Các đại biểu dự phiên khai mạc Đối thoại Biển lần thứ 8 với chủ đề 'Kỷ niệm 40 năm UNCLOS: thúc đẩy hợp tác biển ở Đông Nam Á' . (Ảnh: Quang Hòa) |
Đối thoại Biển lần thứ 8 với chủ đề “Kỷ niệm 40 năm UNCLOS: thúc đẩy hợp tác biển ở Đông Nam Á” do Học viện Ngoại giao, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung đồng tổ chức với sự tham gia đông đảo của hơn 150 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 100 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến; trong đó có 15 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện từ Liên Hợp Quốc, đại diện của trên 20 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có 3 Đại sứ và gần 50 đại biểu, cùng hơn 20 hãng thông tấn, truyền hình đã đăng ký tham gia đưa tin về Đối thoại.
Phát biểu chào mừng tại Đối thoại, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, việc thông qua Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển cách đây 40 năm là một dấu mốc lịch sử trong quá trình phát triển của luật biển quốc tế.
Lần đầu tiên, một khung pháp lý toàn diện, một bản “hiến pháp” của các đại dương được thiết lập. Kể từ đó, Công ước Luật Biển đã chứng minh được giá trị phổ quát và được kết tinh thành luật tập quán quốc tế.
Cho đến nay, Công ước tiếp tục đóng vai trò nền tảng trong sự phát triển luật biển quốc tế, và trong thúc đẩy hòa bình, an ninh, hợp tác giữa các quốc gia và sự phát triển bền vững của các đại dương và biển cả.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu khai mạc Đối thoại Biển lần thứ 8. (Ảnh: Quang Hòa) |
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định, trong 40 năm qua, trật tự pháp lý được thiết lập theo Công ước Luật biển đã góp phần lớn trong duy trì hòa bình và ổn định quốc tế. Việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế theo đó cũng được đẩy mạnh.
Trước những thách thức trên biển ngày càng nhiều, cộng đồng quốc tế cần duy trì thượng tôn pháp luật và tuân thủ một cách thiện chí các nghĩa vụ pháp lý theo Công ước, đặc biệt là trong việc đưa ra các yêu sách và tiến hành các hoạt động trên biển. Các quốc gia cần thúc đẩy hợp tác ở cấp độ quốc tế và khu vực để bảo tồn và sử dụng bền vững các biển và đại dương, đồng thời đảm bảo quyền tự do hàng hải và các hoạt động hàng hải hợp pháp.
Năm 2021, Việt Nam vinh dự là một trong 12 nước sáng lập Nhóm bạn bè của UNCLOS tại Liên hợp quốc và cam kết tuân thủ và thúc đẩy Công ước Luật Biển, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nêu lại kỳ vọng rằng Nhóm sẽ góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết về Công ước, chia sẻ các thông lệ tốt trong việc áp dụng Công ước để phân định biển, giải quyết hòa bình các tranh chấp và quản lý đại dương, qua đó hỗ trợ việc thực hiện Công ước và đáp ứng lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Đối với khu vực, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh việc áp dụng các giá trị phổ quát UNCLOS để thúc đẩy hợp tác trên cơ sở tôn trọng các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các quốc gia ven biển cũng như các quốc gia không có biển, giữa các quốc gia là thành viên cũng như chưa phải là thành viên của UNCLOS nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, thúc đẩy quản lý bền vững Biển Đông.
Để đạt được mục tiêu này, các quốc gia cần nỗ lực tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển; nâng cao lòng tin, tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc leo thang căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời, tuân thủ Công ước trong việc xác định các yêu sách trên biển và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Các đại biểu tham dự khai mạc Đối thoại Biển lần thứ 8. (Ảnh: Quang Hòa) |
Tại phiên khai mạc Đối thoại Biển lần thứ 8, cựu Thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế Rüdiger Wolfrum (người Đức) đã có bài phát biểu dẫn đề quan trọng dịp kỷ niệm 40 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Ông đã nhắc lại và nhấn mạnh vai trò cơ bản của Công ước đối với sự phát triển của luật biển quốc tế và thúc đẩy hòa bình, an ninh, hợp tác giữa các quốc gia, và sự phát triển bền vững của biển và đại dương.
Cựu Thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế cho rằng, các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế được thiết lập theo Công ước đã tạo ra những sự bình đẳng, khách quan, giúp các quốc gia lớn và nhỏ trên thế giới giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.
Ông Rüdiger Wolfrum cũng khẳng định Công ước Luật biển cần được áp dụng một cách toàn diện, không nên tách rời mà cần gắn liền giữa cơ chế giải quyết tranh chấp với tất cả các quy định pháp lý của UNCLOS và luật pháp quốc tế. Phán quyết của các Tòa án quốc tế không chỉ thuần tuý ràng buộc với các bên tham gia tranh chấp mà còn là cơ sở cho hợp tác chung, có tác động tới khu vực và cộng đồng quốc tế.
Đã qua 40 năm kể từ khi Công ước Luật biển ra đời, thế giới đang đứng trước những thách thức mới như vấn đề mực nước biển dâng, đánh bắt quá mức… Cựu Thẩm phán đánh giá Công ước Luật Biển đã là một cơ chế tiên tiến so với các cơ chế truyền thống, song Công ước sẽ tiếp tục được cải thiện để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới trong thời gian tới.
Đối thoại Biển lần thứ 8 diễn ra vào ngày 29/6 tập trung vào Luật biển Quốc tế và các khía cạnh và khả năng hợp tác tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm 4 phiên với các chủ đề: (i) UNCLOS và khu vực Đông Nam Á: Các chủ đề chưa được nghiên cứu đầy đủ; (ii) Giảm thiểu khí thải từ các hoạt động vận tải; (iii) Nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia ở các vùng biển nửa kín: Khía cạnh pháp lý, thực tiễn quốc gia, và tương lai phía trước; (iv) Bảo tồn và sử dụng bền vững các khu vực đa dạng sinh học ngoài quyền tài phán quốc gia.
| Đối thoại Biển lần thứ 7: Cần duy trì trật tự dựa trên luật lệ, ASEAN nên đồng thuận về các quyền đi lại Ngày 19/8, Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Anh quốc và Quỹ Kondras Adenauer Stiftung (KAS) Đức tại Hà ... |
| Đối thoại biển Phát triển biển bền vững: Chia sẻ quan điểm của Việt Nam và EU TGVN. Ngày 19/8, Học viện Ngoại giao cùng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Hà Nội và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đã ... |