📞

Không thể đợi khắc phục hết tồn tại mới hội nhập

12:00 | 09/02/2016
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về Hội nhập kinh tế thương mại quốc tế Trần Quốc Khánh nhận định rằng, thực tiễn của 30 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế vừa qua cho thấy nền kinh tế Việt Nam có thể tham gia và tham gia thành công vào các tiến trình liên kết kinh tế khu vực cũng như toàn cầu.
Đại diện các nước tham dự Hội nghị đàm phán về Hiệp định TPP tại Sydney, Australia ngày 25/10/2015.

Xin chúc mừng Thứ trưởng về thành công mà Đoàn đàm phán Chính phủ đã đạt được trong năm 2015, đặc biệt với dấu ấn cuối năm là đàm phán thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia nhanh nhạy trong việc chủ động hội nhập, tham gia đàm phán và đi đến ký kết hiệp định thương mại với nhiều nước và nhiều khu vực. Theo Thứ trưởng, vì sao Việt Nam lại tham gia nhiều hiệp định kinh tế như vậy? 

Việc tham gia đàm phán một số hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian qua, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA), là thực hiện chủ trương "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế" do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra và Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Quyết định tham gia đàm phán bao giờ cũng được cân nhắc kỹ ở nhiều cấp, trên cơ sở phân tích thấu đáo các cơ hội cũng như thách thức do các hiệp định này đem lại.      

Một số chuyên gia cho rằng cam kết của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới như TPP, EVFTA sẽ tạo động lực cũng như “sức ép” thúc đẩy thay đổi từ doanh nghiệp đến thể chế. Theo quan điểm của Thứ trưởng, nhận định như vậy có hợp lý không?

Ta chưa bao giờ chủ trương "dùng bên ngoài để ép bên trong". Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của ta, như thực tiễn đã cho thấy, bao giờ cũng lấy cải cách kinh tế trong nước làm nền tảng. Giữa cải cách kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế tuy có sự tác động qua lại nhưng cải cách kinh tế trong nước luôn là yếu tố quyết định.

Nền kinh tế nào cũng có những "tồn tại" của nó và như chúng ta đã thấy, không có nền kinh tế nào chờ đến khi khắc phục hết các "tồn tại" rồi mới tiến hành hội nhập. Thực tiễn của 30 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế vừa qua cho thấy chúng ta hoàn toàn có khả năng tham gia, và tham gia một cách thành công, vào các tiến trình liên kết kinh tế khu vực cũng như toàn cầu.       

Trong năm 2015:

  • 2 FTA được ký kết (Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu)
  • 1 FTA kết thúc đàm phán (TPP)
  • 1 FTA kết thúc cơ bản đàm phán (Việt Nam - EU)
  • Các FTA còn lại gồm: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), FTA Việt Nam - Khối EFTA, FTA ASEAN - Hong Kong (dự kiến kết thúc trong năm 2016)

Để có thể nắm bắt được các cơ hội do các FTA mới tạo ra, thách thức của Việt Nam chủ yếu nằm ở nguồn nhân lực. Theo Thứ trưởng, chúng ta cần phải vận dụng TPP cũng như các FTA khác như thế nào để ngay từ bây giờ có thể phát triển được nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của tương lai?

Vấn đề phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được Đảng ta quan tâm từ rất sớm và gần đây nhất, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã có Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó khẳng định các quan điểm chỉ đạo như giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phát triển giáo dục và đào tạo cần gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả... Đặc biệt, Nghị quyết khẳng định cần "chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước". Việc thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo này sẽ giúp chúng ta phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực tế cho thấy một số mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của chúng ta như gạo, cà phê, dệt may, thủy sản đã và đang bị cạnh tranh mạnh mẽ. Sắp tới, bài toán duy trì các thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam  sẽ không đơn giản. Thứ trưởng nghĩ thế nào về bài toán này?   

Năm 1995, năm đầu tiên hội nhập kinh tế với ASEAN, kim ngạch xuất khẩu của ta là 5 tỷ USD. Sau 20 năm, kim ngạch xuất khẩu của ta là trên 160 tỷ USD, tăng hơn 30 lần. Những con số này đã cho thấy khả năng cạnh tranh và khả năng duy trì sức cạnh tranh trong một thời gian dài của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Thế mạnh của các quốc gia luôn có sự thay đổi trong quá trình phát triển. Vì vậy, để duy trì sức cạnh tranh, việc duy nhất cần làm là tạo môi trường thuận lợi để các yếu tố sản xuất luôn có thể dịch chuyển sang khu vực mà ta có thế mạnh.