📞

Kon Tum: Xã biên giới Ia Đal lãnh đạo phát triển kinh tế, tạo 'đòn bẩy' xây dựng nông thôn mới

Nguyễn Văn Chiến 17:35 | 15/03/2024
Cùng với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, Đảng bộ xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum chú trọng lãnh đạo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ đó, diện mạo nông thôn vùng biên giới ngày càng đổi mới, đời sống của người dân được cải thiện, góp phần bảo vệ vững chắc 47,5 km đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia.

Lãnh đạo xã biên giới Ia Đal nhận quyết định đạt chuẩn nông thôn mới. (Ảnh: Nguyễn Văn Chiến)

Đảng bộ xã Ia Đal có 14 chi bộ trực thuộc với 98 đảng viên. Hằng năm, Đảng ủy xã đề ra nghị quyết về phát triển kinh tế, tập trung khai thác tiềm năng, tạo sức mạnh nội lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, gắn với bảo vệ và phát triển rừng; tích cực vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Dẫn chúng tôi tới thăm mô hình nuôi gà dược liệu của Hợp tác xã Hợp Tiến ở thôn 3, đồng chí Trịnh Quốc Hoàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Đal giới thiệu: Nuôi gà dược liệu trên địa bàn xã phát triển nhanh, gà mạnh khỏe, đến khi xuất chuồng mỗi con có trọng lượng từ 3-3,5kg, giá bán khoảng 120.000 đồng/kg. Còn ông Lê Văn Hào - Giám đốc Hợp tác xã cho biết, dược liệu chủ yếu là cây sả, cây nghệ… sau khi thu hoạch sẽ lấy lá, thân rồi xay nhuyễn như cám và trộn hỗn hợp với nhau làm thức ăn cho gà.

Theo mô hình này, trồng dược liệu không chỉ để làm thức ăn nuôi gà mà còn giúp người dân có thêm một khoản thu nhập từ việc bán thân, củ dược liệu. Như với cây sả, ngoài làm thức ăn cho gà, còn được nấu thành tinh dầu, pha trộn với nước cho gà uống để tăng sức đề kháng. Mỗi héc ta sả cho thu hoạch khoảng 30 tấn thân sả; mỗi tháng, Hợp tác xã bán ra thị trường từ 25-30 lít tinh dầu sả. Còn cây nghệ, ngoài việc lấy thân, lá làm thức ăn cho gà, củ được chế biến thành tinh bột nghệ. Bình quân mỗi héc ta nghệ cho khoảng 30 tấn củ. Các loại dược liệu khác cũng tương tự, ngoài chế biến thức ăn cho gà, còn chế biến các sản phẩm phụ, tùy theo từng loại mà có quy trình chế biến khác nhau.

Cùng với nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trung tâm, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Ia Đal lần thứ III (nhiệm kỳ 2020-2025) với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận trong Nhân dân, kinh tế - xã hội của xã tiếp tục ổn định và phát triển tích cực, đúng hướng.

Người dân xã Ia Đal chung tay xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Nguyễn Văn Chiến)

Ông Lê Văn Liện, Thôn trưởng thôn Ia Đal cho biết, năm 2023, thôn được chọn làm điểm cấp huyện về xây dựng nông thôn mới và đã cơ bản hoàn thành. Bà con không chỉ tham gia hiến đất làm đường mà còn tích cực xây dựng, cải tạo vườn, trồng hoa cây cảnh trước nhà, tạo nên cảnh quan môi trường luôn xanh, sạch, đẹp. Thôn hiện có 175 hộ, 536 nhân khẩu, gồm 8 dân tộc anh em cùng sinh sống, bà con quyết tâm xây dựng thôn Ia Đal giàu về kinh tế, vững mạnh về an ninh, chính trị, ông Liện khẳng định.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã, tổng diện tích cây trồng hằng năm của xã là 1.195 ha, chủ yếu là cao su, cà phê, điều, bí… Tổng đàn gia súc là 3.522 con, đàn gia cầm trên 23.000 con. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên 20 ha, sản lượng đạt khoảng 75 tấn mỗi năm.

Trên địa bàn xã có 5 hợp tác xã, gồm 48 thành viên đang hoạt động khá hiệu quả, chủ yếu tập trung sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, bò, dê, hươu… Tiêu biểu như Hợp tác xã Minh Phúc, Hợp Tiến đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Ngoài ra, nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả như ông Lê Văn Bình, Mai Văn Thu ở thôn 7, bà con trồng cam, vú sữa Hoàng Kim... thu nhập khá, tạo dựng mô hình, dẫn dắt người dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Thu nhập bình quân đầu người của xã Ia Đal hiện đạt khoảng 43,8 triệu đồng/người/năm.

Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15) phối hợp với Đồn Biên phòng giúp Nhân dân xã Ia Đal thu hoạch vụ lúa. (Ảnh: Nguyễn Văn Chiến)

Dấu ấn nổi bật trong năm 2023 là nhờ sự đồng thuận của người dân và sự quan tâm, hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp, 11/11 thôn trên địa bàn xã đã lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trên đường trục chính và một số đường ngõ xóm, điểm công cộng. Một số thôn như Ia Đal, 3, 4, Chư Hem còn có hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, tạo diện mạo sáng đẹp, tươi mới trên vùng quê biên giới vốn thâm trầm, đìu hiu ngày trước.

Đồng chí Nguyễn Vĩnh Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Thời gian tới, Đảng bộ xã Ia Đal tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.