📞

‘Làn sóng từ chức’ ở châu Âu: Nào chỉ vì Nga-Ukraine?

Phan Quân 07:00 | 27/07/2022
Xung đột Nga-Ukraine không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến thay đổi chính phủ tại một số nước châu Âu thời gian qua.
Ngày 7/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson chính thức thông báo ông sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh. (Nguồn: Shutterstock)

Hai tuần qua, châu Âu liên tục chao đảo khi có tới ba nước “thay tướng”. Tại Anh ngày 7/7, Thủ tướng Boris Johnson buộc phải tuyên bố từ chức sau khi hơn 50 quan chức chính phủ và nội các của ông rời nhiệm sở. Hai tuần sau, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas và người đồng cấp Italy Mario Draghi cũng hành động tương tự.

Những diễn biến này đã làm dấy nên làn sóng quan ngại tại châu Âu. Không ít người đã sớm kết luận rằng chính hệ quả kinh tế nghiêm trọng từ xung đột Nga-Ukraine đã làm dấy nên cái gọi là ‘làn sóng từ chức’ tại châu Âu. Tuy nhiên, liệu đây có phải là nguyên nhân duy nhất và chủ chốt khiến ba chính phủ trên sụp đổ?

Khó khăn chung

Không khó thấy xung đột Nga-Ukraine đã để lại hệ quả nghiêm trọng tới ba nước nêu trên, qua đó ít nhiều tác động tới sự thay đổi chính phủ tại đây.

Ở Anh, tỷ lệ lạm phát tháng 6/2022 được Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) dự đoán đạt 9,4%, cao nhất trong 40 năm qua và có thể lên tới 11% vào mùa thu, khi hóa đơn năng lượng tăng trở lại. Điều này khiến tiền lương thực tế giảm mạnh, tác động tới đời sống người dân, dù nền kinh tế tăng trưởng vượt dự báo tháng 6.

Trong khi đó, dù là “ngôi sao sáng” tại châu Âu về kinh tế số cùng tốc độ phục hồi nhanh, song theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Estonia sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn khi tăng trưởng GDP giảm còn 1,3% (2022) và 1,8% (2023) do xung đột Nga-Ukraine. Lạm phát 22%, chi tiêu hộ tiêu dùng thấp và cơ hội xuất khẩu ít dần, giới đầu tư mất niềm tin là thách thức Tallinn cần vượt qua.

Không khó thấy xung đột Nga-Ukraine đã để lại hệ quả nghiêm trọng tới ba nước Anh, Estonia và Italy, qua đó ít nhiều tác động tới sự thay đổi chính phủ tại đây.

Với Italy, nền kinh tế lớn thứ ba tại Eurozone, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Lạm phát tháng 6/2022 đạt 8%, cao nhất 36 năm qua. Nợ công của Rome giờ đây ở mức 150% GDP, đứng thứ hai Eurozone. Các doanh nghiệp Italy lo ngại rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất và khiến họ phá sản. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả khó lường với EU, bởi theo bà Sarah Carlson, chuyên gia phân tích xếp hạng tín dụng nhà nước Italy tại công ty Moody’s (Mỹ), “với quy mô của mình, Italy có vai trò đặc biệt quan trọng trong liên minh tiền tệ chung”.

Như vậy, có thể thấy tại Anh, Estonia, Italy, giá năng lượng và lúa mỳ tăng cao bởi xung đột Nga-Ukraine, khiến lạm phát phi mã đang là bài toán hàng đầu. Tính đến thời điểm từ chức, lãnh đạo cả ba nước này vẫn chưa thể có câu trả lời thỏa đáng.

Khúc mắc riêng

Đây cũng là thực trạng chung của EU hiện tại. Vậy điều gì khiến Anh, Estonia và Italy phải thay chính phủ, nhưng phần còn lại thì không? Đó có thể là rạn nứt trong chính phủ cầm quyền, liên minh chính trị, vốn đã tồn tại trước đó.

Tại Anh, tỷ lệ ủng hộ của ông Boris Johnson đã liên tục sụt giảm từ tháng 5/2021, 9 tháng trước khi xung đột Nga-Ukraine chính thức nổ ra. Liên tiếp các vụ bê bối như Partygate và câu chuyện bổ nhiệm ông Chris Pincher, người phụ trách kỷ luật của đảng Bảo thủ, người sau đó phải từ chức, khiến uy tín của ông Johnson sụt giảm nghiêm trọng. Phản ứng nhanh, quyết liệt trước xung đột Nga-Ukraine chưa đủ để cứu vãn uy tín của Thủ tướng Anh, khi các chính sách đối nội của ông, từ phòng chống đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế tới duy trì vị thế của nước Anh hậu Brexit chưa để lại nhiều dấu ấn, dù là trong nội bộ đảng Bảo thủ.

Trường hợp của Thủ tướng Italy Mario Draghi lại khác. Tháng 7/2022, số liệu của công ty thống kê Morning Consult (Mỹ) cho thấy tỷ lệ người dân tín nhiệm ông là 50%, đứng thứ ba tại châu Âu sau Tổng thống Thụy Sỹ Ignazio Cassis (55%), Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson (54%) và cao hơn hẳn người đồng cấp Anh Boris Johnson (23%).

Mặc dù được người dân ủng hộ và có nhiều lựa chọn, song ông Mario Draghi đã quyết định từ chức Thủ tướng Italy vì không nhận được sự ủng hộ của ba chính trị gia quan trọng của liên minh. (Nguồn: Getty Images)

Tuy nhiên, thay vì các bê bối, thứ cản bước ông Mario Draghi kéo dài nhiệm kỳ của mình trên cương vị Thủ tướng lại là sự không khoan nhượng, thỏa hiệp. Ở ECB, đức tính này giúp ông có nhiệm kỳ thành công. Song tại Italy, nơi các đảng cần liên minh để nắm quyền, phong cách này có thể khiến mọi chuyện khó khăn hơn.

Thủ tướng Mario Draghi được cho là không có quan hệ tốt với người tiền nhiệm, lãnh đạo đảng Phong trào 5 sao (M5S) Giuseppe Conte. Chủ tịch đảng cánh hữu Liên đoàn (NL) Matteo Salvini cũng phản đối sắc lệnh yêu cầu chỉ cho người tiêm chủng vaccine Covid-19 vào nhà hàng, phòng tập và công sở của ông. Cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi của đảng trung hữu Forza Italia, cũng rời bỏ liên minh.

Giờ đây, thứ kết nối cả ba chính trị gia hàng đầu tại Italy không chỉ có lập trường thân Nga, mà còn là mong muốn thay thế ông Draghi. Điều gì đến cũng phải đến: vào phút chót, tất cả đã từ chối ủng hộ ông Mario Draghi trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm về gói biện pháp nhằm hạ nhiệt chi phí sinh hoạt tăng cao do lạm phát.

Khi đó, Thủ tướng Mario Draghi hoàn toàn có thể nhượng bộ một phần, hoặc lãnh đạo chính phủ thiểu số. Song với tính cách quyết liệt, ông đã đệ đơn từ chức.

Trong khi đó, câu chuyện tại Estonia lại có một số điểm khác. Tallinn đã có tới 3 chính phủ trong vòng 3 năm, 2 trong số đó do Thủ tướng Kaja Kallas dẫn dắt. Tuyên bố từ chức của bà đơn thuần là để giải tán chính phủ thiểu số bởi vài ngày sau đó, chính trị gia này đã trở lại trên cương vị người đứng đầu chính phủ đa số. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo nội các mới sẽ kéo dài khi tỷ lệ ủng hộ đảng của Thủ tướng đương nhiệm liên tục sụt giảm, từ 21% (4/2022) xuống 13% (7/2022).

Như vậy, có thể thấy trong thay đổi chính phủ ở Anh, Estonia và Italy, yếu tố bên ngoài, cụ thể xung đlà ột Nga-Ukraine chỉ là chất xúc tác, thúc đẩy yếu tố bên trong là bất đồng, rạn nứt nội bộ thêm sâu sắc và cuối cùng, trở nên không thể hàn gắn. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho nhiều chính phủ, liên minh cầm quyền khác tại châu Âu, trong đó có các thành viên chủ chốt của EU, đặc biệt là Đức và Pháp.

Như vậy, trong thay đổi chính phủ ở Anh, Estonia và Italy, yếu tố bên ngoài, cụ thể xung đột Nga-Ukraine là chất xúc tác, thúc đẩy yếu tố bên trong là bất đồng, rạn nứt nội bộ trở nên sâu sắc hơn và cuối cùng, không thể hàn gắn.

Tại Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang khéo léo cân bằng giữa ba đảng cầm quyền. Ông đồng ý giảm giá khí đốt để hài lòng đảng Dân chủ Tự do (SPD) và cam kết để người dân tiếp tục sử dụng hệ thống giao thông công cộng gần như miễn phí nhằm nhượng bộ đảng Xanh. Song liệu sự cân bằng này có tiếp tục được duy trì trong bối cảnh châu Âu đang trải qua mùa hè nóng nực và sắp bước vào một mùa đông khắc nghiệt thiếu vắng khí đốt hay không, vẫn là điều khó nói.

Tình hình tại Paris cũng có phần tương đồng như Italy khi không có chính phủ thực sự gắn kết với đa số tại Quốc hội. Chất keo “dính” nhất đến từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, song bản thân chính trị gia này cũng đối mặt nhiều vấn đề từ kiềm chế lạm phát, phục hồi tăng trưởng tới chuẩn bị tổ chức Olympic Paris 2024 và duy trì lập trường trong xung đột Nga-Ukraine trước sức ép kinh tế lớn.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh tìm giải pháp chính trị bền vững, toàn diện cho xung đột Nga-Ukraine, EU cần củng cố tình đoàn kết, từ nội bộ các nước tới liên kết giữa các thành viên, để có thể chặn đứng “làn sóng từ chức” lan ra toàn châu Âu.