TIN LIÊN QUAN | |
“Kiêu hãnh Trường Sơn” - Sống lại ký ức của những bông hồng thép | |
“Người không hát tình ca”: Tri ân những người lính Trường Sơn |
Đại sứ Trần Hải Hậu năm 1975. |
Trong đời tôi, đã trải qua khoảng hai chục năm công tác ở nước ngoài, rong ruổi qua biết bao chặng đường với các chuyến công tác từ vài ngày tới dăm năm, từ Nam Thái Bình Dương, New Zealand, ngược lên Hawaii rồi vòng sang Tây Bắc Âu và gần hơn là Campuchia, Singapore và các nước Đông Nam Á, Nam Á. Từng ấy chặng đường, biết bao chuyến đi cuốn hút, thú vị và ấn tượng, nhưng chuyến vượt Trường Sơn trong năm đầu đời lính cuối năm 1972 vẫn luôn là chuyến hành trình đặc biệt với ký ức đeo đẳng mãi trong tôi cho tới giờ. Những ngày này, khi cả nước đồng lòng chống dịch Covid-19 càng làm tôi liên tưởng đến khí thế hừng hực trên đường Trường Sơn năm nào.
Còn nhớ, ngày 19/10/1972, Tiểu đoàn chúng tôi rời Hà Nam, hành quân vào Miền Nam. Mỗi người lính được trang bị quần áo gabadin, súng AK47, giầy, mũ cối, mũ tai bèo, tăng, võng bạt, áo mưa, màn, mặt nạ phòng hóa, túi thuốc cá nhân, vài cân lương khô, gói ruốc thịt lợn, hai lạng mỳ chính… Trừ khẩu AK, còn lại hầu hết nhồi vào chiếc ba lô căng phồng. Ngoài vũ khí, trang phục, có anh còn tự vác theo cây đàn ghi ta.
Đêm trước hành quân, bố tôi lên thăm. Cha con gặp nhau không nói được nhiều. Ông chìm trong xúc động, nghẹn ngào, chắc không khỏi thoáng qua suy nghĩ biết đâu đây là lần cha con gặp nhau lần cuối. Phút gặp nhau quá ngắn ngủi. Tôi lưu luyến tạm biệt ông sau tiếng còi tập trung của đại đội.
Đoạn hành quân qua Quảng Bình, chúng tôi được phân về nghỉ ở nhà dân. Buổi tối, anh em chưa yên giấc thì có báo động máy bay B52. Sau tiếng ì ì nặng nề của pháo đài bay B52 ít phút là liên tiếp các đợt dội bom xuống đúng sát nơi đơn vị trú quân. Tôi chỉ còn nghe tiếng ụt ụt như ai đó ném tới tấp những tảng đá xuống vũng bùn. Tai ù lên không nghe thêm được gì ngoại trừ cảm giác ngột ngạt vì khói bụi và sức ép phần phật của bom thổi ép mình vào vách hầm. Thật quá may mắn, không ai trong đơn vị bị thương vong. Sáng tinh mơ, tiểu đoàn rời làng thẳng tiến vào “cổng trời” dãy Trường Sơn. Qua trận bom, tôi dự liệu khốc liệt của cuộc chiến còn đang ở phía trước.
Bước vào “cổng trời” lúc hoàng hôn đang xuống. Đoàn quân cố leo chặng cuối để tới binh trạm đầu tiên. Bóng đoàn quân đổ dài về dưới dốc. Ngẩng lên phía trên là một khoảng sáng trái ngược hẳn với cảnh chập choạng phía đoàn quân đang đi. Tôi háo hức muốn khám phá cảnh hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn.
Ngày đầu tiên ở đường Trường Sơn, đe dọa của B52 đã lùi về phía sau, anh em nhanh chóng ăn cơm và tụ tập đàn hát. Các anh vừa bập bùng gẩy đàn ghi ta vừa hát “Ơi cô gái Sông Lam”, “Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn”, “Chào em cô gái Lam Hồng”, “Bài ca hy vọng”. Xen lẫn tiết mục độc tấu sáo và kèn harmonica réo rắt cả núi rừng. Tất cả như tiếng gọi của Tổ quốc thôi thúc, tiếp sức cho đoàn quân ngày mai lên đường.
Bộ đội ta hành quân trên đường Trường Sơn thời kỳ chống Mỹ. (Ảnh tư liệu) |
Trước giờ ngủ, chúng tôi được hướng dẫn kỹ năng mắc võng tránh mưa rừng. Theo mệnh lệnh, không ai được trò chuyện. Tất cả chìm vào màn đêm của rừng Trường Sơn. Thỉnh thoảng nghe tiếng lạch cạch khẩu súng AK của mấy đồng đội thay nhau gác đêm. Tiếng côn trùng đồng thanh như tấu lên bản nhạc da diết gợi đến nỗi nhớ nhà. Tôi mông lung nghĩ đến chặng hành quân ngày mai, kéo dài từ 8 đến 12 tiếng.
Chặng đường trên đất Lào, chúng tôi gặp nhiều bà con người Lào hiền lành mang bí xanh, rau quả gặp bộ đội, lúc cho, lúc đổi lấy các món tư trang. Bộ đội tặng lại bà con nhiều đồ cá nhân không dùng.
Mới hơn một tháng đi bộ mà đơn vị đã qua đủ các địa hình, khi thì vách đá cheo leo, khi thì rừng sâu thăm thẳm. Có đoạn phải đu dây leo. Công binh đường Trường Sơn thật sáng tạo, làm ra những cây cầu treo huyền thoại toàn bằng dây và cây rừng dài cả trăm mét để vượt khe núi.
Thỉnh thoảng dọc đường hành quân, lộ ra từng đoạn đường ống và dây thông tin chạy từ Bắc vào. Lúc nào cũng có bộ đội ứng trực ở các cung đường dễ bị đánh phá.
Gần các binh trạm thường là các kho vũ khí quân trang đồ sộ. Chỉ thấy một hai chiến sỹ canh giữ bảo quản kho. Ở sâu thẳm trong rừng Trường Sơn, nhưng không ít chiến sỹ đã anh dũng hy sinh.
Nói đến chuyện bếp núc, dù có anh nuôi, nhưng các tiểu đội phải thay phiên nhau kiếm củi. Giữa mưa rừng Trường Sơn, không củi khô, có lúc phải tước thân cây bàng lăng tươi làm củi. Nấu nướng bằng bếp hoàng cầm ban ngày phải tránh tỏa khói, ban đêm tránh lộ ánh lửa. Máy bay trinh sát OV10 địch lúc nào cũng vo vo trên đầu, sẵn sàng gọi máy bay đến oanh kích.
Bữa ăn ngày nào cũng như nhau, ngoài cơm còn có canh pha chút ít thịt lợn hộp hoặc ruốc thịt. Ở vài binh trạm trên đất Lào, thỉnh thoảng được ăn bí xanh. Ở chặng đầu, anh nuôi thường tìm hái rau tầu bay làm canh. Vào sâu hơn có canh chua lá bứa. Có anh lấy củ riềng rừng giã nát, rang với muối ăn với cơm cũng thấy đậm đà thơm thơm. Ở các binh trạm trên đất K (Campuchia), thỉnh thoảng được món đậu đũa xào ăn với ớt tươi, ngon lành.
Khoảng giữa đường Trường Sơn, tiểu đoàn chúng tôi dừng chân ở một binh trạm cùng với tiểu đoàn nữ tỉnh Thái Bình. Nhìn các cô trong quân phục sau mấy tháng lội dọc đường Trường Sơn đã ngả mầu thời gian, vác trên vai ba lô cồng kềnh, toát lên khí phách phi thường của phụ nữ Việt Nam. Khẩu hiệu “trai tiền tuyến, nữ hậu phương” không còn phù hợp với khung cảnh này nữa vì cả nam và nữ đều đang ở tuyến đầu.
Đoàn quân chúng tôi rầm rập hướng vào Nam. Ngược lại, một vài nhóm hành quân ngược ra Bắc. Họ là thương bệnh binh, là dũng sỹ diệt Mỹ, là cán bộ Miền Nam được gửi ra Bắc đào tạo…. Anh chị em ở nhiều lứa tuổi, có cả các em 13-14 tuổi, nhưng rắn rỏi, dạn dầy. Một vài chị giải phóng trong trang phục áo bà ba cũng ngược ra Bắc.
Khẩu hiệu “trai tiền tuyến, nữ hậu phương” không còn phù hợp với khung cảnh này nữa vì cả nam và nữ đều đang ở tuyến đầu |
Mỗi lần các chị đi qua, vương lại mùi dầu gió hòa với hương rừng. Không kịp nói gì nhiều, nhưng các anh chị em như muốn gửi gắm chúng tôi sứ mệnh thiêng liêng nơi quê hương Miền Nam.
Cùng chiều đoàn quân chúng tôi, thường gặp đoàn xe chở vũ khí, quân trang, quân dụng hoặc kéo pháo vào chiến trường. Mới đầu nhìn cánh lính lái xe phơi phới sau vô lăng, anh em bộ binh thấy thèm. Hỏi kỹ ra, lính lái xe cũng gian khổ muôn phần. Suy cho cùng gái cũng như trai, già hay trẻ, bộ binh hay lính lái xe, đã có mặt trên đường Trường Sơn thì đều phải đương đầu với các cung bậc gian khổ vất vả.
Thỉnh thoảng gặp các tiểu đoàn đặc công, quần áo rằn ri, ai cũng cao ráo, vâm váp, khoác tiểu liên gấp, lướt qua chúng tôi. Nghe nói các anh đôi khi được di chuyển bằng xe cơ giới, được ăn khẩu phần rau thịt khá đầy đủ. Tôi nghĩ chắc nhiệm vụ của các anh quan trọng lắm. Được nuôi tốt hơn nên các anh khỏe hơn và hành quân nhanh hơn chúng tôi.
Đã đi được hơn nửa chặng đường, anh em bị sốt rét rừng ngày càng tăng lên và phải nằm lại điều trị ở các bệnh xá binh trạm. Có anh vừa hành quân vừa lên cơn sốt run lập cập. Da xanh, mặt bủng, môi thâm là hậu quả của các trận sốt rét. Một vài đồng đội đã mãi mãi nằm lại với rừng Trường Sơn do sốt rét ác tính.
Riêng tôi, trong số hiếm hoi không bị dính sốt rét rừng. Tôi còn may nữa là không bị dị ứng thời tiết, bệnh thường hành hạ tôi trước ngày nhập ngũ.
Mỗi phiên gác đêm kéo dài hai tiếng. Đây là lúc yên tĩnh và riêng tư nhất. Chỉ còn tiếng côn trùng kêu và tiếng hú xa xa của thú rừng. Trên bầu trời xa xa thỉnh thoảng chớp nhòe pháo sáng của địch xé tan màn đêm đặc quánh.
Tôi miên man nghĩ về gia đình, người thân. Trong lòng bồn chồn khôn nguôi. Chắc bố mẹ và các em ruột tôi là Thạch, Thúy, Huy, Huân, Hưởng đang lo cho tôi lắm. Chiến tranh loạn lạc. Người này lo cho người kia. Ước mong ngày chiến thắng và xum họp gia đình.
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết. Tôi biết điều này vì đi cạnh chính trị viên đại đội. Ông cố ý lướt qua đoàn quân để anh em cập nhật thông tin. Sau các bản tin của đài tiếng nói Việt Nam là liên tục phát bài hát Đường chúng ta đi của Huy Du. Bài hát có sức cổ vũ lạ thường.
Tiến sâu hơn vào phía Nam, qua vùng đất bằng phẳng hơn và các dòng sông Se Kong, Se San, Srepok uốn lượn. Rừng núi đã lùi lại phía sau và chúng tôi mất khoảng một tuần hành quân qua các trảng cây khọoc dầu. Đang giữa mùa khô, đoàn quân đạp lên thảm lá khoọc dầu khô nghe lạo xạo càng tăng thêm cảm giác ngột ngạt bỏng rát của mùa khô. Hoàng hôn buông dần, mùi khét từ cây khoọc bị đốt đặc quánh, ánh lửa chập chờn.
Rồi chúng tôi cũng đến được sông Mekong khu vực tỉnh Kroches của Campuchia. Mỗi trung đội được đưa lên một xuồng máy, xuôi sông Mekong hướng về phía Nam. Gió, nước dòng sông về đêm mát lạnh như thau rửa những nỗi nhọc nhằn sau mấy tháng xuyên rừng Trường Sơn. Tôi miên man nhớ về con sông quê hương. Con sông nhỏ nhưng nhiều kỷ niệm tuổi thơ.
Từ Snuol, Campuchia, chúng tôi hành quân qua Tây Ninh, Phước Long về Bình Dương, Sông Bé. Đầu năm 1973, trở về đất nước, nơi chiến trường đang ầm vang tiếng súng. Ai cũng xen lẫn tâm trạng hồi hộp, lo lắng và xác định sẵn sàng cho những trận chiến đấu đầy thử thách phía trước. Tôi cùng một số đồng đội được bổ sung vào Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 209, F7 và chiến đấu ở Miền đông Nam bộ trong suốt những năm sau đó.
Chỉ vài tháng thử thách gian khổ trên đường Trường Sơn và mấy năm binh lửa thời đó đã giúp ích tôi rất nhiều trong mấy chục năm đời ngoại giao sau này.
Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước, xin được kính cẩn tri ân những đồng đội đã ngã xuống trên đường Trường Sơn và các mặt trận khác cho chúng tôi có được hôm nay.
Ghi chép: Những “bông hồng thép” ở Trường Sơn năm xưa TGVN. Tháng 3/1973, khi đến thăm Trung đội B3 (Đoàn 559) trên đèo Phu La Nhích, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thốt lên: “Các ... |
Kỷ niệm về tấm áo lính Trước khi trở thành những nhà ngoại giao, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, họ đã gác bút nghiên, lên đường ra mặt trận. ... |
Vượt đỉnh Trường Sơn làm việc lớn Trong những ngày đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các cán bộ ngoại giao đã phải vượt qua nhiều khó khăn gian ... |