Kể từ khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công Israel ngày 7/10, Israel đã thả hơn 6.000 quả bom xuống Dải Gaza. Ở chiều ngược lại, phiến quân Hamas cũng đã bắn hơn 7.000 quả rocket từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel, trong số đó nhiều quả đã bị tên lửa thuộc hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel đánh chặn.
Với cường độ tấn công như vậy, kho dự trữ đạn dược và tên lửa cho hệ thống phòng không của Israel sẽ cần liên tục được bổ sung. Và điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ lâu dài của Mỹ.
Washington đã cam kết tăng cường hỗ trợ quân sự cho Israel, bất chấp việc chính quyền Tổng thống Biden bị chỉ trích vì đã không thể ngăn chặn được Israel - quốc gia nhận viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ, gây thương vong lớn cho dân thường khi tấn công Dải Gaza.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã trở thành một trong những lực lượng vũ trang có sức mạnh hàng đầu thế giới. (Nguồn: Reuters) |
Dấu ấn đậm nét của Washington
R. Clarke Cooper, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị-quân sự, từng đảm nhiệm giám sát công tác chuyển giao vũ khí của Mỹ, cho biết các loại vật tư, trang thiết bị quốc phòng của Israel sẽ được tiếp tế bổ sung dựa trên nhịp độ tiêu thụ, sử dụng trong các hoạt động quân sự ở Dải Gaza.
Mỹ đã cam kết gửi cho Israel các tên lửa phòng không sử dụng cho hệ thống Vòm Sắt, bom đường kính nhỏ (SDB) và bộ kít JDAM biến bom không điều khiển thành loại được dẫn đường chính xác bằng GPS. Tập đoàn Boeing của Mỹ được cho là đang đẩy nhanh việc bàn giao cho Israel số lượng lên tới 1.800 JDAM được sản xuất ở St. Charles, Missouri.
Theo ông R. Clarke Cooper, hiện là thành viên cao cấp không thường trực tại Hội đồng Đại Tây Dương, những đợt bổ sung này sẽ được thực hiện cùng với các thỏa thuận đã ký trước đó với Israel liên quan việc bàn giao các loại vũ khí tiên tiến, như máy bay chiến đấu F-35, máy bay trực thăng hạng nặng CH-53 và máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-46.
Tin liên quan |
Mặc cộng đồng Arab 'dậy sóng', quốc gia Trung Đông này vẫn không muốn 'nghỉ chơi' với Israel |
Ngày 2/11, chính quyền Tổng thống Biden cũng đã yêu cầu Quốc hội Mỹ cung cấp thêm viện trợ cho Israel và Hạ viện đã thông qua kế hoạch viện trợ 14,3 tỷ USD cho Israel. Đề xuất tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ cho các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của Israel, đồng thời bổ sung kho dự trữ quân sự mà Mỹ đã cung cấp cho Israel.
Dù việc viện trợ cho Israel có sự ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng, nhưng chính quyền Mỹ lại đề xuất cùng với gói viện trợ hơn 60 tỷ USD dành cho Ukraine. Điều này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ một số đảng viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội.
Khoản viện trợ bổ sung cho Israel nằm trong hoạt động hỗ trợ quân sự kéo dài hàng thập kỷ mà Washington dành cho Tel Aviv. Nhờ đó, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã trở thành một trong những lực lượng vũ trang có sức mạnh hàng đầu thế giới.
Kể từ khi Nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948, Mỹ đã cung cấp cho Israel hơn 130 tỷ USD hỗ trợ an ninh, nhiều hơn số tiền Mỹ cung cấp cho bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Mỹ hiện vẫn cung cấp cho Israel khoảng 3,8 tỷ USD hỗ trợ an ninh mỗi năm.
Trong nhiều thập kỷ, mục đích của hoạt động hỗ trợ quân sự này của Mỹ là để đảm bảo cho Israel, đồng minh thân cận nhất trong khu vực Trung Đông, duy trì “lợi thế quân sự” với chất lượng áp đảo so với quân đội các nước láng giềng.
Elias Yousif, chuyên gia quân sự của Mỹ tại Trung tâm Stimson, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, D.C., cho biết nhờ sự hỗ trợ lâu dài này mà lĩnh vực quốc phòng của Israel mang dấu ấn đậm nét với hoạt động hỗ trợ quân sự và các trang thiết bị của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng, qua đó Israel đã phát triển ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ của mình.
Nguồn tài trợ quân sự nước ngoài của Mỹ hiện chiếm khoảng 16% ngân sách quốc phòng Israel.
Vai trò của vũ khí Mỹ bị đặt nghi vấn
Khi các nhóm bảo vệ nhân quyền bày tỏ quan ngại về việc hoạt động quân sự của Israel ở Dải Gaza gây thương vong lớn đối với dân thường, vai trò của Mỹ trong việc duy trì sức mạnh của lDF bị đặt nghi vấn.
Annie Shiel, Giám đốc phụ trách Vận động tại Mỹ của Tổ chức nhân quyền Center for Civilians in Conflict - một tổ chức bảo vệ thường dân trong các cuộc xung đột, cho rằng, “vì vai trò đặc biệt của Mỹ trong việc hỗ trợ quân sự cho Israel, nên Washington phải chịu trách nhiệm đảm bảo sự hỗ trợ của mình không gây ra tổn hại nghiêm trọng cho dân thường và có thể vi phạm Luật Nhân đạo quốc tế”.
Gaza đang bị tàn phá mỗi ngày bằng các đợt oanh kích quy mô lớn của Israel. (Nguồn: Getty) |
Michael Hanna, Giám đốc Chương trình Mỹ tại Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) nhận định: “Công chúng nhận thức rằng Mỹ là một phần của chiến dịch quân sự này. Điều đó sẽ gây rắc rối vì thời gian tới sẽ còn rất nhiều điều tồi tệ xảy đến trong cuộc chiến. Và đó là điều khiến chính quyền Mỹ lo ngại”.
Ngày 30/10, Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh tuyên bố, Mỹ không đặt ra bất kỳ giới hạn nào đối với việc Israel sẽ sử dụng vũ khí do Washington cung cấp trong cuộc xung đột. Mặc dù vậy, các quan chức Mỹ, bao gồm cả Ngoại trưởng Antony Blinken cho hay, họ đang liên lạc với những người đồng cấp Israel để thảo luận về việc cần thiết phải giảm thiểu thiệt hại cho thường dân.
Tin liên quan |
Mỹ nói viện trợ Ukraine và Israel là ‘khoản đầu tư thông minh’, Nga lập tức lên tiếng chỉ trích |
Theo chuyên gia Annie Shiel, trong số các loại vũ khí Mỹ cung cấp cho Israel, “việc chuyển hàng nghìn quả đạn pháo 155mm cho Israel gây ra mối quan ngại đặc biệt do việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ ở các khu vực đông dân cư sẽ gây tác hại không thể tránh khỏi đối với dân thường”.
Tổ chức Oxfam cho biết, loại đạn pháo này cũng đang được sử dụng rộng rãi trong các chiến hào ở cuộc xung đột Ukraine. Đáng chú ý, chúng có thể gây sát thương trong bán kính từ 100-300m.
Theo các chuyên gia vũ khí, việc không thể tiếp cận Dải Gaza khiến công tác theo dõi các loại khí tài, đạn dược mà IDF đang sử dụng trở nên đặc biệt khó khăn. Dù vậy, hầu hết đều cho rằng rất có thể vũ khí từ Mỹ đang được sử dụng trong cuộc xung đột.
“Tôi nghĩ nhiều khả năng vũ khí Mỹ đang được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động quân sự mà Israel triển khai ở Dải Gaza”, chuyên gia Elias Yousif dự đoán.
Trong quá khứ, các tổ chức nhân quyền cho biết, vũ khí, thiết bị quân sự của Mỹ đã từng được sử dụng trong các hoạt động quân sự của Israel, khiến dân thường thiệt mạng ở những địa điểm mà xung quanh không có bất cứ mục tiêu quân sự nào rõ ràng. Năm 2021, Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) từng khẳng định rằng vũ khí do Mỹ sản xuất đã được sử dụng trong ít nhất hai cuộc tấn công như vậy và điều này có thể được xem là vi phạm luật chiến tranh.
| Điểm tin thế giới sáng 7/11: Trung Quốc-Australia 'bắc cầu lại', EU tăng mạnh viện trợ Dải Gaza, 'cửa sáng' cho hồ sơ NATO của Thụy Điển Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 7/11. |
| Răn đe Iran, Mỹ điều tàu ngầm có tên lửa hành trình Tomahawk đến Trung Đông Mỹ đã đăng ảnh một tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình đến kênh đào Suez sau khi Iran cảnh báo Mỹ sẽ bị ... |
| Mỹ lại duyệt thương vụ bán thiết bị ném bom dẫn đường cho Israel Ngày 6/11, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ trị giá 320 triệu USD bán cho Israel thiết bị chế tạo bom dẫn ... |
| Tình báo Israel tiết lộ danh tính lãnh đạo Hamas hoạt động ở nước ngoài Cơ quan tình báo quốc phòng Israel (Aman) ngày 6/11 đã công bố danh sách các quan chức chính trị và ngoại giao hàng đầu ... |
| Hezbollah trong xung đột Israel-Hamas: Tưởng vậy mà không phải vậy Theo The Economist (Anh), bất chấp sự ủng hộ dành cho Hamas, các tuyên bố của Hezbollah cho thấy họ không muốn một cuộc xung ... |