Số đối tượng chống đối đã lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong quá trình xử lý, sự búc xúc của người bị hại để tuyên tuyền xuyên tạc, kích động người biểu tình, gây rối ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự (ANTT) đất nước.
Những năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự gia tăng kỷ lục về khối lượng phát hành. (Ảnh minh họa) |
Những nguy cơ tác động đến an ninh, trật tự
Thị trường trái phiếu Việt Nam được xác lập từ những năm 1990 với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 120-CP ngày 17/9/1994 về Quy chế tạm thời phát hành trái phiếu doanh nghiệp Nhà nước và Nghị định số 23-CP ngày 22/3/1995 về việc phát hành trái phiếu quốc tế.
Những năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự gia tăng kỷ lục về khối lượng phát hành, số lượng doanh nghiệp tham gia và đã trở thành một kênh huy động vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, giảm bớt sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng.
Về bản chất, trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ một năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.
Do pháp luật không quy định bắt buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ phải có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh thanh toán nên các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường sử dụng danh nghĩa của công ty “mẹ” hoặc các công ty liên quan có chung nguồn gốc sở hữu hoặc sử dụng các tài sản bảo đảm không đủ điều kiện, tài sản hình thành trong tương lai để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư nếu không tiếp cận được chi tiết phương án phát hành và không hiểu rõ về doanh nghiệp, không đọc kỹ hợp đồng mua trái phiếu thì rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là rất cao.
Mặc dù các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo, song chủ yếu là các tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ, nhưng vẫn phát hành khối lượng lớn trái phiếu nhằm huy động vốn cho công ty “mẹ” sử dụng.
Do doanh nghiệp chưa được xếp hạng tín nhiệm, tài sản đảm bảo chưa được định giá độc lập nên việc phát hành trái phiếu dẫn đến rủi ro đầu tư và những nguy cơ tranh chấp pháp lý. Mức lãi suất trái phiếu cao khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, mất khả năng thanh toán.
Một số doanh nghiệp lợi dụng, câu kết với các đơn vị tư vấn, đơn vị kiểm toán, gian dối, lách các quy định của pháp luật để phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn phi pháp, sử dụng không đúng mục đích phát hành để đảo nợ ngân hàng, thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn, chi hoa hồng để phục vụ huy động vốn, đem đi đầu tư các hoạt động kinh doanh khác… nên tiềm ẩn nhiều sai phạm, phát sinh nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và an ninh tài chính, tiền tệ ngay khi nhà đầu tư bỏ tiền mua trái phiếu.
Thời gian qua, trước những sai phạm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, các cơ quan Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách chấn chỉnh và tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm. Tuy nhiên, sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng là chủ các tập đoàn T.H.M, V.T.P, FLC để điều tra, làm rõ về các hành vi thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; chậm thanh khoản hợp đồng mua, bán trái phiếu của các công ty chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng…, nhiều thông tin thất thiệt, sai sự thật, chưa được kiểm chứng xuất hiện trên không gian mạng đã tác động tiêu cực đến số trái chủ.
Số đối tượng chống đối chính trị ở trong và ngoài nước thường xuyên đăng tải, chia sẻ video clip, hình ảnh tập trung đông người của số trái chủ, khách hàng; các đài, báo thiếu thiện chí ở nước ngoài tăng cường tuyên truyền, xuyên tạc, đả phá vai trò lãnh đạo, điều hành kinh tế của Đảng, Nhà nước; kích động chống phá, tung tin đồn thất thiệt, tìm cách gắn những phức tạp của thị trường tài chính, bất động sản, việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm với “đấu đá, thanh trừng” nội bộ. Số trái chủ cực đoan, quá khích thường xuyên đăng tải các thông tin chưa được kiểm chứng, bình luận phiến diện, công kích vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước, của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính; bình luận tiêu cực về hoạt động của các ngân hàng, doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Thủ đoạn tuyên truyền của các đối tượng rất tinh vi, xảo quyệt, có tính chất nguy hiểm cao khi đồng thời triển khai hai mũi “giáp công”. Một mặt gia tăng tấn công phá hoại nội bộ, mặt khác tung nhiều thông tin thất thiệt, tìm cách gắn những diễn biến của thị trường tài chính, bất động sản, việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm với luận điệu “đấu đá, thanh trừng” nội bộ.
Qua đó, làm gia tăng tâm lý bất an trong dư luận, nhất là sau khi một số đồng chí lãnh đạo cấp cao từ nhiệm. Đây chính là tiền đề kêu gọi, kích động người dân, các “trái chủ” tụ tập, biểu tình trước cơ quan nhà nước nhằm gây bất ổn an ninh chính trị, gây phương hại đến an ninh kinh tế tại Việt Nam.
Cơ quan Công an đang ngăn chặn tình trạng lợi dụng trái chủ, khách hàng để thực hiện hành vi chống phá Đảng, Nhà nước. (Nguồn: daibieunhandan.vn) |
Hoạt động tập hợp lực lượng, kích động biểu tình, gây rối ANTT
Nhằm tổ chức biểu tình với quy mô lớn, các nhóm trái chủ đã hình thành “Ban liên lạc”, “Ban điều hành”, “Ban kết nối”, liên kết mở rộng thông qua hoạt động của hội, nhóm trên các nền tảng Zalo, Facebook, Telegram, Viber… Thành viên tham gia chủ yếu là những người có liên quan trực tiếp, có quyền lợi bị ảnh hưởng theo từng địa phương hoặc từng loại trái phiếu.
Trên các nhóm, các thành phần cốt cán sẽ hướng dẫn cách thức tổ chức tụ tập, biểu tình, gây sức ép với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Đồng thời kêu gọi lập “quỹ hỗ trợ” phục vụ cho các đợt tụ tập, biểu tình. Sau khi thành lập, các nhóm trái chủ luôn có sự thanh lọc, kiểm duyệt thành viên, sáp nhập, đổi tên nhóm nhằm tránh sự theo dõi, xử lý của cơ quan chức năng.
Điển hình, nhóm “H.N.X” đã lập nhóm Telegram “H.N.X” làm nhóm trung tâm để bàn bạc, đề ra phương hướng hoạt động cho toàn bộ hệ thống các nhóm trái chủ. Số đối tượng quản trị các nhóm trái chủ đã có những phát ngôn tiêu cực, kích động, tung tin tiêu cực về hoạt động của một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp bất động sản lớn; bịa đặt việc một số người đứng đầu doanh nghiệp lớn bỏ trốn hoặc sắp bị bắt, sắp phá sản là “sân sau” của một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vừa từ nhiệm; kích động thành viên gia tăng gây áp lực đến lãnh đạo các cấp, cơ quan công quyền trong cả nước để “đòi quyền lợi”.
Lợi dụng vấn đề trên, tổ chức “Việt Tân” tìm cách huy động tối đa mạng lưới truyền thông để gia tăng tán phát thông tin, kích động số trái chủ tụ tập trước trụ sở các cơ quan chức năng để đòi quyền lợi; chỉ đạo số cơ sở trong nước tham gia vào các nhóm trên không gian mạng của các trái chủ để dẫn dắt, tạo tâm lý bức xúc, kích động các trái chủ tụ tập biểu tình gây rối ANTT, tạo cớ làm “ngòi nổ” kích động biểu tình trên diện rộng.
Dưới sự kích động của các phần tử xấu, từ năm 2023 đến nay, tại 16/63 tỉnh, thành phố đã xuất hiện 338 cuộc/13.001 lượt khách hàng tụ tập đông người với băng rôn, biểu ngữ tại khu vực trụ sở các cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trụ sở tiếp dân Thanh tra Chính phủ, trụ sở tiếp dân của UBND thành phố Hà Nội, trụ sở các Tập đoàn T.H.M, V.T.P…, hội sở, chi nhánh ngân hàng SCB, Công ty chứng khoán Tân Việt, Công ty bảo hiểm Manulife.
Để tạo “sóng ngầm trong bể”, một số trái chủ còn móc nối, cung cấp thông tin cho phóng viên báo chí nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận; nộp đơn tập thể khởi kiện doanh nghiệp, ngân hàng… Đặc biệt, sau các cuộc biểu tình, số trái chủ cho rằng “đã đạt được một số kết quả nhất định” và tiếp tục cổ súy, kích động, “duy trì các điểm nóng”, số quản trị đã tiến hành tái cơ cấu lại các nhóm trái chủ, thanh lọc, kiểm duyệt để chọn lọc số thành viên hoạt động “thực chất”.
Số trái chủ đã tự nguyện quyên góp tiền để duy trì, hỗ trợ các hoạt động đòi quyền lợi. Số quản trị viên các nhóm trái chủ lên kế hoạch tổ chức quay phim, ghi hình hoạt động tụ tập, biểu tình cũng như công tác giải quyết tụ tập của lực lượng chức năng khác để chuyển cho phóng viên các báo thực hiện phóng sự. Những hoạt động trên tiềm ẩn nguy cơ “dàn cảnh gây sự” với lực lượng Công an nhằm sử dụng báo chí, truyền thông để tạo dư luận tiêu cực, cũng như thu hút sự quan tâm, theo dõi của các tổ chức quốc tế.
Hoạt động của số trái chủ diễn biến ngày càng phức tạp, “đối phó” với cơ quan chức năng. Họ gia tăng kêu gọi, kích động tập trung đông người cả về quy mô, tính chất, số lượng và thành phần với sự liên kết chặt chẽ ở nhiều địa phương. Số cầm đầu còn móc nối, thuê thương binh tham gia đòi quyền lợi để gây sự chú ý của dư luận, gây áp lực với doanh ngiệp, tạo bình phong cản trở quá trình xử lý của cơ quan chức năng.
Các yêu sách đưa ra không chỉ gây sức ép với các doanh nghiệp mà còn chuyển sang quy kết trách nhiệm cho các cơ quan, ban, ngành chức năng, cho rằng Bộ Tài Chính, Bộ Công an “tiếp tay”, “dung túng” cho doanh nghiệp sai phạm.
Sau những hoạt động tụ tập đông người diễn ra chủ yếu tại các hội sở, trụ sở ngân hàng, người biểu tình đã chuyển hướng kéo đến các cơ quan Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công an tụ tập, đưa yêu sách. Số cầm đầu, tích cực tuyên truyền, phát tán thông tin cho rằng các doanh nghiệp vẫn còn khả năng thanh khoản, thanh toán trái phiếu cho các nhà đầu tư nhưng do bị Cơ quan điều tra phong tỏa tài sản nên không thể giải ngân, từ đó kích động số trái chủ chuyển hướng đấu tranh, tập trung đông người tại trụ sở Bộ Công an để gây áp lực, yêu sách với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu để gỡ bỏ tài sản bị phong tỏa.
Những hoạt động nêu trên đã tạo điều kiện cho số đối tượng chống đối trong và ngoài nước xuyên tạc, “đổ thêm dầu vào lửa” nhằm kích động biểu tình, gây rối ANTT với quy mô lớn.
Trong thời gian tới, kinh tế thế giới và trong nước dự báo còn khó khăn, tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường, nhất là thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm. Các thế lực thù địch sẽ triệt để lợi dụng tình hình để kích động chống phá, gây bất ổn xã hội.
Các nhóm “trái chủ”, “bảo hiểm” gia tăng liên kết, móc nối, củng cố tổ chức, kích động, tổ chức tụ tập, biểu tình, gia tăng áp lực nhằm đòi quyền lợi, tiềm ẩn nguy cơ tích tụ mâu thuẫn lợi ích chuyển hóa thành mâu thuẫn xã hội, hình thành lực lượng đối kháng, tập dượt “bất tuân dân sự”, phần tử xấu lợi dụng “trà trộn” kích động, dẫn dắt, hỗ trợ tài chính để tổ chức các cuộc biểu tình phá rối an ninh.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần khẩn trương ngăn chặn, xử lý các hội, nhóm bất hợp pháp; có biện pháp răn đe, xử lý số cầm đầu, quá khích; tăng cường tuyên truyền định hướng dư luận, hướng dẫn người dân bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định pháp luật.
Có cách thức cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ cho các cơ quan báo chí, truyền thông để đưa tin khách quan, ổn định tâm lý các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các bộ, ban ngành liên quan, chủ động nghiên cứu, kịp thời tham mưu Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ, ổn định tình hình, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.