Tên lửa chống tăng Javelin được trưng bày trên dây chuyền lắp ráp khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tham quan nhà máy sản xuất vũ khí Lockheed Martin ở Troy, Alabama ngày 3/5/2022. (Nguồn: Reuters) |
15 năm cho sự bù đắp
Theo ước tính của một bài viết gần đây trên tờ The Washington Post, Mỹ sẽ mất khoảng 15 năm chỉ để bổ sung các hệ thống vũ khí chính.
Vấn đề cốt lõi dẫn tới thực trạng cạn kiệt kho vũ khí của Lầu Năm Góc là do khối lượng cũng như mức độ cung cấp đạn dược và vũ khí chưa từng có cho Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự này có nguy cơ kéo dài.
Các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO ở châu Âu, chịu áp lực từ Washington, cũng đã cung cấp gần như những kho vũ khí cuối cùng cho Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU).
Có ý kiến cho rằng, có vẻ như ngành công nghiệp châu Âu đang rơi vào khủng hoảng và không thể độc lập triển khai sản xuất các sản phẩm quân sự với số lượng đủ để ít nhất là đáp ứng nhu cầu hiện tại của quân đội Ukraine.
Theo The New York Times, cuộc xung đột Nga-Ukraine đặt ra những vấn đề sâu sắc mà Mỹ phải vượt qua để sản xuất vũ khí cho mình và các đồng minh.
Các nhà phân tích quân sự Mỹ đánh giá, Lầu Năm Góc chưa sẵn sàng hỗ trợ một chiến dịch quân sự quy mô lớn vì không nỗ lực hết sức để bổ sung kho vũ khí được chuyển đến Kiev.
Theo các chuyên gia, sẽ mất khoảng 15 năm với tốc độ và quy mô sản xuất hiện nay và hơn 8 năm với tốc độ thời chiến để bổ sung số vũ khí đã được tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ chuyển giao cho Ukraine.
Mỹ sẽ mất 4 năm để bổ sung tên lửa dẫn đường độ chính xác cao M982 Excalibur được gửi tới Kiev, và khoảng 2,5 năm đối với tên lửa phóng loạt HIMARS. Con số này chưa tính đến các chuyến hàng mới được hứa hẹn.
Vấn đề không chỉ liên quan đến việc bổ sung lượng vũ khí đã được chuyển đến Ukraine. Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, giới lãnh đạo Mỹ đã giảm đáng kể đầu tư cho phát triển các doanh nghiệp quốc phòng.
Bất chấp ngân sách quân sự chưa từng có kể từ những năm 1990, hiện chỉ có 5 công ty trong tổng số 51 công ty liên hợp công nghiệp-quân sự lớn ở Mỹ đang hoạt động.
Bên cạnh đó, với năng lực công nghiệp hiện hành của ngành công nghiệp quốc phòng, Lầu Năm Góc phải đối mặt với nhiều vấn đề trong hiện đại hóa lực lượng vũ trang.
Với tốc độ sản xuất hiện nay, sẽ mất hơn 10 năm để thay thế phi đội trực thăng UH-60 Black Hawk và gần 20 năm đối với tên lửa không đối không tầm trung hiện đại. Để thay thế hạm đội tàu sân bay hiện có, Hải quân Mỹ sẽ phải chờ ít nhất 44 năm.
Theo The New York Times, việc sản xuất các thiết bị quân sự hiện đại, đặc biệt là với số lượng ngày càng tăng, không tương thích với các hợp đồng ngắn hạn và cần có kế hoạch dài hạn rõ ràng. Quá trình lắp ráp và hoàn thiện một máy bay chiến đấu F-35 cần 300.000 chi tiết từ 1.700 nhà cung cấp.
Những bài toán chưa lời giải
Cùng chủ đề này, tờ American Conservative ước tính Washington sẽ mất 6 năm để bổ sung kho vũ khí và đạn dược của mình.
Mỹ hiện sản xuất khoảng 14.000 quả đạn pháo 155mm mỗi tháng, khoảng 168.000 quả đạn mỗi năm, chỉ bằng 1/5 lần số đạn pháo Mỹ đã gửi cho Ukraine.
Trước tình hình đó, ngành công nghiệp quân sự Mỹ đang nỗ lực tăng sản lượng lên 20.000 quả mỗi tháng, song ngay cả với tốc độ này, Mỹ cũng sẽ phải mất tới 4 năm để bù đắp thâm hụt trong điều kiện không có đợt giao hàng mới nào cho Kiev.
Các kho dự trữ vũ khí khác cũng đã cạn kiệt - đặc biệt là đối với những vũ khí đã được chứng minh là đặc biệt hữu ích trên chiến trường ở Ukraine, như tên lửa Javelin và Stinger.
Quân đội Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 8.500 tên lửa Javelin, tên lửa chống tăng vác vai di động, song mức sản xuất hiện tại, với sự đóng góp của nhà thầu Raytheon và Lockheed Martin, chỉ là 400 hệ thống Javelin mỗi tháng.
Điều đáng nói, đây đã là mức tăng đáng kể so với trước đó, được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ước tính là khoảng 1.000 tên lửa mỗi năm.
Nói cách khác, Mỹ đã tự nguyện trao khoảng 1/3 kho dự trữ Javelin cho Ukraine. Số liệu tương tự cũng ghi nhận với kho tên lửa Stinger. Mỹ cũng đã chuyển giao cho Ukraine khoảng 1/3 kho dự trữ Stinger, tương đương hơn 1.600 hệ thống phòng không vác vai. Tuy nhiên, dây chuyền sản xuất tên lửa Stinger đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn so với Javelin.
Giám đốc điều hành của tập đoàn công nghệ Raytheon Greg Hayes từng nhắc đến những lo ngại về việc cạn dần các kho dự trữ Javelin từ tháng 12/2022.
Ông nói “Trong 10 tháng đầu tiên của cuộc xung đột, về cơ bản, chúng ta đã sử dụng hết số vũ khí trong 13 năm sản xuất Stinger và 5 năm sản xuất Javelin… Vì vậy, câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ bù đắp và bổ sung như thế nào?”.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Thượng nghị sĩ Jack Reed, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, thừa nhận rằng "đó là một hồi chuông cảnh tỉnh" khi đề cập đến các vấn đề bộc lộ trong xung đột ở Ukraine. "Chúng ta phải có một cơ sở công nghiệp có thể đáp ứng rất nhanh với khủng hoảng", ông nói thêm.
Tuần trước, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Colin Kahl đã nói với các nghị sĩ rằng: "Xung đột Ukraine cho thấy rõ ràng rằng ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta đang không ở mức có thể sản xuất đủ đạn dược, tăng tốc sản xuất đạn pháo, tên lửa dẫn đường và các mặt hàng khác".
Lầu Năm Góc từng thiết kế các chương trình vũ khí để có ít nhất 2 nguồn sản xuất, nhưng theo thời gian, họ bắt đầu coi năng lực dư thừa đó là lãng phí.
David Berteau, cựu quan chức phụ trách mua lại của Lầu Năm Góc và là người đứng đầu Hội đồng Dịch vụ chuyên nghiệp, cho rằng việc chậm trễ trong sản xuất cũng một phần do thiết bị quân sự ngày nay phức tạp hơn so với thời Chiến tranh thế giới thứ Hai, khi công ty Ford có thể sản xuất một máy bay chiến đấu trong một giờ. Vũ khí hiện tại thường yêu cầu vi điện tử và các bộ phận đến từ hàng chục hoặc hàng trăm cơ sở khác nhau.
Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, dự đoán việc tăng cường kho dự trữ vũ khí có thể buộc Lầu Năm Góc phải tăng chi tiêu hơn nữa.