📞

Kinh tế thế giới nổi bật (23-29/2): Nga tăng trưởng mạnh mẽ, dân Đức ‘oằn lưng’ gánh chi phí nhiên liệu, Hong Kong sẵn sàng ‘cất cánh’ trở lại

Hải An 13:36 | 29/02/2024
Nga không sụp đổ mà tăng trưởng mạnh mẽ, chi phí nhiên liệu ở Đức tăng cao, Mỹ lạc quan, đợt suy giảm bất động sản toàn cầu sâu nhất trong một thập niên đã đến bước ngoặt thay đổi, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu có thể đã qua… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Năm 2023, kinh tế Nga đạt tốc độ tăng trưởng lên đến 3,6%, vượt mức trung bình trên thế giới. (Nguồn: Bloomberg)

Kinh tế thế giới

OECD: Giá bất động sản toàn cầu có dấu hiệu phục hồi

Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), giá bất động sản trên toàn cầu có dấu hiệu phục hồi. Điều này khiến các nhà kinh tế dự đoán rằng đợt suy giảm bất động sản sâu nhất trong một thập niên đã đến bước ngoặt thay đổi.

Tại 37 quốc gia thành viên OECD, trong quý III/2023, giá nhà danh nghĩa đã tăng 2,1% so với quý trước đó, trái ngược với mức gần như trì trệ vào đầu năm ngoái.

Nhà kinh tế Andrew Wishart tại Capital Economics nhận định, số liệu gần đây nhất cho thấy, giá nhà đã chạm đáy ở hầu hết các quốc gia. Giá nhà đã chịu ảnh hưởng vào cuối năm 2022 sau khi ngân hàng trung ương ở hầu hết các nền kinh tế tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ để kiềm chế lạm phát. Tại các nước OECD, giá nhà chỉ tăng 0,6% theo quý vào cuối năm 2022, tỷ lệ danh nghĩa thấp nhất kể từ năm 2012.

Tuy nhiên, tình trạng trên đã giảm bớt hoặc thậm chí đảo ngược ở nhiều nền kinh tế do kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm chi phí vay trong năm nay. Tình trạng thiếu bất động sản để bán cũng giúp thúc đẩy giá nhà tại OECD tăng trở lại trong quý gần nhất.

Chuyên gia kinh tế Tomasz Wieladek tại công ty đầu tư T Rowe Price, nhận định giá nhà gần chạm đáy ở nhiều khu vực và phục hồi ở nhiều nơi khác. Giá nhà đã tăng cao nhất ở Mỹ, nơi tăng trưởng kinh tế và việc làm vững chắc giúp giá nhà danh nghĩa tăng 5,2% trong năm tính đến tháng 11/2023.

Ngược lại, Đức, quốc gia rơi vào khủng hoảng kinh tế, đã chứng kiến giá nhà giảm 10,2% vào năm ngoái - mức tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) ngoại trừ Luxembourg.

Dữ liệu quốc gia cho thấy ở Australia và New Zealand, giá nhà đang tăng trở lại, trong khi tại Hàn Quốc, giá nhà đã ổn định sau khi chạm đáy vào giữa năm 2023. Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tại EU, giá nhà danh nghĩa tăng 0,8% trong ba tháng tính đến tháng Chín, đảo ngược mức giảm vào đầu năm.

Ông Sylvain Broyer, nhà kinh tế trưởng của EMEA tại S&P Global Ratings, cho rằng điều tồi tệ nhất của thị trường bất động sản châu Âu có thể đã qua đi.

Kinh tế Mỹ

* Hiệp hội Kinh tế thương mại quốc gia Mỹ (NABE) ngày 26/2 điều chỉnh nâng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới lên 2,2% trong năm 2024, cao hơn so với mức dự báo mà hiệp hội này đã đưa ra vào hai tháng trước.

Nhận định về tình hình kinh tế Mỹ trong năm nay, các nhà kinh tế học của NABE lạc quan mô tả “tăng trưởng sẽ nhanh hơn, lạm phát giảm và thị trường việc làm lành mạnh”.

Một cuộc khảo sát do kênh CBS News thực hiện vào đầu tháng 2 cho thấy, người dân Mỹ đánh giá nền kinh tế quốc gia đang ở trạng thái tốt nhất trong hơn hai năm nay. Mặc dù vậy, tâm lý chung vẫn nghiên về hướng tiêu cực nhiều hơn tích cực.

* Mỹ ngày 23/2 đã đưa 14 tàu chở dầu của Nga vào danh sách đen, trong nỗ lực nhằm cắt giảm nguồn thu dầu khí của nước này bằng cách áp dụng mức giá trần mà phương Tây đã đưa ra đối với dầu thô của xứ sở bạch dương sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tập đoàn vận tải biển hàng đầu của Nga Sovcomflot, cho công ty này 45 ngày để tháo dầu và dỡ các hàng hóa khác khỏi 14 tàu chở dầu của mình trước khi lệnh trên được thực thi.

Cùng ngày 23/2, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt trên diện rộng đối với Nga, nhằm vào hơn 500 cá nhân và tổ chức nhân cột mốc 2 năm xung đột Nga-Ukraine.

Kinh tế Trung Quốc

* Theo công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốctrong năm 2024 có khả năng chỉ bằng 50% của năm 2019, thời kỳ trước đại dịch Covid-19, do các lĩnh vực chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang phải vật lộn với khó khăn và triển vọng kém.

Eurasia Group ước tính, tăng trưởng nhu cầu dầu của quốc gia Đông Bắc Á vào khoảng từ 250.000-350.000 thùng/ngày, chưa bằng một nửa so với năm 2019 và thấp hơn nhiều so với con số 1 triệu thùng dầu/ngày trong giai đoạn 2015-2020.

* Sau giai đoạn dài trầm lắng do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nền kinh tế của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã tích hợp đầy đủ các yếu tố cần thiết để sẵn sàng “cất cánh” trở lại.

Theo số liệu thống kê của chính quyền Hong Kong, số lượng các công ty con, trực thuộc các tập đoàn lớn ở nước ngoài hoặc Trung Quốc đại lục đang hoạt động tại thị trường Hong Kong, đã tăng lên hơn 9.000 công ty trong năm 2023, tương đương với thời kỳ cao điểm trước khi đại dịch bùng phát.

Đáng chú ý, vào năm ngoái, Hong Kong đã có gần 4.300 công ty mới được thành lập, tăng khoảng 280 công ty so với năm 2022, thiết lập kỷ lục mới về số lượng các đơn vị đăng ký khởi nghiệp.

Kinh tế châu Âu

* Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị các nước thành viên EU tiếp tục hạn chế tiêu thụ khí đốt, nhưng nới lỏng chính sách khi cho phép hoàn toàn tự nguyện, một dấu hiệu tích cực cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng ở khu vực này có thể đã qua.

Theo đó, EC ngày 27/2 đã khuyến nghị các nước cần tiếp tục giảm mức tiêu thụ khí đốt 15% so với mức trung bình trong giai đoạn 2017-2022. Tuy nhiên, EC đã hủy bỏ yêu cầu bắt buộc như đã được nhất trí vào năm 2022.

* Các báo của tập đoàn truyền thông Funke, trích dẫn một nghiên cứu của cổng thông tin tiêu dùng Verivox, ngày 25/2 cho biết, người dân Đức hiện phải trả chi phí sưởi ấm, điện và nhiên liệu cao hơn gần 41% so với 3 năm trước.

Nghiên cứu cho thấy, nếu năm 2021, chi phí hằng năm của họ cho những mặt hàng này là 3.772 Euro (4.018 USD) thì nay, số tiền này tăng thêm 1.534 Euro (1.659 USD).

Hiện Đức không nhận được khí đốt qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc. Một trong hai nhánh của Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn có thể hoạt động song chưa được Đức chứng nhận nên không thể sử dụng được. Ngoài ra, Đức không trực tiếp mua dầu của Nga.

* Theo báo Les Echos, kinh tế Pháp sẽ phải tăng tốc trong nửa cuối năm để đạt được mức tăng trưởng GDP 1% trong cả năm như dự kiến mà Bộ Kinh tế và Tài chính nước này vừa đưa ra. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng, mục tiêu này sẽ khó đạt được.

Năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Bruno Le Maire vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng 1% bất chấp những dự báo bi quan hơn nhiều của các nhà kinh tế. Theo Viện thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE), kết quả cuối cùng, tăng trưởng GDP của Pháp trong năm này chỉ đạt 0,9%. Và một kịch bản tương tự dường như đang lặp lại.

Trong khi nước này vừa hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2024 từ 1,4% xuống 1%, các chuyên gia cho rằng con số này vẫn quá lạc quan. Sự đồng thuận của các nhà kinh tế là GDP của Pháp chỉ tăng 0,7% trong năm nay.

* Các nguồn thạo tin cho hay, Apple có thể phải chịu án phạt chống độc quyền lên tới 500 triệu Euro (543 triệu USD) do EU áp đặt vào tuần tới, sau phán quyết liên quan đến vụ kiện do công ty chuyên về dịch vụ phát nhạc trực tuyến Spotify đệ trình.

Tuy nhiên, thời điểm công bố án phạt và số tiền phạt cuối cùng có thể thay đổi tùy thuộc vào người đứng đầu cơ quan chống độc quyền của EU, bà Margrethe Vestager.

Apple đã từ chối đưa ra bình luận về thông tin trên.

* Hai năm sau khi hứng chịu các đợt trừng phạt chưa từng có từ phương Tây liên quan đến xung đột Nga-Ukraine (từ tháng 2/2022), nền kinh tế “xứ Bạch dương” không những không sụp đổ, mà ngược lại còn chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo hãng tin TASS, năm 2023, kinh tế Nga đạt tốc độ tăng trưởng lên đến 3,6%, vượt mức trung bình trên thế giới.

Trong báo cáo tháng Một, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng đáng kể dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong năm 2024 lên 2,6%, cao hơn mức 1,1% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 10/2023. Theo dữ liệu từ Nga, sau đợt suy thoái năm 2022, nền kinh tế nước này hiện đang tăng trưởng.

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Dữ liệu chính phủ công bố ngày 27/2 cho thấy, lạm phát lõi của Nhật Bản đã giảm xuống còn 2% trong tháng 1/2024, mức thấp nhất trong 22 tháng. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp lạm phát cơ bản của nước này giảm, phù hợp với mục tiêu ổn định giá cả của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).

Theo dữ liệu công bố ngày 27/2 của Bộ Nội vụ và Truyền thông, chỉ số giá tiêu dùng lõi, không bao gồm thực phẩm tươi sống, tăng 2% so với một năm trước đó, giảm so với mức tăng 2,3% trong tháng 12.

* Lượng khí đốt dự trữ của Nhật Bản đang cao vượt mức bình thường vào thời điểm này trong năm, như một phần của tình trạng dự trữ năng lượng cao trên toàn thế giới nhằm đối phó với giai đoạn giá tăng phi mã sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát hồi năm 2022.

Theo đó, lượng lưu trữ khí đốt của Nhật Bản lên tới 7,6 tỷ m3 tính tới cuối năm 2023, chỉ thấp hơn một chút so với cuối năm 2022. Con số nàycao hơn gần 1,7 tỷ m3 (tương đương 29%) so với mức trung bình theo mùa giai đoạn 10 năm từ 2012-2021.

* Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết, chính phủ nước này sẽ nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu chip và ô tô bằng cách đưa ra những hỗ trợ chính sách và tài chính nhằm đạt được kim ngạch xuất khẩu hàng năm là 700 tỷ USD.

Cụ thể, Seoul cam kết sẽ tăng khối lượng xuất khẩu chip, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế thứ tư châu Á lên 120 tỷ USD trong năm nay, tăng đáng kể từ mức 98,6 tỷ USD trong năm 2023. Bộ cũng đặt mục tiêu xuất khẩu ô tô đạt 75 tỷ USD hằng năm, tăng so với mức 70,8 tỷ USD của năm trước đó.

* Ngày 28/2, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc (MOEL) đã tiến hành thảo luận với nhiều bộ, nhóm ngành và 17 tỉnh, thành phố để tìm cách hòa nhập người lao động nước ngoài vào các lĩnh vực khác nhau và tăng cường cơ chế hỗ trợ cho họ.

Sáng kiến này sẽ bắt đầu trên cơ sở thử nghiệm, đặc biệt nhắm tới vai trò trợ lý trong các nhà hàng Hàn Quốc đã hoạt động được hơn 5-7 năm. Người lao động nước ngoài cũng có thể được tuyển dụng làm người dọn dẹp hoặc phụ bếp trong các khách sạn và căn hộ ở 4 khu vực – Seoul, Busan, Đảo Jeju và tỉnh Gangwon.

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục gia tăng, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nhanh chóng nổi lên trở thành cơ sở sản xuất toàn cầu và thị trường xuất khẩu quan trọng của Hàn Quốc.

Báo cáo triển vọng kinh tế, do Ngân hàng trung ương Hàn Quốc phát hành, có tiêu đề “Đặc điểm xuất khẩu và triển vọng tương lai của Hàn Quốc”, đánh giá 5 nền kinh tế thuộc khu vực Đông Nam Á (gọi tắt là ASEAN 5) gồm Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan hiện có tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa của Hàn Quốc lớn nhất trong số 10 nước thành viên Hiệp hội.

Quy mô thặng dư thương mại giữa Hàn Quốc với ASEAN 5 đã vượt xa quy mô thặng dư với Trung Quốc, tính từ năm 2019. Cùng với đó, trong năm 2023, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc vào khu vực này đã tăng lên vị trí thứ hai chỉ sau Mỹ. Điều này cho thấy tầm quan trọng về thương mại ngày càng gia tăng của khu vực đối với Hàn Quốc.

* Indonesia đặt mục tiêu giảm chi phí hậu cần quốc gia, từ mức tương đương 14,29% GDP hồi năm 2022 xuống 8% vào năm 2045.

Để tăng hiệu quả của dịch vụ hậu cần quốc gia, Indonesia đã thực hiện các quy định bao gồm thành lập Hệ sinh thái hậu cần quốc gia (NLE) nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong hệ thống thông tin giữa các cơ quan chính phủ và các công ty. Nhìn chung, đến nay NLE đã đạt được tiến bộ tốt.

* Thống đốc Ngân hàng trung ương Malaysia Abdul Rasheed Ghaffour vừa cho biết, đồng nội tệ Ringgit (RM) của nước này đang bị định giá thấp nhưng dự kiến sẽ giao dịch cao hơn nhờ triển vọng kinh tế tích cực. Ngày 20/2 ghi nhận đồng Ringgit chạm mức thấp nhất trong 26 năm qua khi giao dịch ở mức 4,8 RM đổi 1 USD.

Tính đến thời điểm hiện tại, đồng Ringgit đã mất gần 4% giá trị xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/1998.