Ký ức của nhà văn Việt Nam về chuyện làm sách ở Mỹ

Hồ Anh Thái
Đã hơn hai mươi năm qua đi, kỷ niệm về việc hợp tác làm tuyển tập truyện ngắn Việt Nam với các nhà văn và nhà xuất bản Mỹ vẫn còn sống động trong ký ức của nhiều nhà văn Việt Nam.
Theo dõi Baoquocte.vn trên

Tình yêu sau chiến tranh – Văn xuôi Việt Nam đương đại (Love after War: Contemporary Fiction from Vietnam) do nhà xuất bản Curbstone Press ở Mỹ ấn hành năm 2003. Cho đến nay, đây vẫn là tuyển tập dày dặn nhất xuất bản ở Âu-Mỹ, dày 650 trang khổ lớn, tập hợp truyện ngắn của 45 tác giả Việt Nam.

Ký ức của nhà văn Việt Nam về chuyện làm sách ở Mỹ
Hai nhà văn Hồ Anh Thái và Wayne Karlin ở Maryland, trong thời gian làm tuyển tập "Tình yêu sau chiến tranh".
Tin liên quan
Tấm lòng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á dành cho người dân thôn Làng Nủ Tấm lòng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á dành cho người dân thôn Làng Nủ

Bộ tuyển tập dày dặn nhất

Một tuyển tập lớn như Tình yêu sau chiến tranh chỉ có thể được xuất bản ở một số nước Đông Âu trước năm 1990 vì tình hữu nghị, chứ ở phương Tây thì chưa thấy.

Người đọc nước ngoài sẽ gặp ở đây các thế hệ nhà văn Việt Nam, từ Tô Hoài sang Chu Văn, Nguyễn Minh Châu, Trang Thế Hy, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Vũ Bão đến Nguyễn Quang Thân, Lê Văn Thảo tới Nguyễn Huy Thiệp, Đoàn Lê, Hồ Anh Thái, Phạm Thị Hoài, Trần Thùy Mai, Ngô Thị Kim Cúc, Dạ Ngân, rồi Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Triều Hải cho đến Nguyễn Ngọc Tư. Có nhà văn đã khuất và người đang sung sức, có nhà văn của các vùng miền, có cả nhiều gương mặt nhà văn nữ tiêu biểu.

Là đồng chủ biên của tuyển tập này, nhà văn Mỹ Wayne Karlin và tôi đã phải viết giới thiệu gần 100 truyện ngắn Việt Nam để cuối cùng nhà xuất bản chọn lấy một nửa trong số đó. Cũng đành phải bằng lòng với sự phán quyết của nhà xuất bản, người bắt mạch được gu của người đọc Mỹ.

Chúng tôi tổ chức toàn bộ truyện ngắn vào năm phần sao cho cấu trúc liên hoàn này khiến độc giả có thể đọc từ đầu đến cuối, tuần tự như một cuốn tiểu thuyết, hình dung ra một phần đời sống xã hội Việt Nam, phần nào tâm lý con người và tâm trạng thời ta đang sống. Có thể là ít nhiều diện mạo văn chương Việt Nam từ sau chiến tranh nữa.

Bộ sách văn chương Việt Nam và một nhà văn Mỹ

Người đứng tên chủ biên bộ sách Những tiếng nói từ Việt Nam của nhà xuất bản Curbstone Press là nhà văn Wayne Karlin. Ông tham gia dịch, hiệu đính và trau chuốt tất cả các bản dịch sách Việt Nam: hợp tuyển truyện ngắn hậu chiến của các nhà văn Việt Nam và Mỹ mang tên Phía bên kia góc trời (The Other Side of Heaven). Nhân tiện xin nói, chữ heaven ở đây không phải là thiên đường như có người dịch, mà có nghĩa là bầu trời.

Ký ức của nhà văn Việt Nam về chuyện làm sách ở Mỹ
Bìa sách "Tình yêu sau chiến tranh"

Việt Nam và Mỹ ở tận hai góc trời, giờ đây cần bắc một nhịp cầu hòa giải bằng văn chương nối liền hai góc trời xa xôi ấy.

Đó là ý tưởng của Wayne Karlin khi làm cuốn sách được Hội Các nhà phê bình Văn học Mỹ bầu chọn là cuốn hợp tuyển hay nhất của năm 1995.

Ông đã cộng tác với nhiều dịch giả người Việt và người Mỹ để cho ra những bản dịch Ngược dòng nước lũ của Ma Văn Kháng, Những ngôi sao, trái đất, dòng sông của Lê Minh Khuê, Thời gian của người của Nguyễn Khải, Trong sương hồng hiện ra Người đàn bà trên đảo của Hồ Anh Thái, Sang sông của Nguyễn Huy Thiệp, Gia đình bé mọn của Dạ Ngân, Nghĩa địa xóm Chùa của Đoàn Lê…

Năm 1998, sau khi xuất bản sách của nhà văn Lê Minh Khuê và của Hồ Anh Thái, NXB Curbstone Press mời chúng tôi làm cố vấn biên tập cho bộ sách Những tiếng nói từ Việt Nam (Voices from Vietnam), bộ sách kéo dài hơn mười năm với những cuốn sách nêu ở trên.

Tuy nhiên thời gian chủ yếu dành cho việc sáng tác, chúng tôi lượng sức khó theo cho hết bộ sách còn kéo dài.

Chính vì vậy, Wayne Karlin và tôi đề xuất nhà xuất bản làm một tuyển tập, cố gắng giới thiệu càng nhiều càng tốt tác giả Việt Nam trong đó, coi như một sự hoàn tất, trước khi rút về viết sách của mình.

Còn nhiều tác phẩm chúng tôi đã giới thiệu nhưng không được NXB chấp nhận, kể cũng đáng tiếc. Tuy vậy nói cho cùng đây chỉ là nỗ lực của cá nhân những người làm sách, trong khi chưa có một công trình cấp nhà nước cho việc đối ngoại bằng văn chương.

Trước khi kể về Wayne Karlin ở khía cạnh một người dịch sách và hiệu đính có nghề, xin giới thiệu đôi nét về sự nghiệp văn chương của ông.

Wayne Karlin là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết gây dư luận như Đường cắt, Cho chúng ta, Vai phụ, Những người tù, Tiếng đồn và bia mộ, Xứ sở ao ước, Genizah, trong đó Những linh hồn phiêu dạt đã được dịch ra tiếng Việt, kể về việc tác giả đã kết nối để đưa kỷ vật một chiến sĩ về với gia đình ở Việt Nam – anh đã hy sinh khi đối đầu với một người lính Mỹ…

Wayne Karlin đã đoạt một số giải thưởng văn học có uy tín của Mỹ. Ông là nhà văn có văn phong đẹp, ngôn ngữ chắt lọc và giàu nhạc điệu.

Thời báo New York, một tờ báo được tiếng là có gu khi ấy, đã hạ một lời khen những cuốn sách Việt Nam kể trên “được dịch bằng một thứ ngôn ngữ tiếng Anh hạng nhất” (first-rate English language). Công này chủ yếu là của Wayne Karlin.

Hợp tác giữa những đồng chủ biên

Tôi trực tiếp dịch một nửa trong số gần 50 truyện ngắn của tuyển tập, nhưng với tư cách chủ biên, cả Wayne Karlin và tôi đều phải vất vả nhiều với toàn bộ tập sách.

Trong quá trình cùng nhau dịch, không thể nhớ hết những lần tranh luận. Chúng tôi đều cầu toàn và tất nhiên tranh luận phát sinh cũng vì độ chênh giữa hai ngôn ngữ vốn sẵn có nhiều điểm khác biệt, giữa lối tư duy của hai dân tộc cũng rất nhiều khác biệt.

Chẳng hạn ở đầu truyện Cô gái đầm sen, nhà văn Nguyễn Phan Hách viết: “Một lần về quê, tránh nắng, anh khởi hành đi bộ từ sáng tinh mơ… Sương sớm mù mịt. Gió nhẹ hây hây đem theo mùi sen thơm ngát. Đang đi trong ánh trăng mờ, Tuệ thấy một cô gái từ đầm sen bên đường bước lên…”.

Người đọc Việt Nam dễ dàng xác định được thời gian của câu chuyện này: đó là lúc sáng sớm, trời còn mờ tối, còn sương và còn trăng. Nhưng Wayne Karlin đã thêm vào đây hai chữ xác định thời gian: That night (đêm ấy).

Tôi không đồng ý, trong nguyên bản là sáng sớm, làm sao có thể đổi thành đêm được? Wayne Karlin cũng giữ ý kiến của ông, độc giả Mỹ sẽ không sao hình dung nổi là early in the morning (sáng sớm) lại có thể xảy ra câu chuyện trong sương mù, trong ánh trăng và trên trời còn sao.

Tranh luận mãi, cuối cùng tôi nhượng bộ. Lý do: bản tiếng Anh là dành cho độc giả Mỹ, những người vốn duy lý, đòi hỏi sự chính xác về không gian, thời gian, về sự sở hữu… chứ không chấp nhận sự mập mờ thấp thoáng. Tất nhiên đây là do hai cách tư duy và tiếp nhận khác nhau, còn trên thực tế khoảng ba bốn giờ sáng như thế, bên này có thể gọi là sớm hôm ấy, bên kia lại gọi là đêm ấy thôi mà.

Sang đến truyện Lúa hát của Võ Thị Xuân Hà, đúng là tư duy chính xác của người Mỹ cũng khiến ta phải lưu ý. Tác giả viết rằng ở làng ấy có tục làm lễ rước muối quanh cánh đồng, rồi người ta rắc muối vào bếp, lấy tro bón ruộng cho lúa xanh.

Wayne Karlin giật mình: người Mỹ tin rằng đất mặn là đất xấu, không trồng trọt được, đọc thế ai mà tin nổi? Tôi điện thoại hỏi tác giả, chị bảo đó chẳng qua là tín ngưỡng của làng, như là làm phép, người ta đâu có đổ muối xuống ruộng làm cho đất mặn. Đoạn này cũng không thể lược đi, người dịch phải trung thành. Rốt cuộc hai người dịch chúng tôi chấp nhận đặt thêm cái chú thích về lễ rước muối như một tín ngưỡng, bằng cách ấy hạn chế được phản ứng của người đọc bản tiếng Anh.

Cũng vẫn ở truyện này, Wayne Karlin bàn, cái tít Lúa hát có thể gây hiệu quả trong tiếng Việt, nhưng trong tiếng Anh nó véo von văn vẻ và quá nhẹ. Ông đề nghị đổi tên truyện gây ấn tượng hơn cho người đọc Mỹ: Lúa và muối (Rice and Salt).

Còn ở truyện Cầu thang, Nguyễn Thị Thu Huệ vẽ ra khung cảnh một cái ngõ Hà Nội mà chúng ta đều dễ hình dung: “Đầu ngõ là một hàng phở. Họ bán chui bán lủi nên phải giấu mỗi nơi một thứ. Bánh phở thì treo lủng lẳng ở giữa ngõ. Cuối ngõ thì có hai chậu bát lình sình nước và những chiếc bát nổi cùng hành ớt và váng mỡ”. Nhưng một người ngồi tít ở bang Maryland bên Mỹ, dù đã sang Hà Nội nhiều lần cũng khó hình dung ra.

Ông hỏi tôi: chủ hàng phở là người trong cái ngõ ấy hay sao mà ông ta được chiếm chỗ để bán hàng? Và ông ta treo bánh phở lên ngõ bằng cách nào? Người Mỹ không thể tưởng tượng được sự chiếm dụng một cái ngõ chung, cản trở mọi người qua lại, cũng không hiểu được cách người ta chỉ kinh doanh một thời điểm nào đó trong ngày thì để thực phẩm vào đâu?

Tôi giải thích rằng chủ hiệu phở có thể là người trong ngõ, cũng có thể là người ở nơi khác chỉ đến để bán hàng. Lại còn vẽ cho ông thấy một trong những cách người ta có thể treo bánh phở trong ngõ: đóng đinh lên tường, nối tạm một đoạn dây, hoặc đơn giản trong thúng trong túi…

Wayne Karlin thích thú: Có thể đưa thêm câu này vào truyện được không? Tất nhiên, phải hỏi ý kiến Thu Huệ, chị vui vẻ bằng lòng. Đúng là tất cả vì người đọc ở bên kia đại dương, những người còn thiếu nhiều kiến thức thực tế về Việt Nam.

Nhưng ở trường hợp sau đây thì ngược lại. Nhiều khi một khái niệm nghe rất thuận tai ở đây lại khó tiếp nhận ở bên kia. Câu cuối cùng trong truyện Tiếng hát và tiếng khóc của nhà văn Trang Thế Hy: “Nó nhắc nhở người cầm bút đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của số đông người thầm lặng”. Cụm từ “số đông người thầm lặng” tôi chuyển chính xác thành “the silent majority”.

Wayne Karlin bàn: ở Mỹ, cụm từ này thường được những chính khách cánh hữu dùng như một thứ bánh vẽ để mỵ dân, vì thế người Mỹ dị ứng với nó. Để tránh gây phản cảm cho người đọc, ông đề nghị lược bỏ chữ majority (số đông), câu văn còn lại là “nỗi đau khổ lớn của những người thầm lặng”, vẫn giữ được khá chính xác nội dung.

Còn truyện Bố con là đàn bà của nhà văn Vũ Bão, tôi đã đọc nhiều lần, nhưng phải đến khi bắt tay vào dịch, phải nghiền ngẫm từng câu từng chữ như chính mình là người viết thì mới phát hiện ra những chi tiết nhỏ. Nhỏ đến mức tác giả không biết, biên tập viên tiếng Việt cũng bỏ qua, bao nhiêu người đọc cũng bỏ qua nốt.

Nhưng đọc nó bằng con mắt của người đọc nước ngoài duy lý, tôi không bỏ qua được nữa. Ví dụ đoạn này: “Vừa mới nhận buồng, Mì đã xắn tay áo, xắn ống quần, lấy chổi quét nhà, quét tường, treo một loạt tranh diễn viên, cắm hoa vào vỏ đạn 37 li, đóng đinh treo gương mỏ neo, xé cánh tay áo đã rách lau giường, gấp chăn màn vuông bánh chưng đặt ngay ngắn ở đầu giường. Mì chạy đi mượn búa đóng đinh treo mắc áo, căng dây kéo ri đô…”.

Tôi vừa đánh dấu vào hai lần đóng đinh và độc giả dễ dàng nhận ra rằng lần đóng đinh thứ hai cô Mì mới có búa, còn lần đầu cô đóng bằng gì thì chỉ có nhà văn Vũ Bão cây hài hước mới biết được.

Một đoạn khác, “Ngát bực mình ngồi trong giường nói vọng ra”, nhưng chỉ qua sáu dòng đối thoại thì lại là “Ngát vẫn nằm trên giường”. Tất nhiên tôi đã phải hỏi ý kiến của tác giả và xoay chuyển lại theo kiểu một người dọn vườn văn.

Chưa hết, khi bản tiếng Anh vào tay Wayne Karlin, ông kêu lên rằng trong truyện chỉ nhắc đến hai cô bạn cùng phòng đi lấy chồng, tại sao ngay từ dòng đầu tác giả lại viết: “Trong phòng có bốn chị em thì ba người đã lần lượt đi lấy chồng”.

Trong văn cảnh này, độc giả Việt Nam vẫn ngầm hiểu là tác giả có quyền chỉ nhắc đến hai trường hợp nổi bật trong số ba cô bạn cùng phòng đã đi lấy chồng, nhưng độc giả Mỹ tính đếm rõ ràng không chịu “ngầm hiểu” như vậy. Cuối cùng chúng tôi phải xoay lại: “tất cả” chị em trong phòng đã lần lượt đi lấy chồng…

Như vậy, là đồng chủ biên, chúng tôi không chỉ làm người dịch sách, chọn lựa tác phẩm, sắp xếp truyện vào các phần theo một cấu trúc gắn kết tương đối hợp lý, mà còn phải làm người biên tập hiểu rõ gu của độc giả, thậm chí phải làm người dọn vườn văn. Chắc rằng người đọc nếu có đối chiếu song ngữ sẽ nhận ra trong bản dịch những chỗ mà dịch giả và người chủ biên đã xoay chuyển như đã nói ở trên.

Một nhà xuất bản yêu văn chương Việt Nam

Hệ thống giáo dục Mỹ vẫn thường để ngỏ một phần giáo trình cho các trường tự tìm thêm sách giảng dạy. Nhà văn Wayne Karlin là giáo sư Đại học St. Mary ở Maryland, ông cùng với nhà xuất bản Curbstone quảng bá bộ sách Việt Nam đến các trường đại học và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt.

Cũng nhờ sự quảng bá của Wayne Karlin và NXB Curbstone, các trường đại học Mỹ còn mở rộng giáo trình sang những cuốn sách xuất bản ở nhiều nước khác như Thời xa vắng của Lê Lựu (nhà xuất bản Đại học Massachusetts), Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp (nhà xuất bản Đại học Oxford ở Malaysia), Người đàn bà trên đảoCõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái (nhà xuất bản Đại học Washington và Đại học Texas), Thiên sứ của Phạm Thị Hoài (Hyland House ở Australia), Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (Secker & Warburg ở Anh), tập thơ Đường xa của Nguyễn Duy…

Người Mỹ ít đọc sách dịch. Hàng nghìn nhà xuất bản tất nhiên chú trọng đến việc sách in ra có bán được hay không. Họ không có nghĩa vụ tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Wayne Karlin đã tìm ra nhà xuất bản Curbstone nhận in sách Việt Nam và đưa sách hiện diện chính thức trên thị trường sách toàn quốc, có mặt trong hệ thống hiệu sách và bán cả trên mạng (hãng Amazon.com). Số lượng phát hành lần đầu, như mọi nhà xuất bản khác ở Mỹ, thường là 5.000 bản, nhưng khác một điều là sách của Curbstone hàng năm vẫn đều đều được in nối bản.

Còn sách do các trường đại học xuất bản chủ yếu chỉ bán trong hệ thống trường đại học ở Mỹ và những nước liên kết, với số lượng hạn chế là 1.000 bản. Số lượng sách phát hành là một bí mật kinh doanh, chỉ có nhà xuất bản và cơ quan thuế biết với nhau, không ghi đằng sau mỗi cuốn sách như ở ta.

Curbstone Press là nhà xuất bản không lợi nhuận. Tính chất không lợi nhuận khiến thu nhập của người làm xuất bản và nhuận bút cho tác giả và dịch giả đều mang tính tượng trưng. Không lợi nhuận còn có nghĩa là nhà xuất bản không phải nộp thuế thu nhập.

Để đáp lại việc không phải đóng thuế, họ phải làm nghĩa vụ phát triển văn hóa xã hội bằng cách tặng sách cho các thư viện trên toàn quốc, cho các trường học…

Sách của nhà xuất bản vì thế được in ít nhất 5.000 cuốn bán trong toàn quốc để trang trải chi phí in ấn, phát hành và dịch vụ, ngoài ra còn có một số lượng đáng kể được đem tặng đến tận tay sinh viên và trí thức.

Sau khi Giám đốc Curbstone Alexander Taylor qua đời cuối năm 2007, toàn bộ dự án và công trình xuất bản của Curbstone Press đã được chuyển giao sang nhà xuất bản Đại học Tây Bắc Mỹ.

Ký ức của nhà văn Việt Nam về chuyện làm sách ở Mỹ
Ra mắt sách The Other Side of Heaven tại San Jóse, 1995. Từ trái qua: Wayne Karlin, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, George Evans.

Những luồng dư luận

Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam phát hành và tạo được dư luận tốt trên báo chí. Đây là ý kiến của nhà văn Robert Olen Butler, tác giả cuốn sách đoạt giải Pulitzer Hương thơm từ núi lạ (đề tài Việt Nam): “Nhiều nhà văn Việt Nam là những tác giả tầm cỡ và tuyển tập bằng tiếng Anh này là biểu hiện đầy đủ nhất. Wayne Karlin và Hồ Anh Thái đã làm chủ biên và dịch một cuốn sách bậc thầy sẽ còn lại mãi”.

Báo Biên niên sử San Francisco ngày 2/11/2003 nhận định: “Tình yêu sau chiến tranh là tuyển tập văn xuôi đương đại Việt Nam lớn nhất bằng tiếng Anh và không còn lời nào khác ngoài chữ hoành tráng để nói về cuốn sách này. Tuyển tập có thể dễ dàng sánh với những bậc thầy truyện ngắn được khuếch trương nhiều của chúng ta như Raymond Carver, John Cheever và Grace Paley hoặc những nhà văn có tính thưởng thức của tạp chí New Yorker và Playboy. Chủ ý so sánh với Playboy bởi vì trái ngược với huyền thoại về các nước cộng sản, không có chủ đề nào là không thể đối với những nhà văn ở đây, ít ra là trong mọi sự thể hiện đa dạng và phức tạp về năng lượng sắc dục của con người”.

Còn Thời báo St. Petersburg ra ngày 14/9/2003 bình luận: “Tình yêu sau chiến tranh là một tuyển tập văn xuôi sinh động của những tác giả mà tác phẩm xếp vào hàng những gì hay nhất của văn chương thế giới. Là chủ biên đồng thời là dịch giả, Wayne Karlin và Hồ Anh Thái xứng với một tấm huy chương vì đã tập hợp được những tác phẩm này trong một tuyển tập. Văn phong đẹp, Tình yêu sau chiến tranh cho thấy rằng văn học Việt Nam, và cả đời sống ở đó, đang phát triển mạnh”.

Năm 2003 báo Biên niên sử San Francisco bình chọn tuyển tập này vào bản danh sách 100 cuốn sách hay. Có lẽ ngay cả ở một nước có văn hóa đọc phát triển, khó có ai đọc hết 100 cuốn sách hay nhất trong năm. Nhưng việc bình chọn này có ý nghĩa với những nhà phê bình văn học và đội ngũ biên tập viên theo dõi xuất bản ở Mỹ, sau đó là độc giả yêu văn chương.

Quản lý nhà nước về báo chí trên tinh thần kiến tạo cho sự phát triển

Quản lý nhà nước về báo chí trên tinh thần kiến tạo cho sự phát triển

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo Cục Báo chí khi xây dựng Luật và các văn ...

Nhóm nhạc Bati-Holic trở lại Việt Nam sau 10 năm

Nhóm nhạc Bati-Holic trở lại Việt Nam sau 10 năm

Nhóm nhạc nổi tiếng Bati-Holic từ Kyoto, Nhật Bản, sẽ trở lại Việt Nam sau 10 năm với hai đêm nhạc đầy năng lượng tại ...

Công nhận thêm 3 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Công nhận thêm 3 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hoá, Thế thao và Du lịch vừa công nhận Lễ hội truyền thống đình Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội; Lễ ...

Búp bê mang hồn dân tộc

Búp bê mang hồn dân tộc

Với niềm đam mê văn hóa truyền thống, nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã nghiên cứu và sáng tạo những ...

Hỗ trợ bảo vệ di sản văn hóa bền vững ở các địa phương

Hỗ trợ bảo vệ di sản văn hóa bền vững ở các địa phương

Hội đồng Anh tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa vừa tổ chức Chương trình ...

(theo Vanhocsaigon)

Đọc thêm

HLV Xabi Alonso quyết định trở lại Real Madrid

HLV Xabi Alonso quyết định trở lại Real Madrid

Sau 11 năm chia tay, HLV Xabi Alonso nhiều khả năng sẽ tái hợp với Real Madrid vào mùa Hè này trên một vai trò mới, huấn luyện viên.
Thổ Nhĩ Kỳ-Italy tìm kiếm động lực mới

Thổ Nhĩ Kỳ-Italy tìm kiếm động lực mới

Thổ Nhĩ Kỳ và Italy dự kiến ký kết một số thỏa thuận, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Giorgia Meloni tại Rome.
Bước đi chiến lược kết nối doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường Halal

Bước đi chiến lược kết nối doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường Halal

Hội thảo Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ngành công nghiệp Halal giữa Việt Nam và Indonesia diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 28/4.
Quyết định đặc xá năm 2025 của Chủ tịch nước thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam

Quyết định đặc xá năm 2025 của Chủ tịch nước thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chủ tịch nước Lương Cường đã ký Quyết định đặc xá đối với hơn 8.000 ...
Indonesia-Pakistan tính nâng cấp Hiệp định thương mại ưu đãi

Indonesia-Pakistan tính nâng cấp Hiệp định thương mại ưu đãi

Kim ngạch thương mại giữa Indonesia và Pakistan tăng trưởng 7,92% trong 5 năm qua, với mặt hàng nổi bật là dầu cọ, hàng dệt may, máy móc và dược ...
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại Romania

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại Romania

Hoà chung không khí hân hoan của cả nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Romania phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Du lịch Nhật Bản: Khám phá hương vị ẩm thực đặc sắc xứ Phù Tang

Du lịch Nhật Bản: Khám phá hương vị ẩm thực đặc sắc xứ Phù Tang

Được chế biến từ nguyên liệu tươi ngon, các món ăn Nhật Bản mang đến cho thực khách trải nghiệm hương vị tinh tế, hấp dẫn.
Đồng Nai tổ chức Festival khinh khí cầu lớn nhất Việt Nam, thu hút hàng ngàn du khách

Đồng Nai tổ chức Festival khinh khí cầu lớn nhất Việt Nam, thu hút hàng ngàn du khách

Ngày 27/4, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức khai mạc Festival khinh khí cầu năm 2025 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Đà Nẵng chào đón 180 hành khách trên chuyến bay đầu tiên từ Uzbekistan

Đà Nẵng chào đón 180 hành khách trên chuyến bay đầu tiên từ Uzbekistan

Chuyến bay mang số hiệu C65539 từ Tashkent (Uzbekistan) đã hạ cánh tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng ngày 27/4.
Tỉnh Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2025

Tỉnh Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2025

Tối 26/4, tại TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình khai mạc Mùa du lịch năm 2025 với chủ đề 'Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc'.
12 điểm dừng chân sáng giá dẫn đầu xu hướng 'du lịch có trách nhiệm' năm 2025

12 điểm dừng chân sáng giá dẫn đầu xu hướng 'du lịch có trách nhiệm' năm 2025

'Du lịch có trách nhiệm' cho thấy ngành du lịch toàn cầu đang chính thức bước vào thời kỳ nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Nghỉ lễ 30/4 và 1/5: Nhiều hoạt động hấp dẫn phục vụ du khách đến Lào Cai

Nghỉ lễ 30/4 và 1/5: Nhiều hoạt động hấp dẫn phục vụ du khách đến Lào Cai

Đến với Lào Cai dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và vui chơi giải trí đặc sắc.
‘Con đường thống nhất’ tại Hoàng thành Thăng Long

‘Con đường thống nhất’ tại Hoàng thành Thăng Long

Từ ngày 28/4-31/5, Triển lãm 'Con đường thống nhất' diễn ra tại di tích Cách mạng Nhà và Hầm D67, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Cà Mau đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển - Bến Vàm Lũng

Cà Mau đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển - Bến Vàm Lũng

UBND tỉnh Cà Mau vừa đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Vàm Lũng (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển).
Nhà thiết kế Xuân Thu chia sẻ về Bộ sưu tập áo dài chào mừng sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Nhà thiết kế Xuân Thu chia sẻ về Bộ sưu tập áo dài chào mừng sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

"Tôi rất vinh dự khi được lựa chọn trong danh sách các nhà thiết kế thực hiện những bộ mẫu áo dài giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam nhân dịp cả ...
Sớm hoàn thành hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới

Sớm hoàn thành hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới

Việc lập hồ sơ đề cử Di sản văn hóa thế giới cho Óc Eo - Ba Thê thể hiện quyết tâm của tỉnh An Giang và Việt Nam trong việc bảo tồn giá trị ...
Mốc son âm nhạc Việt Nam

Mốc son âm nhạc Việt Nam

Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân được UNESCO vinh danh gồm hơn 700 tác phẩm âm nhạc, có tính tiếp cận cao thông qua nền tảng số đa ngữ.
Người Khmer về chùa Tông Kim Quang đón Tết Chol Chnam Thmay

Người Khmer về chùa Tông Kim Quang đón Tết Chol Chnam Thmay

Sáng 13/4, lễ hội Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer đã diễn ra tại chùa Tông Kim Quang (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), với niềm hoan hỷ.
Phiên bản di động