Mỹ điều B-52 tập trận cùng tàu sân bay ở Biển Đông. (Nguồn: Hải quân Mỹ) |
Washington "được pháp luật ủng hộ"
Tuyên bố về Biển Đông mới đây của Mỹ khẳng định: “Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở gần như toàn bộ Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch dọa nạt của họ nhằm kiểm soát chúng”. Đây không phải là sự thay đổi trong quan điểm của Mỹ mà là lời tuyên bố rõ ràng đối với ý định thiết lập “đường ranh giới trên cát” mà Bắc Kinh không nên vượt qua.
Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói: “Mỹ đang công khai tuyên bố rằng việc Trung Quốc tiến hành hoạt động đánh bắt cá và thăm dò dầu khí, hoặc các hoạt động kinh tế khác ở các khu vực đó, hoặc can thiệp vào quyền lợi của các nước láng giềng là điều bất hợp pháp. Lần tới, nếu Trung Quốc lại quấy rầy các nước láng giềng trong Vùng đặc quyền kinh tế của họ thì có thể thúc đẩy một hành động cứng rắn hơn của Mỹ".
Hunter Marston, nghiên cứu sinh của Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng có thể hiện nay Bắc Kinh đang ở thế yếu khi tất cả các quốc gia đang khẳng định lại phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye năm 2016.
Trong một báo cáo gần đây thể hiện sự quan ngại đối với tình hình Biển Đông, Phó Giáo sư Oriana Skylar Mastro thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nhận định rằng Trung Quốc có thể coi hành động quân sự là biện pháp duy nhất nếu họ mất đi lựa chọn ngoại giao để khẳng định các tuyên bố chủ quyền của mình. Mối quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục xấu đi và khiến hai bên có những cách tiếp cận khác hơn trong vấn đề Biển Đông.
Bắc Kinh là một bên ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 nhưng lại tuyên bố tất cả các phán quyết đi ngược lại các lợi ích của họ là “không liên quan” hoặc “không có hiệu lực”. Trong khi đó, Washington không phải là một bên ký kết UNCLOS nhưng đang tìm cách thực thi thẩm quyền của họ đối với tranh chấp này. Tuy nhiên, ông Marsto chỉ ra rằng Mỹ đang hành động theo luật pháp ở nơi mà Bắc Kinh không hề hành động như vậy. Ông nói: “Tôi cho rằng Washington đang thực sự được pháp luật ủng hộ ở đây”.
Mỹ vẫn luôn quan tâm đến việc ngăn chặn Trung Quốc áp đặt kiểm soát trên Biển Đông. Phó giáo sư Mastro nói: “Việc duy trì tiếp cận tự do và rộng mở tại tuyến đường thủy này không chỉ quan trọng về kinh tế mà còn nhằm thực thi quy tắc tự do hàng hải quốc tế. Khả năng của Trung Quốc nhằm kiểm soát tuyến đường thủy này sẽ là một bước đi quan trọng hướng tới loại bỏ Mỹ khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mở rộng ảnh hưởng kinh tế của họ và sắp xếp lại trật tự khu vực có lợi cho họ”.
Trong khi đó, nghiên cứu sinh Marston nói rằng Mỹ không hề gây chia rẽ khu vực này. Họ vẫn trung lập trong việc xác định ai là người có quyền sở hữu các hòn đảo nào, và lập luận rằng Liên hợp quốc đã xác định rõ các thủ tục và quy chuẩn để giải quyết các tranh chấp như vậy.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Khả năng một cuộc đối đầu trên Biển Đông dưới hình thức nào đó đang ngày một gia tăng. Ông Poling lập luận điều này dường như đặc biệt có khả năng xảy ra trong đại dịch hiện nay. Tuy nhiên, ông cho rằng cuối cùng sự leo thang mạnh hơn có thể kích động sự thỏa hiệp.
Mặc dù vậy, Bắc Kinh vẫn luôn có xu hướng phản ứng với sức ép bằng việc leo thang hơn nữa. Và tuyên bố của Washington có khả năng khiến Bắc Kinh càng phản ứng mạnh hơn. Hiện vẫn chưa rõ cách phản ứng của Bắc Kinh là gì.
Nghiên cứu sinh Marston nhận định: “Có thể Bắc Kinh sẽ cho rằng đã đến lúc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông vốn đã được đồn đoán trong nhiều năm qua. Họ đã thiết lập ADIZ trên Biển Hoa Đông, nhưng chưa thực sự thực thi nó. Đó chỉ là chiến thuật mang tính biểu tượng và hăm dọa".
Những tuyên bố và động thái gần đây của Mỹ tại khu vực làm dấy lên đồn đoán rằng, trong tương lai, Mỹ chắc chắn sẽ có nhiều chiến dịch quân sự đa dạng và mạnh mẽ ở Biển Đông. Trung Quốc và Mỹ đang trong một giai đoạn nguy hiểm. Hai nước liên tục thử thách giới hạn của nhau.