Ngoài 2 “đương sự” Armenia và Azerbaijan, thì xung quanh Nagorno-Karabakh và rộng hơn là Nam Kavkaz có sự can dự với mức độ khác nhau của nhiều nhân tố như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, một số nước NATO, Israel, Iran. Qua 44 ngày chiến sự và gần 30 ngày đình chiến, ý đồ của các bên và thế cục Nam Kavkaz dần lộ diện.
Chiến sự Nagorno-Karabakh trở thành một điểm nóng của thế giới trong những tháng vừa qua. (Nguồn: EPA-EFE) |
“Than nóng vẫn âm ỉ” ở Armenia
Armenia được cho là có hành động khiêu khích trước, tạo cớ cho quân đội Azerbaijan nổ súng tấn công Nagorno-Karabakh. Quân đội Azerbaijan trội hơn vì có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước, được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ, Israel hỗ trợ vũ khí, đã chiếm được một số khu vực ở Nagorno-Karabakh, trong đó có địa bàn quan trọng Shusha.
Trong thế đường cùng, để tránh kết cục đẫm máu hơn, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan buộc phải ký thỏa thuận ngừng bắn, thực tế là chấp nhận thất bại, đánh mất phần lớn những gì họ giành được ở Nagorno-Karabakh trong cuộc chiến 1988-1994. Armenia rơi vào thế rất khó khăn khi giải quyết các vấn đề hậu chiến, vấn đề tiếp theo ở Nagorno-Karabakh và quan hệ với Azerbaijan.
Phía Armenia đổ lỗi cho Nga “phản bội” Hiệp ước phòng thủ chung, khoanh tay để mặc họ bị tấn công! Khách quan mà nói thì khó bắt lỗi Nga vì Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan, không nằm trong phạm vi hiệp ước.
Sâu xa hơn, các cuộc biểu tình theo kiểu “cách mạng màu” đã hạ bệ Tổng thống Petrossian thân Nga, dựng lên chính phủ có xu hướng ngả theo phương Tây, do ông Pashinyan làm Thủ tướng. Trước đó, ông Pashinyan đã không ít lần đòi xóa bỏ hiệp ước với Nga. Nhưng thực tế làm Thủ tướng Pashinyan hiểu rằng duy trì quan hệ với Nga vẫn mang lại cho Armenia nhiều lợi ích.
Người Armenia tự hào là “Mãnh hổ vùng Kavkaz”, từng đánh bại Azerbaijan ngay tại Nagorno-Karabakh năm 1994, khó nuốt trôi nỗi đau. Nhiều người Armenia ở Nagorno-Karabakh phải di tản. Chủ nghĩa dân tộc bị kích động, xã hội Armenia chia rẽ. Một bộ phận người dân Armenia lên án Nga bỏ rơi, phản đối chính phủ Thủ tướng Pashinyan nhu nhược, đầu hàng.
Nhưng nhà báo Armenia Tatul Hakobyan, chuyên gia về Nagorno - Karabakh cho rằng “những người khôn ngoan và tỉnh táo sẽ hiểu rằng Nga đã can thiệp và giúp Armenia duy trì 1 phần chỗ đứng ở Nagorno-Karabakh”.
Đổ lỗi cho bên ngoài, cho khách quan, nhưng chính phủ, quân đội Armenia không thể che đậy được nguyên nhân cơ bản, sâu xa của thất bại. Armenia đã đánh giá sai tình hình, tự tin vào sức mạnh quân sự trong quá khứ, dẫn đến tính toán sai lầm về chiến lược.
Armenia có lợi khi giữ nguyên trạng, còn Azerbaijan muốn thay đổi, nhưng 2 bên đều tránh công khai nhắc đến lãnh thổ tranh chấp để không kích động tâm lý dân tộc cực đoan trong dân chúng cả từ 2 phía.
Bất ngờ đầu năm 2020, Thủ tướng Pashinyan tuyên bố “Nagorno-Karabakh là lãnh thổ không thể chia cắt của Armenia”, dự định xây dựng Shusha thành thủ phủ của Nagorno-Karabakh, chuyển cơ quan lập pháp về đây.
Hành động đó là mồi lửa kích nổ thùng thuốc súng, thổi bùng tâm lý phẫn nộ trong người dân Azerbaijan. Chính phủ Armenia dựa vào bên ngoài, lúc thì nhờ Mỹ, lúc thì kêu gọi Nga giúp đỡ, họ cho rằng Nga sẽ ra tay, như từng làm các năm 1988-1994 và 2016.
Họa đơn vô chí, Thủ tướng Pashinyan phải đối mặt với làn sóng biểu tình phản đối chính phủ “bán nước”, “nhượng bộ lãnh thổ”. Lực lượng đối lập Armenia kêu gọi Thủ tướng Pashinyan từ chức. Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng Armenia đang đứng trước nguy cơ bất ổn, sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Pashinyan gặp thách thức lớn.
Azerbaijan đạt được mục tiêu, đối mặt không ít khó khăn
Sau thất bại năm 1994 và kết cục dở dang năm 2009 và 2016, Tổng thống Azerbaijan Aliyev kiên trì xây dựng, củng cố quân đội, hướng tới việc giành lại Nagorno-Karabakh bằng hành động quân sự. Trong nước, Tổng thống Aliyev giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, nhất là sau những tuyên bố của Thủ tướng Armenia.
Bên ngoài, Tổng thống Aliyev được sự ủng hộ tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Azerbaijan rút khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) năm 1999, gắn bó với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cũng không đối đầu với Nga (vẫn mua vũ khí của Nga), với Iran.
Tổng thống Aliyev nhận định chính xác việc Nga sẽ không can dự quân sự trực tiếp ở Nagorno-Karabakh. Những tính toán chiến lược và hành động của Tổng thống Aliyev giúp Azerbaijan giành thắng lợi.
Sau 26 năm, Azerbaijan đã giành lại được nhiều khu vực ở Nagorno-Karabakh và xung quanh, xác lập chủ quyền ở Nagorno-Karabakh. Vị thế đó giúp họ gia tăng vai trò ở khu vực ngoại Kavkaz.
Người dân Azerbaijan ăn mừng sau khi thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorno-Karabakh được ký kết ngày 10/11. (Nguồn: AFP) |
Tuy nhiên, Azerbaijan cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là tổn thất về người, vật chất, và tài chính để mua sắm vũ khí, củng cố quân đội. Tổng thống Aliyev chấp nhận sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Azerbaijan, chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Người dân Azerbaijan cho rằng Nga đứng về phía Armenia trong cuộc chiến năm 1994, can thiệp ngăn chặn quân đội Azerbaijan tiến công năm 2016 và làm trung gian hòa giải đình chiến ngày 10/11, khi mà Azerbaijan đang có nhiều lợi thế.
Họ sẽ đòi hỏi Tổng thống Aliyev phải cứng rắn hơn, giành nhiều lợi thế hơn trong giải quyết các vấn đề tiếp theo ở Nagorno-Karabakh và trong quan hệ với Armenia. Sau phấn khích với thắng lợi, người dân Azerbaijan lại đối mặt với khó khăn đời thường. Sự ủng hộ Tổng thống Aliyev có thể giảm nếu ông không đáp ứng yêu cầu của người dân.
Hiềm khích giữa người Azerbaijan và Armenia vẫn còn nguyên, mâu thuẫn giữa 2 sắc tộc ở Nagorno-Karabakh khó hóa giải, có thể bùng phát xung đột. Binh sĩ quân đội Azerbaijan vào tiếp quản Nagorno-Karabakh đã có một vài hành động khiêu khích lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.
Tình hình đó sẽ tác động đến chính sách đối ngoại của Tổng thống Aliyev, nhất là trong mối quan hệ với Nga, Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga được hay mất nhiều hơn
Có thể khái quát đánh giá quốc tế về hành động của Nga ở Nagorno-Karabakh theo 4 dạng chính:
Một là, Nga hành động muộn, chứng tỏ vai trò, ảnh hưởng đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây suy giảm nhiều, không còn đủ khả năng “đóng băng” các xung đột tại Nam Kavkaz, phải nhượng bộ trước ý đồ can dự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hai là, Nga sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh. Thỏa thuận ngừng bắn rất quan trọng, nhưng mới là bước đầu, công việc tiếp theo còn nhiều, rất phức tạp.
Mâu thuẫn dồn nén nhiều năm giữa Armenia và Azerbaijan không thể hóa giải trong một, hai năm. Nga sẽ phải đối mặt với đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ, sự can dự của các nước khác và tâm lý không ủng hộ của một bộ phận người dân Azerbaijan và Armenia. Tình hình đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò và lợi ích của Nga ở Nam Kavkaz.
Ba là, Nga hành động khôn khéo, linh hoạt, hạn chế tổn thất lớn, mà vẫn cơ bản giữ được ảnh hưởng, vị thế và khu vực trong tầm kiểm soát, tạo cơ sở ổn định “vùng đệm”; không gây đối đầu căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ vì lợi ích chiến lược trên nhiều khu vực khác.
Bốn là, Nga tăng cường sự hiện diện ở Nagorno-Karabakh, giữ Armenia trong vòng ảnh hưởng; duy trì quan hệ, tạo điều kiện hợp tác với Azerbaijan, không đẩy họ ngả hẳn vào vòng tay Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhận định, đánh giá về tương lai Nagorno-Karabakh, thế cục Nam Kavkaz, Nga lợi hay thiệt khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, tùy thuộc vào quan điểm chính trị và thuyết âm mưu. Dù theo thuyết nào thì cũng phải thừa nhận Nga đã giúp dừng cuộc chiến đẫm máu (ít nhất là trong một thời gian nhất định). Đây là giải pháp tốt nhất trong điều kiện hiện nay, có lợi cho nhân dân 2 nước và hòa bình ở khu vực.
Thực tế cho thấy, nhóm Minsk và Mỹ ra tay nhưng không buộc được các bên ngừng bắn, ngồi vào bàn đàm phán. Thuyết phục được Azerbaijan, Armenia ký thỏa thuận đình chiến 3 bên chứng tỏ Nga vẫn còn ảnh hưởng, có vai trò quan trọng.
Việc ngay lập tức triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình khi lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực (sáng sớm 10/11) với gần 2.000 quân cùng nhiều vũ khí trang bị nặng trong thời gian ngắn, làm nhiều nước bất ngờ. Sức mạnh của Nga giúp họ tự tin tuyên bố ai “rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn là tự sát”.
Ngoài 2 căn cứ quân sự ở Armenia, quân đội Nga sẽ hiện diện hợp pháp tại Nagorno-Karabakh, ít nhất là 5 năm. Nga không để Thổ Nhĩ Kỳ tham gia ký kết thỏa thuận ngừng bắn và lực lượng gìn giữ hòa bình, nhưng đồng ý với đề nghị thành lập trung tâm giám sát chung và vai trò quan sát viên của Thổ Nhĩ Kỳ ở Azerbaijan.
Sự nhượng bộ vừa đủ để duy trì quan hệ hợp tác Nga - Thổ trên các địa bàn chiến lược, ít nhiều tác động đến quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO. Mỹ, NATO không hài lòng, nhưng cũng không thể phản đối hành động của Nga.
Tình hình Nagorno-Karabakh, mâu thuẫn, tranh chấp chủ quyền giữa Azerbaijan và Armenia, rộng ra là quan hệ quốc tế, cục diện khu vực Nam Kavkaz như một bức tranh lập thể về an ninh, chính trị, với nhiều màu sắc, biến số, đan xen ý đồ chiến lược, các toan tính khác nhau. |
Thổ Nhĩ Kỳ đứng chân ở Kavkaz
Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ gần gũi với Azerbaijan từ lâu. Heydar Aliyev, người khai sinh nhà nước Azerbaijan hiện nay từng nói, quan hệ Azerbaijan-Thổ Nhĩ Kỳ là quan hệ 1 dân tộc, 2 nhà nước. Trong cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh, Thổ Nhĩ Kỳ là 1 bên can dự, hỗ trợ quân sự cho Azerbaijan và hưởng lợi khi Azerbaijan thắng thế.
Tuy chưa thể đạt được một vị thế lớn (tham gia dàn xếp, ký kết thỏa thuận ngừng bắn và lực lượng gìn giữ hòa bình) nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt mục tiêu bước đầu là gia tăng ảnh hưởng và hiện diện quân sự lâu dài ở Azerbaijan.
Khi thỏa thuận ngừng bắn vừa ký kết, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ lập tức ra Nghị quyết về việc triển khai quân đội ở Azerbaijan để giám sát, gìn giữ hòa bình. Điều đó cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ có trù tính trước và ý định lâu dài.
Thời gian tới, Thổ Nhĩ Kỳ có điều kiện kết nối tuyến đường từ bờ biển Địa Trung Hải đến bờ biển Caspian; duy trì ổn định nguồn cung cấp khí đốt và các lợi ích khác từ Azerbaijan.
Không bằng lòng với vị thế hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ muốn cùng Nga thay thế vai trò giám sát khu vực của Nhóm Minsk thuộc OSCE do Mỹ, Pháp, Nga đồng chủ trì. Ngoài hỗ trợ Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh, hiện diện ở Nam Kavkaz, Thổ Nhĩ Kỳ còn can dự ở nhiều khu vực khác.
Thổ Nhĩ Kỳ hành động cứng rắn ở Syria, Libya, gây căng thẳng với Hy Lạp, Cyprus, không ngại mâu thuẫn với EU, Mỹ và một số nước khác. Bằng các hành động đó, Thổ Nhĩ Kỳ chứng tỏ sức mạnh, ảnh hưởng ngày càng lớn ở khu vực và trên thế giới, buộc Mỹ, Nga và các nước lớn khác phải thừa nhận vai trò của họ.
Toan tính của các nước khác
Mỹ và NATO muốn can dự, hạ thấp vai trò của Nga, tranh giành ảnh hưởng ở Nam Kavkaz. Ngoài ra, lôi kéo được Azerbaijan, Mỹ và đồng minh có điều kiện thiết lập ở đây một trung tâm, tạo bàn đạp trực tiếp can dự, thúc đẩy tuyên truyền Iran ủng hộ Armenia để kích động cộng đồng gốc Azerbaijan ở Iran (chiếm khoảng 25%) chống chính phủ.
Thời gian qua, Mỹ sa lầy trong kiện tụng bầu cử tổng thống và cuộc chiến thương mại, công nghệ với Trung Quốc, nên không có nhiều hành động can dự trực tiếp, mạnh mẽ. Nhưng tới đây, Mỹ sẽ gia tăng hoạt động, can dự ở khu vực Nam Kavkaz nói riêng, không gian “hậu Xô Viết” nói chung.
Pháp là một thành viên nhóm Minsk, có quan hệ với Armenia, muốn thể hiện vai trò thông qua dàn xếp ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh nói riêng, giám sát khu vực nói chung. Nhưng nỗ lực của Pháp chưa mang lại hiệu quả nhiều.
Sau khi có thỏa thuận ngừng bắn, Thượng viện Pháp ra Nghị quyết kêu gọi Chính phủ công nhận Cộng hòa Nagorno-Karabakh, yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân đánh thuê khỏi Nagorno-Karabakh. Nghị quyết của Thượng viện Pháp mang tính khuyến nghị, nhưng cũng là cơ sở để Pháp tiếp tục can dự, phát huy vai trò ở Nam Kavkaz. Đồng thời, hành động của Pháp còn nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ đang quan hệ căng thẳng với EU.
Azerbaijan là nước cung cấp 40% dầu khí cho Israel. Bán vũ khí cho Azerbaijan, không những Israel thu được nguồn tài chính lớn, mà còn có điều kiện giữ ổn định nguồn cung cấp dầu khí, tạo lập bàn đạp ở Azerbaijan để chống phá Iran. Với mục đích đó, Israel sẽ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác, gia tăng ảnh hưởng đối với Azerbaijan.
Những vấn đề đặt ra
Tình hình Nagorno-Karabakh, mâu thuẫn, tranh chấp chủ quyền giữa Azerbaijan và Armenia, rộng ra là quan hệ quốc tế, cục diện khu vực Nam Kavkaz như một bức tranh lập thể về an ninh, chính trị, với nhiều màu sắc, biến số, đan xen ý đồ chiến lược, các toan tính khác nhau. Dù mới gần 1 tháng đình chiến, tình hình có thể diễn biến phức tạp, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề, những bài học kinh nghiệm.
Thứ nhất, cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh đã sắp xếp lại trật tự khu vực Nam Kavkaz. Ngoài Nga, Mỹ, một số nước thuộc NATO, vai trò, ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực ngày càng tăng.
Thứ hai, mâu thuẫn, xung đột sắc tộc, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Nagorno-Karabakh không phải là cá biệt. Nhiều nước, nhiều khu vực cũng tiềm ẩn, nảy sinh vấn đề tương tự như Moldova (khu vực Transnistria), Ukraine, Gruzia...
Giải quyết xung đột sắc tộc, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ là vấn đề hết sức hệ trọng, phức tạp, lâu dài. Qua sự kiện Nagorno-Karabakh, đứng từ góc độ Azerbaijan, không ít nhà chính trị, quân sự cho rằng chỉ có giải pháp quân sự mới giải quyết triệt để tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, điều không thể làm được bằng đàm phán!
Quan điểm này vô cùng nguy hiểm, đi ngược lại tư tưởng giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, gia tăng nguy cơ xung đột vũ trang, chiến tranh.
Cảnh đổ nát ở Stepanakert, Nagorno-Karabakh. (Nguồn: TASS) |
Thứ ba, đoàn kết, đồng thuận dân tộc là sức mạnh của quốc gia, phát huy tinh thần dân tộc là cần thiết, rất quan trọng, có giá trị to lớn, là trách nhiệm của lãnh đạo. Nhưng kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan lại gây hại cho chính quốc gia, dân tộc mình. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan trở thành rào cản đối với biện pháp đàm phán giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ.
Thứ tư, cân bằng quan hệ với các nước lớn không đồng nhất với thủ đoạn “bắt cá 2 tay”, không có chính kiến, chiến lược cơ bản, lúc chạy sang bên này, lúc nhảy sang bên kia. Các nước lớn quan hệ trước hết vì lợi ích của họ và giữa các nước lớn với nhau vừa mâu thuẫn, vừa đan xen lợi ích, có thể thỏa hiệp với nhau gây tổn hại lợi ích của các nước nhỏ và vừa.
Các nước nhỏ và vừa cần tranh thủ sự ủng hộ bên ngoài, nhưng không trao quyền quyết định giải quyết vấn đề của mình cho bên ngoài. Nếu không, rất dễ biến đất nước thành chiến trường cạnh tranh lợi ích, nơi tiêu thụ, thử nghiệm vũ khí hiện đại… Nếu có giành được kết quả cũng sẽ rơi vào phụ thuộc.
Ngoài ra, Nagorno-Karabakh còn cho thấy những bài học về phòng thủ, tác chiến, vai trò của các loại vũ khí tiên tiến, trong đó có máy bay không người lái, vũ khí phòng không và cuộc chiến truyền thông...
Đình chiến mới chỉ gần 1 tháng, mọi việc còn ở phía trước và có thể diễn biến phức tạp. Tương lai của Nagorno-Karabakh nói riêng, khu vực Nam Kavkaz nói chung, cũng như tác động của nó đến diễn biến tình hình ở Moldova, Ukraine, Gruzia… là vấn đề khó giải đáp. Thời gian sẽ có câu trả lời cụ thể, thuyết phục cho các đánh giá, dự báo và các thuyết âm mưu. Nhưng ý đồ chiến lược của các nước liên quan, nhất là các nước lớn và cục diện khu vực Nam Kavkaz đã dần lộ diện.
| Xung đột ở Nagorno-Karabakh: Azerbaijan hoàn tất lấy lại lãnh thổ từ Armenia TGVN. Ngày 1/12, Azerbaijan hoàn tất việc lấy lại lãnh thổ từ Armenia theo một thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian chấm ... |
| Nagorno-Karabakh: Nga 'đôn đáo' sau thỏa thuận lịch sử, Pháp yêu cầu giám sát quốc tế TGVN. Ngày 19/11, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian đã điện đàm thảo luận tình hình khu vực ... |
| Thỏa thuận đình chiến lịch sử ở Nagorno-Karabakh: Liệu có bền vững? TGVN. Thế giới đang tập trung vào bầu cử Tổng thống Mỹ. Kết quả bầu cử đúng như dự báo, nhưng bất ngờ lại đến ... |