Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân chụp ảnh cùng Quốc vụ khanh Marlène Schiappa, nữ diễn viên người Anh Emma Watson và các đại biểu sau cuộc họp về bình đẳng giới tại Điện Elysee ở Paris vào ngày 19/2/2019. (Nguồn: AFP) |
Nhân dịp Ngày quốc tế Phụ nữ 2022, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã có bài xã luận nhấn mạnh sự cần thiết của bình đẳng giới trong mọi khía cạnh của xã hội trên khắp thế giới. Mở đầu, ông viết: “Các cuộc khủng hoảng chồng chất trong những năm gần đây đã nêu bật vai trò lãnh đạo của phụ nữ quan trọng hơn bao giờ hết”.
Bình đẳng giới là quyền cơ bản của con người. Thúc đẩy bình đẳng giới có vai trò quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực của một xã hội phát triển.
Tại sao bình đẳng giới lại quan trọng?
Phụ nữ và trẻ em gái đại diện cho một nửa dân số thế giới, do đó cũng là một nửa nhân tố tạo nên tiềm năng phát triển. Dù vậy, tình trạng bất bình đẳng giới ngày nay vẫn tồn tại ở khắp mọi nơi và làm trì trệ sự tiến bộ xã hội.
Phụ nữ vẫn không được đại diện ở tất cả các cấp lãnh đạo chính trị. Trên toàn thế giới, phụ nữ và trẻ em gái chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với nam giới khi phải làm những công việc nội trợ không lương. Những bất bình đẳng mà trẻ em gái phải đối mặt có thể bắt đầu ngay từ khi mới sinh ra và mang theo suốt cuộc đời.
Ở một số quốc gia, trẻ em gái không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc chế độ dinh dưỡng hợp lý, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn.
Vào năm 2020, phụ nữ chỉ đại diện cho 25% thành viên trong các nghị viện quốc gia và 36% trong các chính quyền địa phương.
Tỷ lệ nữ trong lĩnh vực ngoại giao, đặc biệt là nữ đại sứ, lại thấp hơn.
Theo báo cáo từ Học viện Ngoại giao Anwar Gargash, các nước Bắc Âu có tỷ lệ nữ đại sứ cao nhất thế giới với 40,6%, còn Liên minh châu Âu có tỷ lệ 23,4%. Trong khi đó, tỷ lệ ở các quốc gia Arab vùng Vịnh chỉ 4,8% còn khu vực châu Á là 12,9%.
Mục tiêu về bình đẳng giới
Tất cả những điều này là minh chứng xác thực nhất tại sao chúng ta cần bình đẳng giới. Liên hợp quốc đang nỗ lực để đạt được điều này, ví dụ như thông qua Mục tiêu phát triển bền vững số 5.
Mục tiêu này có tên là Bình đẳng giới, đề cập việc chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đảm bảo sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của phụ nữ và cơ hội bình đẳng cho họ để lãnh đạo, đồng thời thông qua và củng cố các chính sách và cơ sở pháp lý mạnh mẽ để thúc đẩy bình đẳng giới.
Để đạt được Mục tiêu 5, đòi hỏi các quốc gia phải có hành động chung để mang lại cho phụ nữ và trẻ em gái các quyền và cơ hội bình đẳng, thông qua các khuôn khổ thể chế và luật pháp.
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ song vẫn còn một chặng đường rất dài mới đạt được các mục tiêu đến năm 2030. Do đó, điều cần thiết là phải hành động ngay hôm nay.
Ngoại giao nữ quyền
Ngoại giao nữ quyền, hay chính sách ngoại giao nữ quyền, là một khái niệm do cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallström đưa ra vào năm 2014.
Ngoại giao nữ quyền là một phân khúc của viện trợ phát triển, nơi mà tài chính có thể thúc đẩy các ý tưởng và hành động để đạt được bình đẳng giới thông qua quan hệ ngoại giao.
Các mục tiêu của chính sách ngoại giao nữ quyền bao gồm đấu tranh chống bạo lực tình dục, giải phóng kinh tế cho phụ nữ, giáo dục phụ nữ và trẻ em gái cũng như của nam giới và trẻ em trai.
Hơn nữa, các mục tiêu cũng tập trung vào phụ nữ trong vai trò lãnh đạo và nỗ lực để phụ nữ tham gia chính trường và ra quyết định, cũng như trở thành một phần của các cuộc đàm phán và hiệp ước hòa bình.
Trên thực tế, tình hình vẫn còn nghiêm trọng, vì vậy các quốc gia và tổ chức cần phải giải quyết triệt để và đưa ra các chính sách tập trung trực tiếp vào các chính sách đối ngoại vì nữ quyền. Một số quốc gia đã và đang nỗ lực hướng tới một cuộc sống bình đẳng hơn hàng ngày.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallström là người đưa ra khái niệm ngoại giao nữ quyền. |
Thụy Điển
Thụy Điển là quốc gia đầu tiên áp dụng ngoại giao nữ quyền dựa trên ba trụ cột: quyền của phụ nữ, quyền đại diện của phụ nữ và phân bổ nguồn lực để đảm bảo bình đẳng giới.
Vào năm 2015, bà Margot Wallström đã lên án việc đối xử với phụ nữ ở các quốc gia Arab trong Vịnh Ba Tư, dẫn đến việc đình chỉ quan hệ ngoại giao giữa Thụy Điển và Saudi Arabia.
Trong lĩnh vực ngoại giao, năm 2017, 40% đại sứ Thụy Điển là phụ nữ, tăng rõ rệt so với 20 năm trước đó khi chỉ có 10% là nữ giới. Năm 2021, tỷ lệ này tăng lên 48%, khiến Thụy Điển có tỷ lệ nữ đại sứ cao nhất thế giới.
Vào tháng 8/2018, Thụy Điển đã giới thiệu “Sổ tay ngoại giao nữ quyền” để chia sẻ các bài học trong chính sách đối ngoại của nước này về quyền của phụ nữ.
Pháp
Vào tháng 3/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Yves Le Drian và Quốc vụ khanh Marlène Schiappa đã xuất bản một bài báo có tên “Vì một nền ngoại giao nữ quyền” trên tạp chí Libération của Pháp.
Các tác giả viết: “Trong năm qua, Pháp đã dẫn đầu một bước đà mới: chính sách ngoại giao nữ quyền chân chính. Một nền ngoại giao nữ quyền không làm ngơ bất kỳ chủ đề nào. Một hoạt động ngoại giao nhằm chống lại bạo lực tình dục và giới. Một nền ngoại giao nhằm giáo dục trẻ em gái và phụ nữ, trẻ em trai và đàn ông, ở mọi nơi trên thế giới”.
Bài báo kết thúc với lời khẳng định “Nước Pháp đã trở lại cùng với nữ quyền”. Vài tháng sau đó, Pháp đã lặp lại tuyên bố này tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz, Pháp.
Vào tháng 8/2019, Pháp giữ chức Chủ tịch tại Hội nghị thượng đỉnh G7 và công bố kế hoạch chống bất bình đẳng. Pháp đã thành lập Hội đồng tư vấn về bình đẳng giới với những nhân vật nổi bật như nữ diễn viên Emma Watson, nhà hoạt động người Ukraine Inna Shevchenko, nhà tiểu luận Caroline Fourest, người đoạt giải Nobel Nadia Murad và Denis Mukwege.
Hội đồng đã tập hợp 79 khuyến nghị lập pháp, tập trung vào các khuyến nghị khác về nghỉ phép sau sinh của cha mẹ, bạo lực gia đình và giáo dục.
Củng cố nền dân chủ
Các quốc gia khác như Canada, Mỹ và Mexico cũng đang làm việc với khái niệm ngoại giao nữ quyền. Nhưng để đạt được Mục tiêu 5, tất cả các quốc gia phải nỗ lực và làm việc với quyết tâm cao trong việc thúc đẩy cân bằng giới.
Kết thúc bài báo, ông Guterres viết: “Trong những xã hội mà các phong trào đấu tranh vì quyền của phụ nữ đang sôi nổi, thì các nền dân chủ mạnh hơn”.
Ngoại giao nữ quyền là một cách tiếp cận khác để đạt được bình đẳng giới so với những gì chúng ta đã thấy trước đây.
Với việc tập trung vào các mô hình mới về chính sách công nhằm trao quyền cho phụ nữ trong chính sách quốc tế, nâng cao cơ hội của phụ nữ và trẻ em gái trong giáo dục và giải phóng kinh tế, ngoại giao nữ quyền có thể là giải pháp hiệu quả để đạt được Mục tiêu 5 về bình đẳng giới.
Điều quan trọng nữa là ngoại giao nữ quyền không chỉ quan tâm đến phụ nữ và trẻ em gái mà còn xoay quanh việc làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn và duy trì các nền dân chủ an toàn.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, khi phụ nữ tham gia quá trình xây dựng hòa bình toàn cầu, kết quả thỏa thuận có khả năng kéo dài 15 năm cao hơn 35%.
Vì vậy, chúng ta cần đoàn kết và làm việc chăm chỉ hơn nữa vì một ngày mai tốt đẹp hơn, hòa bình và thịnh vượng hơn với sự tham gia của nhiều phụ nữ trên nhiều lĩnh vực.
| Ngoại giao Mông Cổ: Cú chuyển mình lịch sử trong thúc đẩy bình đẳng giới Mông Cổ đã có bước tiến lớn trong việc đa dạng hóa lực lượng lao động của ngành ngoại giao với việc bổ nhiệm nhiều ... |
| Phụ nữ Việt Nam không ngừng đấu tranh bảo vệ quyền bình đẳng giới Việc sử dụng khái niệm “phái yếu” không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới, đã bỏ qua giá trị, ... |