Một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ đang diễn ra trên khắp thế giới. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào tháng Hai đã tạo nên một "cơn địa chấn" với sức ảnh hưởng toàn cầu.
Các quốc gia phương Tây từng phụ thuộc nguồn cung cấp năng lượng từ Nga - nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới và nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba - đã từ chối mua năng lượng từ Moscow để phản đối cuộc xung đột.
Không ở đâu mà cuộc khủng hoảng này hiển thị rõ ràng và sâu sắc như châu Âu, khu vực vốn vẫn luôn phụ thuộc nguồn khí đốt giá rẻ của Nga. Trước cuộc xung đột, 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đều dựa vào Nga để để có nguồn cung 40% khí đốt tự nhiên - nguồn năng lượng phổ biến thứ hai ở khu vực này sau dầu mỏ.
Mùa Đông đang đến rất gần và cuộc khủng hoảng năng lượng đang đẩy châu Âu đứng trước những thách thức chưa từng có. (Nguồn: Getty) |
Và khi Nga gia tăng các động thái siết chặt nguồn cung, giá khí đốt ở châu Âu bị đẩy lên gấp đôi, khiến người dân và doanh nghiệp khu vực này rơi vào cảnh “lao đao”. Nhiều nơi, hóa đơn tiền điện tăng gấp ba lần. Các ngành công nghiệp chủ chốt buộc phải cắt giảm chi phí do hóa đơn điện cao.
Tình hình nghiêm trọng đến mức các chính phủ trước đây từng từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và điện hạt nhân đang phải mở lại các nhà máy than và địa điểm hạt nhân đã đóng cửa, đồng thời quốc hữu hóa các công ty tiện ích khỏi bờ vực phá sản.
Khi mùa Đông đang cận kề và nhu cầu khí đốt tăng cao, các chuyên gia cho rằng, thị trường năng lượng châu Âu chưa bao giờ lâm vào tình trạng "tổn thương nghiêm trọng" như hiện tại.
Tatiana Mitrova, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia (Mỹ) cho hay: "Giá năng lượng đang ở mức cao kỷ lục trong lịch sử. Chúng tôi chưa bao giờ gặp tình huống như vậy”.
Tăng nguồn cung hay giảm nhu cầu?
Ngay sau khi cuộc xung đột nổ ra, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung năng lượng để đối phó với sự gián đoạn về nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga. Châu Âu có hai lựa chọn: tăng nguồn cung khí đốt hoặc giảm nhu cầu.
Với mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung cho khối và giảm sự phụ thuộc vào dòng chảy của Nga, các nước EU đã tìm đến Qatar, Mỹ và các quốc gia Trung Á để đạt được các thỏa thuận thương mại đối với cả khí đốt tự nhiên và LNG (khí đốt tự nhiên hóa lỏng), một dạng khí đốt dễ vận chuyển hơn có thể vận chuyển bằng đường biển mà không cần phải qua đường ống.
Tin liên quan |
Châu Âu ‘khát’ khí đốt khi Nga khóa nguồn cung, ‘cuộc chiến’ LNG toàn cầu khốc liệt bắt đầu, phép màu có đến? |
Tuy nhiên, nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng về phía nguồn cung thường đi đôi với cuộc chạy đua về thời gian.
Việc gia tăng dòng khí đốt tự nhiên từ các nước khác ngoài Nga đòi hỏi phải xây dựng nhiều đường ống hơn, trong khi nhập khẩu nhiều LNG hơn đồng nghĩa với việc cần xây dựng các thiết bị đầu cuối chuyên dụng ở châu Âu để hồi lưu khí lỏng, một quá trình có thể phải mất từ 2 đến 5 năm.
Penny Leake, chuyên gia phân tích nghiên cứu tại Công ty Tư vấn năng lượng Wood Mackenzie nhận định, việc mở rộng cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên rất tốn kém, đòi hỏi nhiều năm đầu tư và kết quả có thể sẽ không có hiệu quả cho đến mùa Hè năm sau.
Một số chuyên gia khác dự báo, ít nhất cho đến mùa Hè năm 2023, các nhà cung cấp khó có thể tăng dòng chảy sang châu Âu với khối lượng đủ lớn để thay thế cho nguồn khí đốt từ Nga.
Chắc chắn, điều này đồng nghĩa với việc giảm cầu sẽ là biện pháp thực tế nhất mà châu Âu buộc phải lựa chọn. “Tôi e rằng giải pháp duy nhất trong mùa Đông năm nay sẽ nằm ở phía phần cầu. Sẽ khá khó khăn trong việc phân phối nhu cầu năng lượng và hạn chế nhu cầu khí đốt”, chuyên gia Mitrova khẳng định.
Cú sốc cho kinh tế
Các quốc gia châu Âu bao gồm Đức, Pháp và Tây Ban Nha đã thông qua các biện pháp tiết kiệm năng lượng vào mùa Hè này trong một nỗ lực tăng trữ lượng khí đốt càng nhiều càng tốt trước khi thời tiết trở nên lạnh giá.
Nhiều chính phủ đã thực hiện một số biện pháp tiết kiệm và phân bổ năng lượng như tắt đèn giao thông vào ban đêm hay giảm ánh sáng trên các tòa nhà lịch sử. Nhiều nơi đã ngừng yêu cầu người tiêu dùng giảm mức sử dụng năng lượng, nhưng với nhu cầu năng lượng tăng vọt trong mùa Đông, các nhà chức trách có thể buộc phải đưa ra một số lựa chọn khó khăn.
“Chúng tôi đang phải lựa chọn giữa nhiều phương án xấu khác, chúng tôi chưa có kịch bản tốt vào lúc này”, chuyên gia Mitrova chia sẻ.
Việc giảm nhu cầu khí đốt ở châu Âu thông qua việc chia nhỏ nguồn khí đốt hoặc đẩy giá thành lên cao có thể mang đến những tác động kéo dài, đồng thời gây mất ổn định đối với một số ngành công nghiệp và nền kinh tế của các nước trong khu vực.
Tin liên quan |
Khủng hoảng năng lượng không phải lý do duy nhất khiến kinh tế châu Âu 'khốn đốn' |
Theo chuyên gia Mitrova, hơn 70% các nhà sản xuất phân bón ở châu Âu đã phải tạm dừng hoạt động do khí đốt chiếm đến 80-90% trong chi phí sản xuất ammoniac. Nhiều ngành công nghiệp, sản xuất ở châu Âu đã phải giảm tốc và trong trường hợp xấu nhất sẽ phải đóng cửa các ngành phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên như ngành sản xuất thủy tinh hay ngành thép.
Mauro Chavez, Giám đốc nghiên cứu về khí đốt châu Âu tại Wood Mackenzie cho biết thêm, nhiều ngành công nghiệp “nhạy cảm hơn” có thể bị buộc phải đóng cửa sớm vì giá năng lượng.
Tuần này, Tập đoàn ô tô lớn nhất châu Âu Volkswagen cho biết, giá điện tăng cao có thể khiến công ty chuyển dây chuyền sản xuất khỏi các quốc gia dựa nhiều vào khí đốt của Nga như Đức, Czech hay Slovakia sang các quốc gia Tây Nam châu Âu có khả năng tiếp cận đến các dòng năng lượng đa dạng hơn.
“Châu Âu hiện đang rơi vào một tình huống rất thách thức. Tình hình có lẽ còn tồi tệ hơn những năm 1970 - thời điểm chỉ diễn ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Bây giờ chúng ta đang nói về một cuộc khủng hoảng diện rộng từ dầu mỏ, hạt nhân cho đến thủy điện và khí đốt”, chuyên gia Mitrova nói.
Ryhana Rasidi, nhà phân tích khí đốt tại Công ty tư vấn năng lượng Kpler cho rằng, mọi việc đã có thể trở nên dễ dàng hơn nếu châu Âu đa dạng hóa nguồn cung khí đốt tự nhiên ngay sau khi cuộc xung đột nổ ra.
Cùng với mạng lưới năng lượng tái tạo vẫn chưa được hoàn thiện đầy đủ để đáp ứng cho nhu cầu của mùa Đông năm nay, cuộc khủng hoảng năng lượng mới của châu Âu đang diễn ra theo "chiều hướng tồi tệ nhất trên mọi lĩnh vực".
| Kinh tế châu Âu đối mặt với rủi ro chồng chất Nền kinh tế châu Âu, chiếm gần 1/5 sản lượng kinh tế của thế giới, đang phải đối mặt với bài kiểm tra khó khăn ... |
| Khủng hoảng năng lượng, lạm phát phi mã đẩy 40% người dân Bỉ đứng nguy cơ nghèo khó Theo chuyên gia kinh tế người Bỉ, ông Bruno Colman cho biết khoảng 40% người dân Bỉ hiện có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo ... |
| Châu Âu đang 'đốt' hàng tỷ USD vào cuộc khủng hoảng năng lượng Trong nhiều tuần nay, các chính phủ châu Âu gần như đều công bố các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ các hộ gia ... |
| Khủng hoảng năng lượng: Anh áp trần hóa đơn tiền điện, Đức 'ra mặt' cứu doanh nghiệp, châu Âu đã chi bao nhiêu? Kết quả nghiên cứu do tổ chức Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) công bố ngày 21/9 cho biết, trong năm 2021, các nước ... |
| G7 nhất trí hợp tác hỗ trợ Ukraine, Anh và Mỹ bóng gió chấm dứt phụ thuộc vào 'những quốc gia toàn trị về năng lượng' như Nga G7 khẳng định sẽ tăng cường hợp tác để hỗ trợ Ukraine trong khi Anh và Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt ... |