Vẫn biết Mỹ đóng vai trò đặc biệt quan trọng ở Trung Đông, vẫn biết thái độ lạc quan là cần thiết, nhưng nếu nhìn vào thực tế của khu vực này thì sự lạc quan trên dường như hơi thái quá.
Trước hết, người ta đang tự hỏi làm thế nào chỉ trong vòng 12 tháng, ông Bush có thể giải quyết cuộc xung đột Israel – Palestine, một vấn đề đã tồn tại hơn 60 năm qua và không ít đời Tổng thống Mỹ đã cam kết, nỗ lực để rồi cay đắng chấp nhận thất bại? Chính quyền của Tổng thống Bush tin rằng một nhà nước Palestine độc lập có thể ra đời vào cuối năm 2008 nếu hai bên nghiêm túc đàm phán về những vấn đề gai góc liên quan đến các đường biên giới tương lai, các khu định cư Do Thái, quy chế của thành phố Jerusalem và số phận những người tị nạn Palestine. Nhưng điểm mấu chốt là khi nào thì các bên mới “nghiêm túc đàm phán”.
Mặc dù kết quả các cuộc đàm phán tại Hội nghị Annapolis, về lý thuyết, là khá tích cực, nhưng nó lại không đủ sức ngăn cản Israel tiếp tục không kích các mục tiêu ở dải Gaza, mở rộng các khu định cư ở khu bờ Tây hay dỡ bỏ các hàng rào kiểm soát đi lại và lưu chuyển hàng hóa của người Palestine; đồng thời cũng chẳng ngăn được Hamas tiếp tục bắn tên lửa vào lãnh thổ Israel. Dấu hiệu tích cực duy nhất có lẽ là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ lên tiếng yêu cầu đồng minh Israel của mình từ bỏ các hoạt động chiếm đóng kể từ sau cuộc chiến tranh năm 1967. Ông Bush cũng tỏ ra “khách quan” khi không trực tiếp nói đến một giải pháp cho thành phố Jerusalem mà “để cho Israel tự ý nhượng bộ”, đồng thời kêu gọi người Palestine chấp nhận những “hy sinh đau đớn”, trong đó có việc nhượng một số vùng lãnh thổ ở bờ Tây và nhận bồi thường cho những người tị nạn Palestine thay vì đòi quyền hồi hương cho họ. Những sự “đổi chác” mà có lẽ cả Israel lẫn Palestine đều khó chấp nhận.
Người ta thậm chí còn nghi ngờ hơn khi tính đến những “đối tác” hàng đầu của ông Bush. Khác với thời điểm ông Bush mới lên cầm quyền, khi Ariel Sharon và Yasser Arafat là những “kẻ thù không đội trời chung và không thích thỏa hiệp”, lúc này Thủ tướng Israel Ehud Olmert và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đều nói tôn trọng lẫn nhau và trong một số cuộc đàm phán, hai bên đã tiến rất gần tới những nhượng bộ. Tuy nhiên, không giống như những người tiền nhiệm, ông Olmert vẫn là một nhà lãnh đạo không được lòng dân, thậm chí có thể sẽ bị buộc phải từ chức khi báo cáo về nguyên nhân thất bại của Israel trong cuộc chiến 34 ngày ở Lebanon mùa hè năm 2006 được công bố. Trong khi đó, ông Abbas cũng bất lực trong việc biến Cơ quan quyền lực Palestine (PA) thành một chính phủ mạnh, cho dù đã nhận tới hàng trăm triệu USD viện trợ cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ từ phương Tây. Hơn nữa, thật khó để ông Abbas có thể thực hiện được bất kỳ cam kết nào với Israel khi mà trên thực tế ông chỉ kiểm soát khu bờ Tây, còn dải Gaza nằm trong tay lượng Hamas. Thậm chí, nếu không có sự “giúp đỡ” của quân đội Israel, chưa chắc ông Abbas đã còn ngồi yên được ở Ramallah.
Sứ mạng kêu gọi các quốc gia vùng Vịnh góp sức với Mỹ trong việc đối phó với “mối đe dọa” mang tên Iran cũng không đạt được một kết quả khả quan nào. Dù ở Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) hay Saudi Arabia , ở Kuweit, Bahrain hay Ai Cập, Tổng thống Bush đều phác họa hình ảnh “con ngáo ộp” Iran đang tìm cách “làm gỏi” an ninh khu vực và thế giới; đồng thời kêu gọi cam kết hợp tác của các quốc gia đồng minh trong khu vực “trước khi quá muộn”. Thế nhưng dường như ông Bush đang cố lờ đi một thực tế là các nước đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh đang nỗ lực xích lại gần Iran và dường như không hề tin rằng Iran thực sự là một mối đe dọa đến an ninh của họ.
Iran, nước có ảnh hưởng to lớn đối với cộng đồng người Shiite, và Saudi Arabia, do người Sunni lãnh đạo, bắt đầu hợp tác chặt chẽ kể từ khi tình trạng bạo loạn sắc tộc diễn ra tại Iraq, sau đó là cùng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Lebanon. Sau Hội nghị Annapolis, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã mời Tổng thống Iran Ahmandinejad tham dự Hội nghị thường niên tại Doha và tại Hội nghị này, Iran đề cập tới một thỏa thuận an ninh với các nước láng giềng. Ông Ahmandinejad cũng là nhà lãnh đạo Iran đầu tiên được chính thức mời tham dự cuộc hành hương về Thánh địa Mecca vào tháng 12/2007.
Bên cạnh đó, các nước vùng Vịnh có cảm giác Mỹ đang dần không kiểm soát được vấn đề, và trong một số trường hợp, còn làm cho vấn đề trở nên xấu hơn. Điển hình là ảnh hưởng của Tehran ở Iraq đã tăng lên đáng kể sau khi Mỹ lật đổ chính quyền Saddam và dựng lên một chính phủ do người Shiite lãnh đạo. Chính phủ các nước vùng Vịnh cũng phải hứng chịu sự giận dữ của dân chúng khi họ tới dự Hội nghị hòa bình Trung Đông ở Annapolis chỉ để chứng kiến việc Israel không chịu ngừng việc mở rộng các khu định cư Do Thái. Thậm chí hình ảnh xấu của Mỹ ở khu vực lại đang giúp Al-Qaeda dễ dàng hơn trong việc tuyển mộ lực lượng và khiến cho tình hình an ninh ở các nước này thêm tồi tệ.
Thế nên, đáp lại những phát biểu lên gân về “mối đe dọa Iran” hay viễn cảnh tươi đẹp ở Trung Đông của ông Bush chỉ là những cái vỗ tay hờ hững của “những người bạn vùng Vịnh”. Chuyến công du 8 ngày của ông Bush, vì vậy, giống như một vở diễn nhạt trên một sân khấu vắng khán giả, dù nó được dàn dựng khá công phu để giúp mang lại cảm giác rằng ông Bush vẫn đang rất lạc quan.
Chí Thành