📞
Ngày Biên phiên dịch quốc tế 30/9:

Không máy móc nào thay thế được phiên dịch chuyên nghiệp, phiên dịch ngoại giao càng không thể!

Đại sứ Phạm Bình Đàm* 17:26 | 29/09/2023
Phiên dịch là một nghề mang tính đặc thù cao và tương đối kén người.
Đại sứ Phạm Bình Đàm phát biểu tại Tọa đàm “Phiên dịch Ngoại giao: 75 năm ký ức và con người” tháng 2/2020. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nghề mà "tai nạn" luôn rình rập

AI giờ đây có thể vẽ tranh, làm thơ, tất nhiên cũng có thể dịch, cả văn bản và giao tiếp. Máy dịch hiện đã có, và sẽ ngày càng hoàn thiện, độ chính xác ngày càng cao. Tuy nhiên, biên phiên dịch ở tầm chuyên nghiệp là câu chuyện rất khác.

Vì sao vậy? đó là một nghề mang tính đặc thù cao và tương đối kén người.

"Bất cứ ai trong nghề cũng thấm câu “chỉ có cuộc dịch tốt, không có người dịch tốt”, nghĩa là mỗi cuộc dịch là một trận chiến riêng, nếu không hết mình thì hoàn toàn có thể thất bại một cách tủi hổ".

Giỏi ngoại ngữ và nhuần nhuyễn, tinh xảo tiếng mẹ đẻ mới chỉ là yếu tố cần thiết. Còn khá nhiều tố chất, trong đó có năng khiếu, đam mê, khổ công để có thể thực sự theo và sống được với nghề.

Biên phiên dịch cũng là nghề mà “tai nạn” luôn rình rập.

Bất cứ ai trong nghề cũng thấm câu “chỉ có cuộc dịch tốt, không có người dịch tốt”, nghĩa là mỗi cuộc dịch là một trận chiến riêng, nếu không hết mình thì hoàn toàn có thể thất bại một cách tủi hổ.

Nói về phiên dịch ngoại giao thì đó lại là đặc thù của đặc thù với sự kết hợp của "phiên dịch" và "ngoại giao".

Không chỉ là vấn đề câu từ hay đoạn hội thoại, phiên dịch ngoại giao gắn trực tiếp với những hoạt động đối ngoại cụ thể, có tính chất riêng, mục đích, nội hàm, sắc thái riêng và cá nhân hóa theo người nói.

Chính vì vậy mà phiên dịch ngoại giao có những nguyên tắc riêng, không tuân theo nguyên tắc chung của nghề.

Ví dụ trong trường đào tạo dịch, bạn sẽ được dạy phải tuân thủ nguyên tắc trung lập và phải dịch ra tiếng mẹ đẻ chứ không dịch ra tiếng ngoại ngữ. Phiên dịch ngoại giao ngược lại là nghe tiếng mẹ đẻ, dịch ra tiếng ngoại ngữ. Trong hội đàm Việt-Nhật thì phiên dịch của Việt Nam nghe tiếng Việt, dịch ra tiếng Nhật, phiên dịch Nhật nghe tiếng Nhật, dịch ra tiếng Việt.

Trong ngoại giao, có những điểm phải dùng đúng từ đã được quy định, dùng từ khác sẽ mang ý khác, nhưng ngoài tính chính xác thì sắc thái, tình cảm, sự tinh tế cũng là những yếu tố không thể thiếu.

Chỉ là một câu nói “chào Ngài, Ngài có khỏe không, tôi vẫn nhớ cuộc gặp giữa chúng ta cách đây ...”, nhưng kèm theo đó có thể là cả tình cảm trân trọng đối tác, tình cảm của họ với Việt Nam, mong muốn hai dân tộc tăng cường tình hữu nghị, hợp tác. Phiên dịch bằng nét mặt, cử chỉ, giọng nói cần truyền đạt được tình cảm ấy.

Có tình huống phía đối tác “ào ạt” đưa ra một loạt luận điểm gây sức ép với ta; Lãnh đạo ta không cuốn theo mà bình tĩnh chọn vài điểm đối lại một cách điềm tĩnh và sắc nét.

Phiên dịch phải đọc đúng điều đó và cần chọn cách nói gọn, sắc, thể hiện được sự tự tin, làm chủ tình huống của ta, nếu nhạt nhòa, lúng túng thì sẽ làm mất phần nào hiệu quả giao tiếp.

“Phiên dịch ngoại giao là một phần của ngoại giao”

Tùy theo cá nhân lãnh đạo và tình huống đối ngoại, yêu cầu đặt ra đối với phiên dịch cũng khác nhau.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường sẽ yêu cầu phiên dịch phải dịch đúng từng từ. Có lãnh đạo lại chỉ tập trung vào thông điệp, mục đích và đặt rõ yêu cầu đối với phiên dịch là “chú nói những ý như vậy, diễn đạt thế nào cho phù hợp là tùy cháu”.

Có một lần, phóng viên CNN nói với tôi: “Ông chỉ cần dịch các ý chính thôi, chúng tôi sẽ có biên tập riêng dịch lại sau”. Tôi nói: “Không được, tôi phản đối. Tôi sẽ dịch đầy đủ và yêu cầu CNN phải dùng đúng lời tôi nói. Ý của Lãnh đạo tôi không thể để cho nhóm biên tập của các bạn diễn giải hay chỉnh sửa”.

Sau cuộc dịch, phóng viên đó nói với tôi: “You were interpreting, not translating, right” - (ông đã phiên dịch chứ không phải chỉ đơn thuần là dịch đúng không).

Lãnh đạo giỏi ngoại ngữ không hiếm nhưng trong hoạt động ngoại giao cấp cao, trong các cuộc gặp chính thức, lãnh đạo sẽ vẫn sử dụng phiên dịch. Đấy không hẳn là một nguyên tắc, nhưng có thể xem như một thông lệ phổ biến.

Tôi vẫn nhớ một câu chuyện vui xảy ra trong cuộc gặp giữa Thủ tướng ta và Thủ tướng một nước bạn láng giềng.

Thủ tướng bạn giỏi tiếng Việt, nhưng cuộc gặp song phương vẫn dùng phiên dịch. Hai bên chỉ mang phiên dịch tiếng Anh nên dùng phương thức dịch "bắc cầu", tôi dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh và Anh sang Việt; phiên dịch của Thủ tướng bạn dịch từ tiếng nước bạn ra tiếng Anh và lấy tiếng Anh của tôi dịch lại ra tiếng của bạn.

Giữa buổi, bất ngờ Thủ tướng bạn dừng lại hỏi "tôi thấy thiếu một ý, phiên dịch của tôi dịch sót hay phiên dịch Việt Nam dịch sót?". Thì ra ông không hiểu tiếng Anh, nhưng khi nghe tôi dịch ra tiếng Việt thấy thiếu nên kiểm tra xem phiên dịch bên nào dịch thiếu.

Sẽ không thể có máy móc, công nghệ nào thay thế được con người ở mức độ dịch chuyên nghiệp. Phiên dịch ngoại giao thì càng không thể.

“Phiên dịch ngoại giao là một phần của ngoại giao”, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Trưởng Phòng Phiên dịch Bộ Ngoại giao khi Phòng được tái lập năm 1991, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nhiều lần nhận định.


* Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong (Trung Quốc), nguyên Giám đốc Trung tâm Biên-phiên dịch Quốc gia (nay là Vụ Biên phiên dịch đối ngoại), Bộ Ngoại giao.

Ngày 30/9 là ngày lễ của Thánh Jerome, người đã chuyển ngữ Kinh Thánh từ các bản viết tay tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh và được Giáo hội suy tôn làm thánh bổn mạng của giới dịch thuật và thông ngôn. Ngày 24/5/2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 71/288 quyết định chọn ngày 30/9 hằng năm là Ngày Biên phiên dịch quốc tế để ghi nhận đóng góp, vai trò kết nối con người, dân tộc của những người làm công tác biên phiên dịch. Công tác biên phiên dịch đóng vai trò quan trọng trong việc giao tiếp giữa các cá nhân, gắn kết các quốc gia với nhau, tạo điều kiện cho đối thoại, hiểu biết và hợp tác, góp phần phát triển và củng cố hòa bình và an ninh thế giới.