Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan có nói "nghiên cứu ngoại giao là cái gốc của cây ngoại giao". Ở góc độ người làm nghiên cứu, ông nghĩ thế nào về điều này?
Việc chính của ngoại giao là xử lý quan hệ với các đối tác nước ngoài. Mà muốn xử lý tốt quan hệ đó thì phải biết người, biết mình, biết thời thế và biết xử thế. Muốn vậy thì phải nghiên cứu.
Chẳng hạn như mình muốn thiết lập quan hệ với ai thì phải biết họ có lợi ích như thế nào, họ trông đợi gì ở mình, chiến lược của họ ra sao thì từ đó mới có bước đi phù hợp. Tương tự, muốn xử lý những vấn đề nảy sinh trong quan hệ giữa mình với người ta thì phải hiểu đằng sau câu chuyện đó là gì.
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao. |
Việc xây dựng đề án thiết lập quan hệ với các nước hay cách ứng xử với những tranh chấp xảy ra giữa mình với họ… đều cần phải nghiên cứu. Nếu nghiên cứu không sâu thì không thể đưa ra cách xử lý tối ưu được. Đây chính là phần “gốc” như cách nói của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan - phải hiểu rất rõ, đánh giá thật đúng.
Tất nhiên, để có đánh giá đúng thì không thể làm trong vài hôm, mà phải là quá trình theo dõi, nghiên cứu có tính chất lịch sử lâu dài, nhìn sự kiện có nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề trong mối quan hệ tổng thể với nhau.
Đơn cử như khi đàm phán với ai đó, nếu muốn đạt kết quả tối ưu thì phải hiểu mình, hiểu họ, hiểu câu chuyện của mình với họ trong thời thế này, để từ đó đưa ra cách ứng xử đúng, mặc cả đúng và tìm được “điểm rơi”.
Trong nhiều năm qua, Học viện Ngoại giao đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu dự báo, tham mưu, hoạch định chính sách đối ngoại cũng như đối sách cho Lãnh đạo Bộ, mở rộng liên kết với các viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Những đóng góp cụ thể của Học viện là gì, thưa ông?
Nhiệm vụ quan trọng của công tác nghiên cứu của Học viện, cụ thể là Viện Nghiên cứu chiến lược (thành lập 2008) và Viện Biển Đông (thành lập năm 2012) là cung cấp luận cứ khoa học, phục vụ quá trình hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại và xử lý các động thái đối ngoại. Tám năm qua, Học viện đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng phần đối ngoại trong các văn kiện Đại hội XI và XII; tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, quá trình kiểm điểm 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX và xây dựng Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong quá trình triển khai đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Học viện cũng có những đóng góp quan trọng. Các đề tài, chuyên đề nghiên cứu của Học viện góp phần tích cực vào quá trình xây dựng các đề án lớn như đề án phát triển quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Lào, Campuchia; đề án xử lý vấn đề Biển Đông.
Ngoài ra, các nghiên cứu của Học viện góp phần xử lý những vấn đề nảy sinh trong quan hệ giữa ta và các đối tác như việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, việc các thế lực lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam…
Song song với công tác nghiên cứu, tám năm qua, Học viện cũng đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao học giả hay còn gọi là ngoại giao kênh hai. Sử dụng mối quan hệ với gần 60 viện nghiên cứu lớn ở khu vực và trên thế giới, hàng năm Học viện tổ chức và tham gia hàng trăm cuộc hội thảo, tọa đàm quốc tế, trao đổi song phương và nhiều bên. Qua các hoạt động đó, mình giơ ăng-ten để “bắt sóng” các suy nghĩ của họ, từ đó học hỏi họ; thứ hai là trao đổi để họ hiểu mình. Đây cũng chính là câu chuyện biết người biết mình, biết thời thế, từ đấy mới kiến nghị cho Đảng và Nhà nước những bước đi để thực hiện tối ưu lợi ích quốc gia dân tộc của mình.
Riêng về Biển Đông, trong tám năm qua, chúng ta đã tổ chức và tham gia hàng trăm hội thảo, đặc biệt là chuỗi bảy Hội thảo Biển Đông tổ chức ở Việt Nam với sự tham gia của phần lớn các nhà nghiên cứu hàng đầu về Biển Đông. Mục đích của chúng ta là làm cho dư luận hiểu rõ bản chất của tranh chấp tại đây, lợi ích của các bên, từ đó đưa ra giải pháp tối ưu mà các bên cần chung tay để bảo vệ lợi ích của chính họ cũng là bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực.
Việc xây dựng và mở rộng quan hệ với các viện nghiên cứu trong và ngoài nước cũng nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và đẩy mạnh ngoại giao kênh hai. Đến nay, Học viện đã “bắt tay” với khoảng 50-60 viện nghiên cứu nước ngoài theo hình thức “quan hệ đối tác”, trong đó có tất cả viện nghiên cứu chiến lược ở các nước ASEAN, các viện nghiên cứu quốc tế lớn ở Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh, Pháp và các nước khác.
Theo quan điểm của ông, đóng góp của Học viện nói riêng và công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược về đối ngoại nói chung của Bộ đã đáp ứng kỳ vọng của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước?
Để đạt được kỳ vọng của Lãnh đạo thì phải nỗ lực nhiều lắm. Trong tám, chín năm qua, công tác nghiên cứu được Lãnh đạo Bộ quan tâm rất nhiều. Cụ thể, Học viện có hẳn bộ máy riêng (hai viện nghiên cứu), cơ chế cho cán bộ nghiên cứu như chính sách đãi ngộ, luân chuyển hay như quy chế chuyên gia… đều để đẩy mạnh công tác nghiên cứu.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chúc mừng ông Đặng Đình Quý. |
Học viện đã tham gia thực hiện nhiều công trình nghiên cứu lớn, trong đó lần đầu tiên Bộ Ngoại giao thực hiện hai đề tài cấp nhà nước ("Xu thế phát triển của cục diện thế giới đến năm 2020 và định hướng chiến lược đối ngoại của Việt Nam" và "Hội nhập quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam"). Nhiều sản phẩm nghiên cứu được lãnh đạo cấp cao đánh giá cao, không ít kiến nghị đã trở thành chính sách.
Công tác nghiên cứu chung của Bộ thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu nhưng so với yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ đối ngoại thì còn phải cố gắng rất nhiều. Trong các báo cáo tổng kết 30 năm Đổi mới và văn kiện Đại hội XII của Đảng vẫn còn câu đánh giá “công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo tình hình còn hạn chế”. Khi nào trong các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước không còn cụm từ đó mới gọi là đạt được phần nào kỳ vọng.
Chung quy lại vẫn là vấn đề con người. Việc xây dựng đội ngũ nghiên cứu trong thời gian tới sẽ được triển khai ra sao, thưa ông?
Nguồn nhân lực làm nghiên cứu hiện vẫn còn thiếu và nhiều mặt còn yếu. Trong gần một thập niên qua, Học viện tập trung vào khâu đào tạo, riêng tiến sĩ thì có khoảng 14 người được cử đi đào tạo ở nước ngoài và gần chục người được đào tạo trong nước. Vấn đề là sử dụng nhân lực như thế nào. Trong tương lai, Học viện tập trung theo hướng đào tạo chuyên sâu để có những chuyên gia về các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc..., chuyên gia về các vấn đề pháp lý, lịch sử, an ninh.
Trên thực tế, không phải bất cứ ai quan tâm đến công tác này đều có thể trở thành nhà nghiên cứu. Có rất nhiều người cố gắng suốt đời chỉ là “lều” nghiên cứu thôi. Điều quan trọng là phải có niềm đam mê. Cơ chế chính sách là cần thiết nhưng không phải là số một. Nếu không có đam mê thì sẽ không có đỉnh cao.