12% so với giá IPO.
Didi cho biết họ không biết gì về kế hoạch của các cơ quan quản lý Trung Quốc trong việc kiểm soát an ninh mạng và cấm tải các ứng dụng mới của công ty trước khi IPO.
Trong khi đó, các tập đoàn lớn của Mỹ như Goldman Sachs Group Inc., Morgan Stanley và JPMorgan Chase & Co. - những nhà bảo lãnh chính cho đợt chào bán của Didi - đều từ chối bình luận.
Ngoài ra, điều quan tâm hàng đầu đối với các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của các công ty Trung Quốc là liệu các chỉ thị mới của Bắc Kinh chỉ đơn thuần về mặt quản lý dữ liệu hay chúng báo hiệu cho một sự thay đổi chính sách của quốc gia châu Á mà có thể khiến hàng loạt các công ty rút niêm yết khỏi thị trường Mỹ.
Dù sao thì quyết định của Trung Quốc cũng có thể khiến bất kỳ công ty nào của nước này đang có kế hoạch IPO ở Mỹ trong thời gian tới sẽ phải gác lại ngay từ bây giờ.
Cả Bắc Kinh và Washington từ lâu đều coi can dự kinh tế là nền tảng của mối quan hệ giữa hai nước. Nhưng mối quan hệ này đã trở nên không thể đoán trước trong những năm qua, đến nỗi ngay cả động lực kiếm tiền từ các thị trường của nhau cũng không còn nữa.
Sau khi Bắc Kinh chặn đợt IPO của tập đoàn Ant Group Co. của tỷ phú Jack Ma vào năm ngoái, khoản tiền trị giá hàng tỷ USD đã nhanh chóng trở thành cơn ác mộng đối với các nhà đầu tư toàn cầu khi họ lo sợ bị “mắc kẹt” với các cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ tài chính.
Theo chỉ thị mới của chính phủ Trung Quốc, các cơ quan quản lý cần tăng cường hợp tác xuyên biên giới về giám sát kiểm toán, sửa đổi luật và quy định "về bảo mật dữ liệu, luồng dữ liệu xuyên biên giới và quản lý thông tin bí mật khác”.
Trung Quốc làm gì?
Theo dữ liệu của Dealogic, các công ty Trung Quốc đã huy động được hơn 75 tỷ USD từ các đợt IPO tại Mỹ kể từ năm 2012. Ngay cả khi căng thẳng gia tăng giữa hai nước, Mỹ vẫn là một “thỏi nam châm” thu hút các công ty công nghệ Trung Quốc với hy vọng niêm yết cổ phiếu.
Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 36 công ty từ Trung Quốc đã niêm yết cổ phiếu tại Mỹ, bằng cả năm 2020. Đợt IPO gần đây của Didi, huy động được 4,4 tỷ USD, là đợt IPO lớn nhất kể từ đợt phát hành cổ phiếu “bom tấn” của Alibaba Group Holding năm 2014, thu về 25 tỷ USD.
Trong tuyên bố chi tiết của mình, chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ sửa đổi các quy định đối với việc chào bán cổ phiếu trên các sàn giao dịch bên ngoài Trung Quốc. Bắc Kinh cũng kêu gọi trách nhiệm giải trình nhiều hơn của các cơ quan quản lý trong nước và phối hợp liên ngành tốt hơn.
Ông Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại công ty chứng khoán China Renaissance Securities, cho biết việc giám sát đặc biệt nhắm vào các công ty tới Mỹ để niêm yết. Động thái này gây thêm áp lực "không chỉ đối với các công ty công nghệ niêm yết mà còn cả việc định giá các công ty trước IPO”.
Cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc từ lâu đã phản đối việc cho các đối tác của Mỹ tiếp cận với các giấy tờ kiểm toán như vậy, với lý do quan ngại về an ninh quốc gia. (Nguồn: Getty) |
Động thái của Trung Quốc diễn ra khi Mỹ thắt chặt các quy tắc quản lý đối với các công ty nước ngoài niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán nước này.
Một bộ luật được cựu Tổng thống Donald Trump ký ban hành năm ngoái yêu cầu các giấy tờ kiểm toán của các công ty nước ngoài được niêm yết tại Mỹ phải được mở để kiểm tra theo quy định của Mỹ. Nếu công ty nào không tuân thủ trong ba năm liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết.
Cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc từ lâu đã phản đối việc cho các đối tác của Mỹ tiếp cận với các giấy tờ kiểm toán như vậy, với lý do quan ngại về an ninh quốc gia.
Các chỉ thị mới nhất có thể giúp bịt lỗ hổng quy định lâu nay vốn cho phép nhiều công ty công nghệ Trung Quốc huy động vốn trên thị trường chứng khoán nước ngoài mà không bị giám sát nhiều ở trong nước.
Nhiều công ty công nghệ Trung Quốc thường áp dụng cấu trúc mô hình sở hữu đặc biệt (VIE) giúp họ linh hoạt trong việc huy động vốn ở nước ngoài.
Các doanh nghiệp này thường được đăng ký tại các “thiên đường thuế” như Quần đảo Cayman vốn nằm ngoài quyền tài phán pháp lý của Trung Quốc. Điều đó giúp các công ty tránh khỏi sự giám sát theo quy định và kiểm tra chặt chẽ về IPO vốn được áp dụng cho doanh nghiệp Trung Quốc có kế hoạch niêm yết trong nước.
Bắc Kinh đã cố gắng bịt lỗ hổng này bằng cách cách sửa đổi luật chứng khoán để tạo cơ sở pháp lý cho các hành động thực thi liên quan đến các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài.
Những sửa đổi này bao gồm việc trừng phạt các hoạt động huy động vốn ở thị trường nước ngoài mà có thể gây tổn hại cho các nhà đầu tư Trung Quốc.