Châu Âu hiện đang bị nhấn chìm trong làn sóng thứ hai của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona gây ra. Dịch bệnh lại ám ảnh và phủ bóng đen xuống châu lục buộc chính quyền ở gần như mọi nơi đều lại phải áp dụng những biện pháp chính sách ứng phó quyết liệt.
Các nước ở châu Âu lại lâm vào thảm trạng dịch bệnh trước hết bởi đều quá vội vàng với quyết định nới lỏng mức độ và phạm vi áp dụng những biện pháp chính sách mang tính hành chính nhưng lại chứng tỏ hiệu quả thiết thực cao như đeo khẩu trang nơi công cộng, giãn cách và cách ly xã hội cũng như triệt để truy vết chuỗi lây nhiễm dịch bệnh, khoanh vùng ổ dịch và dập dịch.
Bài học thành công về ứng phó dịch bệnh ở nhiều nơi trên thế giới nhưng không được các nước ở châu Âu lưu tâm đến là phải kết hợp giữa dập dịch ở bên trong với ngăn chặn nguồn lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào. Ở bên trong, chỉ với truy vết chuỗi lây lan dịch bệnh đến cùng trong thời gian nhanh nhất thì mới có thể khoanh vùng ổ dịch và dập được dịch.
Việc mở cửa biên giới quốc gia phải tuỳ thuộc vào khả năng trên thực tế ngăn ngừa và kiểm soát được sự lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào chứ không được vì mục đích chính trị hay lợi ích của nhóm ngành kinh tế nào đấy.
Các quốc gia ở châu Âu đã có được mức độ cao về hợp tác và liên kết châu lục chứ không như các châu lục hay khu vực khác trên thế giới, vì thế càng cần phải có mức độ cao hơn và hiệu quả cao hơn trong thống nhất quan điểm và phối hợp hành động để cùng ứng phó dịch bệnh.
Cách thức thuyết phục hay bắt buộc người dân cùng đồng hành với chính quyền đối phó dịch bệnh cũng phải rất khác so với những nơi khác. Châu Âu hiện nên nông nỗi này không phải bởi dịch bệnh quá bất kham mà bởi không thật sự cầu thị với những bài học từ làn sóng dịch bệnh trước.