Các khách mời trao đổi tại chương trình trực tuyến. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Ông Nguyễn Trung Kiên - Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao đã chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp tại buổi tọa đàm trực tuyến Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi 2019. Chương trình tọa đàm trực tuyến được tổ chức tại Press Corner, sáng kiến của Báo Thế giới & Việt Nam (TG&VN), bên lề Hội nghị gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi 2019 lần đầu tiên được Bộ Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội.
Tại tọa đàm trực tuyến lần này của TG&VN, các khách mời là lãnh đạo các tỉnh, các nhà quản lý, Đại sứ một số nước Trung Đông - châu Phi tại Việt Nam, và đặc biệt là lãnh đạo các doanh nghiệp đã cùng trao đổi về tiềm năng, thế mạnh hợp tác giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước trong khu vực Trung Đông – châu Phi, đưa ra những giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư giữa các doanh nghiệp, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các bên.
Dưới đây là ý kiến của một số khách mời tham gia Chương trình tọa đàm trực tuyến của TG&VN.
Ông Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái
Trao đổi tại tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 của tỉnh đạt 130 triệu USD, trong đó, gần 50% được xuất khẩu sang thị trường Trung Đông - châu Phi. Ngoài ra, ông Đỗ Đức Duy chia sẻ, Yên Bái là một trong những địa phương đầu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc thu hút được nguồn vốn từ Saudi Arabia để phát triển hạ tầng giao thông. Tỉnh cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư từ Qatar.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định, Trung Đông - châu Phi là thị trường rất tiềm năng đối với Yên Bái nói riêng và các địa phương khác nói chung. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn thiếu thông tin về thị trường, sự kết nối, chia sẻ, hỗ trợ giữa các địa phương và doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, thực hiện giải pháp về thanh toán chưa thực sự phát huy hiệu quả.
“Với sự giúp đỡ và hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, với sự tăng cường kết nối giữa các Cơ quan đại diện của Việt Nam tại thị trường Trung Đông - châu Phi cùng các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện, chắc chắn các doanh nghiệp, các địa phương của Việt Nam, trong đó có Yên Bái, sẽ có nhiều cơ hội hơn để gia tăng hợp tác kinh tế trong quan hệ đối ngoại, đưa sản phẩm Việt Nam vào thị trường này, đồng thời thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư”, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhận định.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao
Trao đổi về những khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường Trung Đông - châu Phi, ông Nguyễn Trung Kiên cho rằng, Việt Nam và các nước khu vực này xa cách về mặt địa lý; các nước Trung Đông - châu Phi có hệ thống pháp luật, tình hình chính trị - xã hội rất khác biệt so với Việt Nam, và còn nhiều cản trở về ngôn ngữ, văn hoá, tập quán, đi kèm với bất ổn chính trị ở một số quốc gia.
Do đó, theo Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi của Bộ Ngoại giao, muốn thành công tại châu Phi, các doanh nghiệp cần trang bị kiến thức về tình hình quốc gia sở tại, nắm rõ hệ thống pháp luật, ngôn ngữ, tập quán kinh doanh. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần cải thiện năng lực để cạnh tranh với các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, châu Âu vốn đã có nhiều năm kinh doanh tại khu vực này.
Ông Kiên cũng chia sẻ, hiện Việt Nam mới có 8 cơ quan đại diện tại các nước Trung Đông - châu Phi, song không phải cơ quan nào cũng có đại diện thương vụ. Do đó, sự vươn xa của Việt Nam tại khu vực này là chưa nhiều, khiến các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại đây còn khó khăn. “Những chương trình như hội nghị lần này, với sự góp mặt của Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi tại Việt Nam, đại diện Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp để cùng tìm kiếm đối sách, mở rộng hợp tác kinh tế, giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn đến Trung Đông - châu Phi là rất ý nghĩa và thiết thực”, ông Nguyễn Trung Kiên khẳng định.
Ông Walubita Imakando - Đại sứ Zambia tại Malaysia kiêm nhiệm Việt Nam
Tại chương trình trực tuyến của TG&VN, Đại sứ Walubita Imakando chia sẻ, Việt Nam và Zambia có quan hệ song phương tốt đẹp trên nhiều mặt và đang ngày một phát triển nồng ấm. Tuy nhiên, hai bên đều mong muốn có thể phát triển mối quan hệ đó hiệu quả hơn nữa, trước hết là hướng tới đẩy mạnh quan hệ kinh tế song phương.
Đại sứ Walubita Imakando cho rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát đi nhiều tín hiệu tích cực, thể hiện bằng việc Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước khu vực Trung Đông - châu Phi. Bản thân Đại sứ Imakando cũng đã trao đổi với các Đại sứ khác trong khu vực và họ khẳng định sẵn sàng đáp lại sự tin tưởng và đồng hành của Việt Nam.
Đại sứ Imakando cũng cho biết, ông đã có buổi trao đổi riêng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam về hợp tác phát triển nông nghiệp bởi đối với Zambia, nông nghiệp cũng là một trong những lĩnh vực cần được đẩy mạnh.
Bà Nguyễn Thị Phấn - Giám đốc Công ty XNK Tổng hợp & Dịch vụ Fataco Bến Tre
Là một trong số các doanh nhân góp mặt tại chương trình trực tuyến, bà Nguyễn Thị Phấn cho biết sau 30 năm hoạt động, công ty Fataco với đội ngũ giáo sư, bác sĩ, tiến sĩ giàu kiến thức và kinh nghiệm đã nghiên cứu và phát triển thành công Thuốc cai nghiện ma tuý Bông Sen.
Hiện thuốc Bông Sen đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như Brazil, Ấn Độ, Thụy Sỹ, Lào, Campuchia và đặc biệt được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép để sử dụng tại thị trường này. Riêng tại Trung Đông - châu Phi, Bộ Y tế Nigeria đã cấp phép và nhập khẩu thuốc Bông Sen. Fataco Bến Tre đã ký hợp đồng với doanh nghiệp Nigeria độc quyền phân phối sản phẩm này cho cả thị trường châu Phi.