📞

Kiểm soát vũ khí hạt nhân Mỹ-Trung Quốc: Thách thức hay cơ hội?

Bảo Trâm 08:20 | 06/08/2021
Việc phát hiện các hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc thời gian gần đây buộc Mỹ phải lựa chọn giữa chạy đua vũ khí hạt nhân hay đàm phán với Trung Quốc.
Mỹ sẽ đàm phán hay chạy đua hạt nhân khi Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán trong việc mở rộng và hiện đại hóa năng lực hạt nhân của mình. (Nguồn: Flickr)

National Interest gần đây đã đăng tải bài báo của tác giả Doreen Horschig*, viết về cuộc phỏng vấn với TS. Jeffrey Lewis và sinh viên của ông, Decker Eveleth, trong chương trình Hãy nhấn nút (Press the Button).

Trong đó, hai nhân vật được phỏng vấn cho rằng, việc phát hiện ra hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc sẽ buộc Mỹ phải lựa chọn đàm phán hay chạy đua hạt nhân.

Thay đổi bất ngờ

Trung Quốc đang trở nên ngày càng quyết đoán trong việc mở rộng và hiện đại hóa năng lực hạt nhân của mình.

Ngày 30/6, TS. Jeffrey Lewis và Decker Eveleth tiết lộ với tờ Washington Post rằng những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng 120 hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tăng 87% so với 16 hầm chứa dành cho tên lửa ICBM thế hệ mới nhất từng được biết đến.

Eveleth, vốn là một sinh viên trường Reed College, đã phát hiện ra các hầm chứa đặt tại thành phố Yumen, ở sa mạc phía Tây Trung Quốc, trong khi sử dụng các hình ảnh vệ tinh thương mại của Planet Labs, một công ty tư nhân chuyên chụp ảnh Trái đất cung cấp quyền truy cập dữ liệu mở.

Eveleth giải thích: “Những công trình mái vòm cỡ lớn này được đặt cách nhau 3 km. Thực sự không có bất kỳ dự án dân sự nào lại đòi hỏi số lượng lớn cơ sở hạ tầng tại một không gian như vậy”.

Phát hiện trên đã gây bất ngờ lớn, vì trước đó Trung Quốc vẫn đầu tư vào những loại tên lửa có thể đặt trên xe và dễ dàng di chuyển.

Trong khi đó, Lewis, hiện là giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á của Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, cho rằng phát hiện mới cho thấy một sự thay đổi nhanh chóng và cần sự chú ý từ cộng đồng an ninh quốc gia.

Ông Lewis tỏ ra lo lắng về sự thay đổi so với thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh - “khi số lượng vũ khí được cắt giảm và mọi thứ hạ nhiệt xuống mức có thể mô tả giống như sự khởi đầu của một cuộc chạy đua vũ trang”.

Đề cập đến Mỹ và Trung Quốc, ông giải thích: “Việc triển khai của chúng tôi dựa trên suy đoán về kho vũ khí của họ (Trung Quốc) và ngược lại. Bắc Kinh đang lo lắng về khả năng tồn tại của mình. Vì nhìn chung, Mỹ có năng lực hạt nhân lớn hơn”.

“Trò chơi Vỏ sò”

Eveleth lưu ý rằng, các hầm chứa hạt nhân mới, được mệnh danh là “các lớp Sò của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”, trong một bài báo trên tờ The Economist, có thể là một phản ứng đối với kho ICBM của Mỹ.

“Việc xây dựng 120 hầm chứa ICBM có nghĩa là Mỹ sẽ phải lên kế hoạch bố trí một phần các nguồn lực sẵn có để phá hủy các mục tiêu cố định này, đồng thời giảm nhẹ những áp lực vẫn đặt vào các lực lượng cơ động của Trung Quốc", sinh viên này nói.

Câu hỏi đặt ra là liệu các hầm chứa thực sự có tên lửa bên trong hay không? Ông Lewis và Eveleth cho rằng nhiều khả năng câu trả lời là không. Nhưng Mỹ sẽ không khẳng định được điều này.

Ông Lewis và Eveleth cũng cho rằng từ phân tích hình ảnh vệ tinh, rất khó nói hầm chứa tên lửa nào còn trống hay đã được lấp đầy.

Ông Lewis còn nói thêm rằng, tất cả những điều này khiến ông nhớ đến chiến lược của Mỹ vào những năm 1980: “Giống như những gì từng diễn ra ở Mỹ được gọi là 'Trò chơi Vỏ sò', giấu một viên bi ở trong 3 chiếc cốc, Washington đã giấu 200 tên lửa trong 4.600 hầm chứa”.

Tuy nhiên, ông Lewis nhận định, đáp trả lại Trung Quốc bằng một "Trò chơi Vỏ sò" mới không phải là câu trả lời.

Những hình ảnh vệ tinh cho thấy các hầm chứa đang được xây dựng ở phía Tây Trung Quốc. (Nguồn: NPR)

Nhiệm vụ quan trọng

Vậy Mỹ nên giải quyết việc Trung Quốc hiện đại hóa kho hạt nhân của mình như thế nào?

Sự kiện đã gây ra những phản ứng trái chiều, từ “Tôi không tin vì tôi không thích điều đó”, cho đến “đó là sự thật 100% vì tôi không tin Trung Quốc".

Trong khi đó, tranh luận sôi nổi cũng diễn ra giữa các chuyên gia chính sách đối ngoại về việc Mỹ nên có chính sách nào trong trường hợp này.

Ông Lewis cho biết, những người theo trường phái phóng đại khi thảo luận về cách thức đối phó với phát hiện mới đã nói rằng, một thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Trung Quốc là giải pháp sai lầm và nó chưa từng có hiệu quả trong quá khứ.

Thay vào đó, Mỹ nên đáp trả bằng cách nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, như ông Lewis chỉ ra, Mỹ đang có sự vượt trội về quân số (gấp bốn lần) và vẫn đang hiện đại hóa lực lượng của mình.

Bởi vậy, ông Lewis gợi ý Washington nên tham gia vào một cuộc đối thoại với Trung Quốc (và cả nước Nga cũng đang hiện đại hóa kho vũ khí).

“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở trong tình cảnh mà cả Nga và Trung Quốc đều đang thay đổi lực lượng của họ. Nếu không thích những gì họ đang làm, dù đó là Nga với các loại vũ khí khoa học viễn tưởng kỳ lạ hay Trung Quốc với 120 hầm chứa ICBM - chúng ta sẽ phải đàm phán với họ", ông nói.

Trong khi đó, Eveleth nhận định, việc đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán hạt nhân là một nhiệm vụ khó khăn khi có sự chênh lệch về lực lượng hạt nhân và Mỹ vẫn từ chối thảo luận về phòng thủ tên lửa.

Tuy nhiên, ông Lewis nhận thấy vẫn còn cơ hội cho đàm phán, và rằng “một đội ngũ những người thông minh, giàu kinh nghiệm trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thực sự hiểu rõ mối đe dọa hạt nhân”.

Có thể nói, bất chấp những thách thức gần đây do các nỗ lực đại hóa hạt nhân, vẫn còn hy vọng, và có thể là cả cơ hội, để kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Nhận thức mới và nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân lần thứ hai đang tạo ra một cuộc tranh luận công khai lớn hơn.

Điều đó tạo cơ hội cho cộng đồng kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị giải quyết những vấn đề này và tiến tới những cách tiếp cận mang tính ngoại giao hơn.


* Doreen Horschig là Nghiên cứu sinh của chương trình Roger L. Hale Fellowship thuộc Ploughshares Fund - Quỹ hỗ trợ các sáng kiến ngăn chặn việc phổ biến và sử dụng vũ khí hạt nhân cũng như ngăn chặn các cuộc xung đột có thể xảy ra.

(theo National Interest)