Nhỏ Bình thường Lớn
10 năm triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị (Kỳ 1):

Lại bàn về hội nhập: Đòi hỏi 'tái nhận diện' bức tranh toàn cảnh, tối đa hóa lợi ích phục vụ phát triển

Trong mấy chục năm qua, từ “hội nhập” có lẽ là một trong những từ khóa phổ cập nhất ở nước ta. Tuy nhiên phải trải qua cả một quá trình “mang nặng đẻ đau”, khái niệm này mới trở thành quen thuộc như ngày nay.
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Lần đầu tiên từ “hội nhập” xuất hiện trong báo cáo kinh tế tại Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996); tới Đại hội IX họp trên ngưỡng cửa thế kỷ XXI, chủ trương “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực” mới được khẳng định chính thức; Đại hội X họp năm 2006 đã tiến thêm một bước nữa, khí thế nhấn mạnh yêu cầu “mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác” bên cạnh nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế.

Những bước mở rộng trong thế giới đầy biến động

Triển khai các nghị quyết Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị đã thông qua nhiều nghị quyết về chủ đề này, trong đó có Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế được ban hành đúng 10 năm trước đây. Triển khai Nghị quyết, trong thập niên qua, quá trình hội nhập quốc tế của nước ta trở nên sâu rộng chưa từng thấy.

Được coi là trọng tâm, hội nhập kinh tế đã tiến một bước dài với 15 thỏa thuận thương mại tự do (FTA) bao gồm hàng chục đối tác trên các lục địa; kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng mạnh mẽ: nếu như năm 2011 giá trị hàng xuất khẩu mới là 96 tỷ USD thì năm 2022 đã lên tới 371,85 tỷ USD, tức là 3,8 lần, bất chấp những bất ổn nghiêm trọng trên thị trường thế giới. Đồng hành cùng xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài gia tăng ngoạn mục với 34.815 dự án từ 139 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa tổng số vốn lên khoảng 422,84 tỷ USD! Đó là chưa kể lượng kiều hối đáng kể mà bà con người Việt và lao động xuất khẩu làm ăn sinh sống ở nước ngoài hằng năm gửi về.

Với những kết quả trên, hội nhập kinh tế thực sự đã “góp phần tích cực vào phát triển kinh tế’’ như Nghị quyết 22-NQ/TW nêu, đưa giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 122,722 tỷ USD, đứng hàng 57 năm 2011 lên tới 435,300 tỷ USD, đứng hàng 36 trên thế giới vào năm 2022!

Những thành tựu rất đáng tự hào về hội nhập kinh tế vừa “nhờ ở”, vừa “hỗ trợ” cho công cuộc hội nhập quốc tế về chính trị trên cả bình diện song phương lẫn đa phương. Nếu như tới năm 2011, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 179 quốc gia thì năm nay, 2023 con số đó đã lên tới 193, nghĩa là hầu như với tất cả các quốc gia lớn nhỏ năm châu bốn biển. Trong số các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Việt Nam, có 17 nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và 13 nước có quan hệ Đối tác toàn diện so với con số 7 đối tác chiến lược và 6 đối tác toàn diện vào năm 2011.

Trong các tổ chức đa phương khu vực và toàn cầu như Liên hợp quốc (LHQ) cùng các tổ chức liên quan như ASEAN, APEC, ASEM… nước ta luôn thể hiện vai trò thành viên tích cực, chủ động, mang tính xây dựng và được bầu vào nhiều vị trí quan trọng như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ…

Một phương hướng mới trong công cuộc hội nhập 10 năm qua là triển khai một cách tích cực, chủ động chiến lược hội nhập quốc phòng, an ninh dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, nổi lên là sáng kiến về Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) cũng như với Bộ trưởng Quốc phòng các nước đối thoại (gọi là ADMM+), tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, tiến hành tuần tra chung, giao lưu biên giới, tập trận, phòng chống tội phạm xuyên biên giới… trong khi tiếp tục kiên trì nguyên tắc “bốn không”: không liên minh quân sự; không liên kết với nước này chống nước kia; không để nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hay đe dọa vũ lực trong quan hệ quốc tế…

Công cuộc hội nhập văn hóa cũng có những bước tiến đáng ghi nhận, minh chứng là trong 10 năm qua đã tranh thủ được UNESCO công nhận thêm bảy di sản trong tổng số 22 di sản các loại đã được xếp hạng; Nghị quyết số 08 NQ/TW của Bộ Chính trị về yêu cầu phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn thật sự đã tạo cú hích mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển ngành “công nghiệp không khói”; sự hợp tác khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai… được chú trọng và không ngừng mở rộng; hàng vạn nam thanh nữ tú Việt Nam đã đi du học tại các nước công nghiệp phát triển…

Có thể nói, công cuộc hội nhập quốc tế trong mười năm qua đánh dấu những bước tiến mới, qua đó hình thành nên cả một mạng lưới rộng lớn chưa từng có về quan hệ chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội với các quốc gia và các tổ chức quốc tế liên quan, góp phần cực kỳ quan trọng vào sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong một thế giới đầy biến động.

Nhiều điều có thể làm tốt hơn

Tuy nhiên, bình tâm nhìn lại có thể cảm nhận thấy không ít điều có thể đem lại hiệu quả cao hơn, tốt hơn. Quan hệ chính trị với các quốc gia tuy đã phát triển “hết cỡ” về bề rộng song xem ra chưa có được bề sâu cần thiết để có thể tạo dựng sự tùy thuộc lẫn nhau vững chắc; những lợi thế của ngoại giao đa phương chưa được tận dụng và khai thác đầy đủ, cho tới nay vẫn rất ít cán bộ Việt Nam làm việc trong các tổ chức quốc tế; trong quan hệ kinh tế, “gien nội” chưa phát huy hết tiềm năng, trong khi “gien ngoại” chiếm giữ tỷ trọng vượt trội về cả sản lượng công nghiệp lẫn xuất khẩu; ngoại giao văn hóa và cả khoa học-công nghệ chưa giành được vị trí nổi trội trên trường quốc tế, riêng về “cầm kỳ thi họa” và cả điện ảnh chiều xuất thì ít, chiều nhập lại nhiều, tạo nên trạng thái “nhập siêu” khá nghiêm trọng…

Trong những năm tới, công cuộc hội nhập sẽ đối mặt với nhiều biến đổi sâu rộng, hết sức phức tạp. Kinh tế thế giới chắc sẽ tiếp tục bấp bênh, thậm chí đứng trước nguy cơ rơi vào khủng hoảng; trong dài hạn sẽ chuyển mạnh sang một cơ cấu hoàn toàn mới dựa trên những tiến bộ vượt bậc về khoa học-công nghệ; sự giành giật giữa “chủ nghĩa toàn cầu” và “chủ nghĩa dân tộc” trong chính sách kinh tế diễn ra quyết liệt; các tổ chức đa phương về kinh tế sẽ trải qua quá trình tái cấu trúc sâu rộng cả về mạng lưới, thành phần tham gia lẫn luật lệ… Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cùng với các mối đe dọa về dịch bệnh, thiên tai, diễn biến ngày càng phức tạp làm cho tình hình thế giới càng trở nên khó dự đoán…

Những thay đổi rộng lớn trên đòi hỏi chúng ta “tái nhận diện” bức tranh toàn cảnh thế giới, từ đó có sự điều chỉnh cần thiết nhằm tối đa hóa mối lợi, phòng tránh những rủi ro, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc theo những định hướng do Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu ra.

Nghị quyết số 22-NQ/TW: Đột phá về tư duy chiến lược và thực tiễn, xung lực để vững bước vào tương lai

Nghị quyết số 22-NQ/TW: Đột phá về tư duy chiến lược và thực tiễn, xung lực để vững bước vào tương lai

Có nhiều điều để nói khi nhìn lại hành trình 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, với nguyên ...

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, nhìn lại để tiếp tục tiến lên

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, nhìn lại để tiếp tục tiến lên

Ngày này 10 năm trước, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, một cột mốc trên tiến trình ...

Kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế

Kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 320/QĐ-TTg kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc ...

Họp Ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng

Họp Ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng

Chiều 14/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc ...

VIFTA: 12 năm nỗ lực 'gieo hạt giống' thương mại tự do trên mảnh đất Việt Nam-Israel

VIFTA: 12 năm nỗ lực 'gieo hạt giống' thương mại tự do trên mảnh đất Việt Nam-Israel

Đàm phán VIFTA khởi động năm 2015 nhưng những văn bản tham mưu chính sách đã được khởi thảo từ năm 2011 và để VIFTA ...