TIN LIÊN QUAN | |
Ung Văn Khiêm - vị Bộ trưởng kiên trung, nhân hậu | |
Hoàng Minh Giám: Nhà ngoại giao nhân dân xuất sắc |
74 năm đồng hành cùng dân tộc, Ngoại giao Việt Nam đã ghi đậm dấu ấn trong lịch sử dựng nước và giữ nước, góp phần đưa Việt Nam từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới đến vị thế của một quốc gia đóng vai trò ngày càng lớn ở khu vực và quốc tế, được bạn bè quốc tế nể trọng ngày nay.
Nhân Quốc khánh 2/9 và thành lập Ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8), xin trân trọng nhớ lại 5 vị thủ lĩnh tài đức vẹn toàn của Ngoại giao Việt Nam hiện đại...
1. Bộ trưởng Hoàng Minh Giám (1904 - 1995)
Tháng 3/1947, tại An toàn khu Việt Bắc, ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) cử giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và đảm nhiệm cương vị này đến năm 1954. Trước đó, trong những ngày toàn quốc kháng chiến, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy và giao cho những nhiệm vụ đối ngoại trọng yếu như tham gia cuộc đàm phán và ký kết Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946, thành viên của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau (Pháp)…
Trong bối cảnh vô cùng khó khăn ở Chiến khu Việt Bắc, Bộ Ngoại giao còn thiếu thốn nhiều mặt cả về nhân lực và phương tiện làm việc, với cương vị là Bộ trưởng, ông đã dành nhiều thời gian và công sức lo tổ chức và xây dựng bộ máy cũng như đào tạo đội ngũ cán bộ ngoại giao nòng cốt ban đầu.
Ông là vị Bộ trưởng có những cống hiến quan trọng trong giai đoạn “Ngoại giao phá vây” đầy khó khăn 1947 – 1949; trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác vào đầu năm 1950...
“Hoàng Minh Giám là một trí thức yêu nước tiêu biểu, có học vấn uyên bác, một nhà giáo mẫu mực, một người cộng sản chân chính, một nhà ngoại giao lão luyện luôn đi theo tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
2. Bộ trưởng Ung Văn Khiêm (1910 - 1991)
Năm 1955, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Hiệu trưởng Trường Cán bộ ngoại giao - ngoại thương (thuộc Bộ Ngoại giao) và Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Từ tháng 2/1961-4/1963, ông đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Ngoại giao.
Trên cương vị là người đứng đầu ngành Ngoại giao, ông luôn quan tâm tranh thủ bạn bè quốc tế gần xa, trong và ngoài phe xã hội chủ nghĩa, đồng tình ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Ông đã cống hiến không mệt mỏi cho việc vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa và các dân tộc nói chung, vì sự nghiệp bảo vệ hòa bình thế giới.
“Bộ trưởng Ung Văn Khiêm thuộc lớp người “khai sơn phá thạch” cho con đường cách mạng đầy chông gai nhưng vô cùng vẻ vang của dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ cách mạng kiên trung và nhân hậu, nhà ngoại giao xuất sắc thuộc thế hệ học trò đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Ông Võ Anh Tuấn, tức Nguyễn Văn An, Thư ký của Bộ trưởng Ung Văn Khiêm. |
3. Bộ trưởng Xuân Thủy (1912 - 1985)
Bộ trưởng Xuân Thủy, tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, đã có nhiều đóng góp to lớn vào công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Tuy làm Bộ trưởng Ngoại giao trong thời gian ngắn (1963-1965) nhưng ông đã khởi đầu sự nghiệp ngoại giao của mình từ khi Cách mạng tháng Tám 1945 mới thành công, nước VNDCCH mới thành lập, thông qua những lần tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đàm phán với đại diện quân Tưởng vào Việt Nam và những người Việt đi theo họ. Những năm đầu thập niên 1950, ông được Đảng giao trách nhiệm xây dựng công tác ngoại giao nhân dân và trực tiếp phụ trách công tác này suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ngoài ra, ông còn phụ trách công tác đối ngoại của Đảng và công tác mặt trận trong thời gian dài. Ông được đánh giá là người hoạt động xuất sắc trong cả ba “binh chủng” đối ngoại: ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân.
Không chỉ là nhà ngoại giao, ông còn kiêm cả nhà thơ, nhà báo… , và mảng nào ông cũng rất nổi tiếng. Đặc biệt hơn, ông còn được nhớ đến với nụ cười đã đi vào sử sách – nụ cười tự tin vào chiến thắng của dân tộc - những năm ông làm Trưởng đoàn VNDCCH khi đàm phán tại Hội nghị Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam (1968-1973).
“Tôi nhớ mãi lời anh nhắc nhở như một chân lý: ‘Làm ngoại giao không cần đao to búa lớn, mà cần sự thuyết phục bằng lý lẽ, bằng tình cảm và bằng thực tế”. Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình |
4. Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh (1910-1985)
Là Bộ trưởng Ngoại giao lâu năm nhất (1965 - 1980), ông nhận nhiệm vụ vào thời kỳ thử thách gay go nhất khi Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, là thời kỳ mà cuộc đấu tranh diễn ra trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao. Trong khi đó, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bất đồng sâu sắc, phe xã hội chủ nghĩa chia rẽ.
Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã để lại dấu ấn quan trọng trong những thắng lợi của đất nước mà mặt trận ngoại giao có đóng góp to lớn. Đó là việc ký kết Hiệp định Paris kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là chính sách chung sống hòa bình bốn điểm với các nước Đông Nam Á - một chủ trương sáng suốt, kịp thời sau khi thống nhất hai miền, bước mở đầu của chính sách mở cửa, hội nhập, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam…
“Ở những bước ngoặt của lịch sử, anh càng tỏ rõ là một nhà ngoại giao xuất sắc của Nhà nước Việt Nam hiện đại, tư duy và hành động theo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh”. Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Lưu Văn Lợi. |
5. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch (1921 - 1998)
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tên thật là Phạm Văn Cương, quê quán xã Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định. Trước khi trở thành Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 1/1980, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao (tháng 2/1987), ông đã trải qua nhiều vị trí trong Bộ: Chánh Văn phòng; Tổng Lãnh sự Việt Nam đầu tiên tại Ấn Độ; Thứ trưởng và Ủy viên Đảng đoàn, Quyền Trưởng Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị quốc tế Geneve về Lào; thành viên, phó đoàn đàm phán với Mỹ đưa đến ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam; Quốc vụ khanh…
Ba thập niên trên cương vị người lãnh đạo chủ chốt của Bộ Ngoại giao, trong đó có hơn 11 năm làm Bộ trưởng, ông đã đóng góp rất nhiều trí tuệ và công sức vào việc nghiên cứu, đề xuất và thực hiện sáng tạo chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn đất nước bị bao vây, cấm vận, khủng hoảng kinh tế - xã hội... Bên cạnh đó, ông đã dành nhiều tâm huyết cho việc xây dựng ngành Ngoại giao ngang tầm với đòi hỏi của nhiệm vụ đối ngoại ngày càng cao, đặc biệt là tham mưu cho Đảng và Chính phủ; chỉ đạo thực hiện những biện pháp về tổ chức, chuyên môn và đào tạo để bộ máy cũng như đội ngũ cán bộ có thể đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
“Anh là nhà ngoại giao xuất sắc với tầm nhìn chiến lược”. Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên. |
Nguồn: Chân dung năm cố Bộ trưởng Ngoại giao, Nxb Chính trị Quốc gia.
Nguyễn Cơ Thạch: Kiến trúc sư của nền Ngoại giao Việt Nam hiện đại Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp Ngoại giao của nước nhà tại những thời điểm quan ... |
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Người anh, vị Bộ trưởng, nhà lãnh đạo đức tài trọn vẹn Nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris (1973-2013), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ trao tặng tượng đồng chí Nguyễn ... |
Bộ trưởng Xuân Thủy và Hội nghị Paris Hội nghị Paris về Việt Nam nổi tiếng với việc nước Mỹ siêu cường số 1 lần đầu tiên đã chịu thua và ký hiệp ... |