Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky muốn mời Nga tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Hòa bình cho Ukraine lần hai tổ chức vào tháng 11 tới. (Nguồn: AP) |
Chiến thuật "vừa đánh vừa đàm"
Sau 2 năm không mặn mà đàm phán với Nga do thất bại của cuộc đàm phán không chính thức ở Thổ Nhĩ Kỳ mùa Xuân năm 2022, cũng như không mời Moscow tham dự Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine ở Thụy Sỹ hồi tháng 6 vừa qua, giờ đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lại muốn mời Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai, dự kiến tổ chức vào tháng 11 tới.
Phải chăng Kiev đang muốn “vừa đánh vừa đàm” trong xung đột với Nga?
Lần đầu tiên, Tổng thống Zelensky “dịu giọng”. Trả lời họp báo ngày 15/7, khi đề cập hội nghị vì hòa bình, nguyên thủ Ukraine cho rằng, nên có sự tham dự của “đại diện phía Nga” mà không đặt ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, ví dụ yêu cầu Moscow rút khỏi các vùng lãnh thổ đang kiểm soát.
Về phần mình, phát biểu họp báo tại Liên hợp quốc ngày 17/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, thoả thuận hoà bình ở Ukraine sẽ phải tính đến hiện thực mới, trong đó có việc thừa nhận các vùng lãnh thổ mới sáp nhập vào Nga.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cũng yêu cầu phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev trước khi bắt đầu đàm phán.
Thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine lần thứ nhất đã không mang lại kết quả cụ thể, ngoài những cam kết sát cánh và hỗ trợ quốc gia Đông Âu. Theo giới phân tích, điều này dễ hiểu vì Nga không có mặt và nhiều đối tác của Moscow cũng không tham dự.
Chỉ trong vòng một tháng, cục diện chính trị ở những nước ủng hộ Ukraine chủ chốt bị xáo trộn theo hướng bất lợi cho Kiev. Pháp rơi vào khủng hoảng chính trị từ sau cuộc bầu cử Hạ viện đầu tháng 7. Sẽ không có một quyết định nào về viện trợ cho Ukraine được đưa ra từ nay cho ít nhất đến hết Thế vận hội Olympic Paris.
Thêm nữa, Liên minh châu Âu (EU) có Nghị viện châu Âu (EP) mới với phe cực hữu, vốn phản đối viện trợ cho Kiev, chiếm nhiều ghế hơn.
Mỹ vừa trải qua "cú sốc" sau vụ cựu Tổng thống Donald Trump bị ám sát hụt. Ông Trump được đảng Cộng hòa chính thức đề cử ra tranh chức tổng thống, với số phiếu gần như tuyệt đối. Việc ông lựa chọn Thượng nghĩ sĩ trẻ J. D. Vance của bang Ohio, liên danh phó tổng thống thể hiện rõ ý định "đoạn tuyệt" với chính sách trợ giúp hào phóng cho Ukraine.
Thêm nữa, tại Hội nghị An ninh Munich tháng 2 vừa qua, Thượng nghị sĩ Vance thẳng thừng phản đối viện trợ quân sự cho Kiev và cho rằng châu Âu không nên trông đợi vào Washington để bảo vệ lục địa.
Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden, người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, đang phải đối mặt với những lời kêu gọi rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng vì tình trạng sức khỏe.
Hiện nay, câu hỏi đặt ra là phương Tây tiếp tục ủng hộ Ukraine được bao lâu trong bối cảnh khủng hoảng như vậy? Một số nhà phân tích, được AP trích dẫn ngày 16/7, cho rằng, “2-3 tháng tới rất có thể là những tháng khó khăn nhất trong năm đối với Ukraine”.
Một "hòa bình" rất khó hình dung
Ukraine cần tới 25 hệ thống phòng không Patriot để bảo vệ toàn bộ không phận, nhưng sắp tới chỉ nhận được 4 hệ thống từ Mỹ và các đồng minh.
Kho đạn dược bị tiêu hao cũng cần thời gian để được bổ sung trong khi vũ khí, khí tài lại là yếu tố giúp Kiev kháng cự phần nào trên thựa địa.
Chỉ riêng khoảng thời gian 6 tháng Mỹ chậm viện trợ, Nga đã mở thêm mặt trận ở vùng Kharkov, Đông Bắc Ukraine, trong khi vẫn duy trì áp lực tại vùng Donetsk ở miền Đông và Zaporizhia ở miền Nam.
Ngày 15/7, khi được hỏi về phát biểu của Tổng thống Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nhắc lại “nếu họ (Ukraine) muốn mời Nga họp thượng đỉnh, chúng tôi (Mỹ) sẽ ủng hộ họ”.
Điện Kremlin chưa chính thức trả lời, nhưng theo giới quan sát, hiện giờ rất khó hình dung ra được viễn cảnh hòa bình vì các điều kiện mà Moscow và Kiev đưa ra quá khác nhau.
Ukraine thiếu thốn nhiều mặt nhưng Nga vẫn chưa thể tiến sâu hơn trên thực địa ở thời điểm hiện tại. Kiev cũng có nhiều điểm mạnh có thể cản trở Moscow. Quốc gia Đông Âu được cho là có lực lượng lính tình nguyện lớn và xã hội dân sự kiên cường.
Bên cạnh đó, quân đội Ukraine đang cải tổ quân theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhằm tăng cường tính linh hoạt và phát triển quân mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, nước này có ngành công nghiệp quốc phòng cả công và tư nhân đang phát triển, có tính sáng tạo đáng kinh ngạc, phát triển các drone hải quân tiên tiến, phương tiện không người lái trên bộ và drone có thể vừa mang theo chất nổ vừa bắn hạ mục tiêu.
Về cục diện trên thực địa, có thể đánh giá rằng, 2024 sẽ là năm Ukraine phòng thủ trước các cuộc tấn công của Nga ở Donbass, Kharkov và những nơi khác.
Tuy nhiên, với các loại vũ khí mới của phương Tây và Ukraine, bao gồm tên lửa tầm xa và máy bay phản lực cùng với việc thường xuyên huy động thêm nhân sự, Ukraine có thể sẽ sẵn sàng tiến hành một chiến dịch phản công vào năm 2025.