Lao động di cư (hay di trú) tự do ra nước ngoài được hiểu là một cá nhân hay một nhóm di chuyển địa bàn lao động, cư trú từ lãnh thổ một quốc gia này tới một lãnh thổ quốc gia khác không theo kế hoạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Theo “Công ước quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ” (năm 1990), về mặt pháp lý, những lao động này được phân thành hai dạng gồm hợp pháp (documented migrant) và bất hợp pháp (undocumented migrant).
Theo đó, lao động di cư hợp pháp là những người đã, đang và sẽ làm một công việc có hưởng lương tại một quốc gia mà người đó không phải là công dân với các hình thức là nhân công vùng biên hay theo mùa; nhân công làm việc tại một công trình trên biển; nhân công lưu động hay theo dự án…
Công ước này sẽ không áp dụng với những người được cử hoặc tuyển dụng bởi các cơ quan và tổ chức quốc tế, hoặc những người được cử hoặc tuyển dụng bởi một nước sang nước khác được điều chỉnh bởi pháp luật quốc tế chung hoặc các hiệp định hay công ước quốc tế cụ thể; những nhà đầu tư; sinh viên và học viên…
Lao động di cư bất hợp pháp được hiểu là lao động di cư không có giấy giờ (hoặc bất hợp pháp). Họ là những người không được trao các quyền được một nước cho phép vào, ở lại và làm một công việc được trả lương tại quốc gia đó.
Ngoài ra, Điều 4 của Công ước này cũng đưa ra định nghĩa về “các thành viên gia đình” là những người kết hôn với những người lao động di trú hoặc có quan hệ tương tự như quan hệ hôn nhân, theo pháp luật hiện hành, cũng như con cái và những người sống phụ thuộc khác được công nhận là thành viên của gia đình theo pháp luật hiện hành và theo các hiệp định song phương và đa phương giữa các quốc gia liên quan.
Từ pháp luật quốc tế
Thực tế cho thấy lao động di cư thường phải đối mặt với các vấn đề khó khăn như làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, bị đánh đập hay lạm dụng mà không được bảo vệ, bị trả lương không xứng đáng và bị phân biệt đối xử về lương so với người bản địa... Ngoài ra, hạn chế về ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa cũng là rào cản khiến lao động di cư chịu thêm nhiều thiệt thòi.
Để có cơ sở vững chắc trong việc bảo vệ quyền của người lao động di cư, cộng đồng quốc tế đã không ngừng xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý vững chắc thông qua việc ban hành công ước quốc tế, các Hiệp định đa phương, song phương về bảo vệ quyền của người lao động di cư.
Quyền con người nói chung, quyền của người lao động di cư nói riêng được ghi nhận trong "Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người", năm 1948, tại Điều 23 đã quy định: Ai cũng có quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống thất nghiệp; Cùng làm việc ngang nhau, mọi người được trả lương ngang nhau, không phân biệt đối xử; Người làm việc được trả lương tương xứng và công bằng, đủ để bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống xứng đáng với nhân phẩm và nếu cần, sẽ được bổ sung bằng những biện pháp bảo trợ xã hội khác; Ai cũng có quyền thành lập nghiệp đoàn hay gia nhập nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.
Tin liên quan |
Ngày Quốc tế Người Di cư: Lắng nghe tiếng nói người di cư trong đại dịch Covid-19 |
Trong khi đó, "Công ước quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ", năm 1990 quy định các quyền như: Được tự do rời khỏi bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc giá xuất xứ của họ; Quyền trở về hoặc ở lại nước xuất xứ của họ vào mọi thời điểm; Quyền sống; Quyền không bị tra tấn hoặc đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm; Quyền không bị làm nô lệ hoặc nô dịch; Quyền không bị lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc.
Không chỉ vậy, họ còn có Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng, nhận thức và tôn giáo; Quyền tự do thể hiện tôn giáo hoặc tín ngưỡng; Quyền có chính kiến mà không bị can thiệp; Quyền tự do ngôn luận; Quyền hoặc tôn trọng danh dự-uy tín của người khác.
Đặc biệt, Công ước cũng nêu rõ, không ai được phép can thiệp một cách bất hợp pháp hoặc tuỳ tiện vào cuộc sống gia đình, đời tư, nhà cửa, thư tín hoặc các phương thức giao tiếp khác, hoặc công kích bất hợp pháp danh dự và uy tín của người lao động di trú và thành viên gia đình họ; Quyền tự do và an toàn cá nhân; Quyền bình đẳng với các công dân của quốc gia liên quan trước các toà án; bị cáo buộc phạm tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi bị chứng minh là có tội theo pháp luật…
Ngoài ra, còn phải kể đến Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961 và Công ước Vienna về quan hệ lãnh sự năm 1963 (mà Việt Nam là thành viên), cũng đóng vai trò trực tiếp trong bảo hộ công dân đối với lao động di cư.
Quy định cụ thể
Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội văn hoá năm 1966 ghi rõ: Thừa nhận quyền của mọi người được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi, và yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo đảm các điều sau.
Thứ nhất, tiền lương thoả đáng và tiền công bằng nhau cho những công việc có giá trị như nhau, không có sự phân biệt đối xử nào; đặc biệt, phụ nữ phải được đảm bảo những điều kiện làm việc không kém hơn đàn ông, được trả công ngang nhau đối với những công việc giống nhau.
Thứ hai, một cuộc sống tương đối đầy đủ cho họ và gia đình họ phù hợp với các quy định của Công ước này.
Thứ ba, Quyền của người lao động được thành lập và gia nhập công đoàn.
Trên cơ sở đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong Công ước số 97 (năm 1949) và Công ước số 143 (năm 1975) về lao động di cư đã có những quy định cụ thể quyền làm việc tạo cơ sở cho các quốc gia thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm thực hiện quyền làm việc trong thực tế.
| Chòng chành phận người di cư từ châu Phi sang châu Âu Hải quân Morocco hôm 1/2 đã giải cứu 63 người di cư trái phép, trong đó có 15 phụ nữ và 3 trẻ em, sau ... |
| Thêm một hành trình di cư dang dở, nguy hiểm cận kề Lực lượng cứu hộ Anh phát hiện chiếc thuyền chở những người di cư đang tìm cách vượt eo biển Manche, trong đó có 1 ... |