Mỹ và châu Âu thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh. (Nguồn: politico.eu) |
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho hay: “Khi chúng ta ngồi đây, trong căn phòng này, chính sách công nghiệp của Trung Quốc tưởng chừng như là một câu chuyện xa vời. Nhưng nếu chúng ta không phản ứng một cách chiến lược và thống nhất, sinh tồn của các doanh nghiệp ở cả Mỹ và châu Âu cũng như trên thế giới có thể lâm nguy”.
Tuần này, bà Yellen sẽ tham dự cuộc họp của các bộ trưởng tài chính thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và dự kiến thúc đẩy tầm nhìn chung về thương mại với Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, thời gian qua, dù Liên minh châu Âu (EU) thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh, nhưng nhiều quan chức khối này vẫn hoài nghi liệu cách tiếp cận của Washington với quốc gia châu Á có đi ngược với các quy định thương mại toàn cầu hay không.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, khối 27 thành viên đang tìm cách bảo toàn mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc - một đối tác thương mại lớn của khu vực.
Trước đó, ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 18 tỷ USD (tương đương 16,67 tỷ Euro).
Sau gần 4 năm xem xét, Washington sẽ tăng thuế trong các lĩnh vực mục tiêu, trong đó xe điện của Trung Quốc. Tổng mức thuế đối với các loại xe điện sẽ tăng vọt lên 102,5% từ mức 27,5% hiện tại.
Các biện pháp mới cũng nhắm vào các công nghệ khác bao gồm pin, pin Mặt trời, thép và nhôm. Thuế sẽ tăng từ 7,5% lên 25% đối với pin lithium, từ 0 lên 25% đối với khoáng sản quan trọng, từ 25% lên 50% đối với pin Mặt trời và từ 25% lên 50% đối với chất bán dẫn.