TIN LIÊN QUAN | |
Đức và Italy tăng cường hợp tác đối phó khủng hoảng di cư | |
Obama - Merkel: Tình bạn dựa trên sự tin tưởng |
Ngày 18/3 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) với sự dẫn đầu của Thủ tướng Đức Angela Merkel đạt được thoả thuận: kể từ ngày 20/3, di dân tị nạn đến các đảo của Hy Lạp sẽ bị đưa trả về Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, các nước EU cũng sẽ nhận lại số người Syria tương ứng từ Thổ Nhĩ Kỳ theo công thức 1-1, tức là Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận hồi hương một người thì EU sẽ tiếp nhận một người tị nạn Syria.
Thỏa thuận nhiều tranh cãi
Các tổ chức nhân đạo như Bác sĩ không biên giới (MSF) và Cứu giúp Trẻ em (Save the Children) chỉ trích đây là một nỗ lực bất hợp pháp và vô nhân đạo để ngăn chặn người tị nạn nhập cư vào Tây Âu. Mặc dù thoả thuận này đã nhen nhóm hi vọng EU cuối cùng đã tìm được giải pháp để hạn chế dòng người nhập cư nhưng đồng thời nó cũng làm ảnh hưởng đến uy tín của EU như một tổ chức luôn bảo vệ nhân quyền.
Ở Đức, thoả thuận này đang gây chia rẽ dư luận. Các chính khách cánh tả chỉ trích thoả thuận làm suy yếu vị thế của bà Merkel cũng như kim chỉ nam của EU trong vấn đề di cư còn các chính khách cánh hữu cho rằng thoả thuận này "quá muộn" và làm được "quá ít". Nhưng cho đến giờ, sự thất vọng đối với thoả thuận trên có vẻ chưa làm ảnh hưởng tới tương lai chính trị của bà Merkel.
Ở bên ngoài nước Đức, thoả thuận cũng đang vấp phải sự phản đối kịch liệt. Bà Merkel được nhiều người coi là lãnh đạo EU duy nhất có cách tiếp cận chủ động trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn. Nhưng một số người đồng cấp ở châu Âu lại cho rằng việc bà Merkel đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ mà không tham vấn họ khiến họ vội vàng đánh giá tính hợp pháp của thoả thuận này.
Gia tăng vị thế
Bà Merkel lãnh đạo Đảng Liên minh dân chủ thiên chúa giáo (CDU) trong suốt 16 năm qua. Mặc dù vậy, trong những kì bầu cử gần đây ở vùng Baden-Wurttemberg và các vùng Rhineland-Palatinate và Saxony-Anhalt, CDU đã mất đi lần lượt 12% và 3% số phiếu bầu, chủ yếu do một lượng lớn các cử tri mới, những người đã ủng hộ mạnh mẽ Đảng cực hữu “Sự thay thế cho nước Đức” (AfD) có xu hướng bài tị nạn và hoài nghi về EU.
Một số chuyên gia cho đây là dấu hiệu chẳng lành. Tuy nhiên, CDU vẫn được đánh giá đang rất mạnh và kết quả tổng quan của cuộc bầu cử cho thấy sự ủng hộ đối với chính sách tị nạn của bà Merkel vẫn chưa suy yếu.
Tuy nhiên, có một ranh giới đang xuất hiện giữa Đức và các quốc gia thành viên EU khác. Chỉ cách đây vài năm, nhiều nước EU từng cảm thấy bế tắc vì thiếu tiếng nói của Đức trong các vấn đề đối ngoại thì gần đây sự căng thẳng ngày một gia tăng do sự xuất hiện của Đức với vai trò một “người chơi lớn” trong vấn đề đối ngoại xem chừng “rất kỳ cục”.
Bất chấp quy mô, sự ổn định và giàu có của nước Đức, kể từ cuối Thế chiến thứ Hai, các chính khách Đức vẫn e ngại thể hiện vai trò lãnh đạo của nước mình. Nhưng các lợi ích địa chính trị đã dần đưa Đức trở thành tâm điểm. Sau khi Nga can thiệp vào Ukraine năm 2014, phương Tây trông chờ Đức xử lý cuộc khủng hoảng này. Thay vì "lãnh đạo từ phía sau", bà Merkel tuyên bố sự quyết liệt của Nga đã xâm phạm trật tự hoà bình của châu Âu và bà đã cùng các nước đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc khiến nền kinh tế của Nga phải lao đao.
Đương nhiên không nên đánh đồng sức mạnh kinh tế với sức mạnh quân sự. Văn hoá chính trị của Đức và mối quan hệ phức tạp với “sức mạnh cứng” sẽ ngăn nước này sử dụng các công cụ đối ngoại “hung hăng”, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Mặc dù vậy, trong vài năm trở lại đây, vai trò của Đức trên trường quốc tế bắt đầu gia tăng. Những hành động của Đức trong cuộc khủng hoảng tị nạn là những dấu hiệu mới nhất cho thấy sự quyết đoán ngày một tăng của nước này.
Sự quyết đoán thắng thế
Nhưng nước Đức đang ngày cảm thấy thoải mái hơn với vai trò lãnh đạo của mình không có nghĩa là phần còn lại của EU hài lòng với vai trò “đi đầu” của bà Merkel. Sự quan ngại của các nhà lãnh đạo EU về thoả thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ của bà Merkel cũng phản ánh sự khó chịu của người dân EU với các chính sách "thắt lưng buộc bụng" của bà Merkel, cùng với việc Đức nhất quyết cho phép Nga mở rộng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 và sự phản đối Hiệp định Đối tác Đầu tư - Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP )được bà Merkel ủng hộ. Sự phản đối của EU không ngăn được các chính sách thắt chặt chi tiêu ở diện rộng nhưng nó tạm thời chặn đứng kế hoạch xây đường dẫn khí Nord Stream 2 và việc thông qua TTIP. Khi mà nước Đức tiếp tục cảm thấy tự tin hơn, bà Merkel sẽ có sức mạnh kinh tế, chính trị và quan trọng hơn nữa là ý chí chính trị để thông qua các chính sách chưa được lòng dân qua hệ thống phức tạp của EU.
Với thái độ chống đối kịch liệt từ đại đa số các quốc gia EU còn lại đối với người tị nạn, bà Merkel sẽ cần đến tất cả sức mạnh kinh tế, chính trị và cả sự quyết đoán cá nhân để chiến đấu cho một châu Âu tương đối mở cửa đối với người tị nạn. Đây là điều cần thiết hơn bao giờ hết với chính sách nhập cảnh ngặt nghèo của nhiều quốc gia.
Khi mà các chính sách chống tị nạn đã trở thành một "quy chuẩn" mới ở châu Âu, thoả thuận của bà Merkel với Thổ Nhĩ Kỳ càng hợp lý hơn. Tuy nhiên, dù bà Merkel có quyền lực đến mấy thì Đức vẫn chỉ là một trong 28 thành viên EU. Thậm chí Nils Muiznieks, Uỷ viên phụ trách nhân quyền của Hội đồng châu Âu cũng cho rằng "không có bất kỳ giải pháp mang tính quốc gia nào có thể giải quyết được thách thức di cư này. Việc nghĩ rằng bạn có thể một tay xử lý vấn đề này là ảo tưởng và sẽ là ảo tưởng nếu bạn nghĩ rằng mình có thể đùn đẩy trách nhiệm cho các thành viên khác".
Rất có thể nước Đức của bà Merkel tiếp tục "đơn thương độc mã" trong việc thúc đẩy một phản ứng rõ ràng hơn trước cuộc khủng hoảng cho tới khi phần còn lại của EU nhận ra việc một quốc gia giải quyết một vấn đề ở quy mô toàn lục địa là bất khả thi, kể cả đó là nước Đức. Với việc các quốc gia thành viên EU vẫn cư xử thiếu hợp tác bất chấp rất nhiều lời kêu gọi từ các quan chức hàng đầu EU, sự khốn khổ tột cùng ở nhiều trại tị nạn như Idomeni và nhiều cuộc tấn công khủng bố khác nhau ở trung tâm của Tây Âu, rất khó để tưởng tượng ra điều gì sẽ thuyết phục các quốc gia này hợp tác với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, ngay cả khi các quốc gia thành viên EU đồng ý hợp tác thì Uỷ ban châu Âu cũng đã có các kế hoạch triển khai: Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Juncker đưa vấn đề di cư làm ưu tiên hàng đầu trong việc hoạch định chính sách và đề xuất các bước thực hiện bao gồm việc tăng cường sức mạnh cho cơ quan an ninh biên giới Frontex của EU và đảm bảo các luật tị nạn của EU được áp dụng đồng bộ.
Việc bà Merkel đạt được một thoả thuận cho phép những người tị nạn vào châu Âu bất chấp các tranh cãi là một chiến thắng cho quan điểm ủng hộ người tị nạn của bà. Quả thật như vậy vì trên thực tế, các điều khoản của thoả thuận không yêu cầu EU nới lỏng các tiêu chí hội nhập hoặc thay đổi tiêu chuẩn gia nhập khối Schengen để cho phép Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên như nhiều nhà quan sát đã lo ngại. Đương nhiên thoả thuận này sẽ thất bại nếu Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ không thực thi. Nhưng ít ra nó vẫn giúp bà Merkel có một cơ hội để đối trọng lại với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dân tuý hiện đang áp đảo. Trong bối cảnh châu Âu ngày càng trở nên bài tị nạn, sự lãnh đạo trên nền tảng nguyên tắc vẫn là điều hết sức cần thiết ngay lúc này.
Từ tháng 1/2016, Đan Mạch đã thông qua các biện pháp cho phép các nhân viên nhập cảnh tịch thu tất cả các đồ dùng không có giá trị về tình cảm của những người tị nạn để chi trả cho chỗ ăn ở của họ. Croatia, Macedonia và Slovenia đã đóng cửa các con đường ở vùng Balkan, còn Chính phủ mới của Ba Lan tuyên bố sẽ không nhận bất kỳ người tị nạn nào, do đó từ chối tôn trọng cam kết của người tiền nhiệm của mình là nhận 7.000 người tị nạn. Kể cả Áo, trước đây là nước ủng hộ chính sách tị nạn của bà Merkel mạnh mẽ nhất, đã đặt giới hạn cho số người nhập cư, số đơn xin tị nạn mỗi ngày, xây dựng hàng rào và triển khai quân đội dọc biên giới với Slovenia. Các nước EU khác cũng áp dụng các biện pháp ngăn cản những người nhập cư đi vào, chưa nói đến chuyện ở lại nước mình. |