Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí the Journal of Attention Disorders. Theo đó, các nhà khoa học cho rằng, cha mẹ có thể giúp cho những đứa con bị mắc hội chứng ADHD bằng cách thay đổi thói quen hàng ngày của chúng.
Thay đổi thói quen hàng ngày có thể là chìa khóa quan trọng trong việc cải thiện hội chứng ADHD ở trẻ. (Nguồn: UPI) |
Để chứng minh điều đó, các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, Tổ chức Chăm sóc Giấc ngủ Quốc gia và Bộ Nông nghiệp Mỹ đã tiến hành quan sát 184 trẻ bị ADHD và 104 trẻ bình thường trong độ tuổi từ 7-11 tuổi. Kết quả cho thấy, những đứa trẻ bị ADHD ít có khả năng bắt chước những việc làm tốt.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã đưa ra khuyến cáo trẻ em không nên sử dụng các thiết bị điện tử (tivi, máy tính) quá 1-2 giờ/ngày, có ít nhất 1 giờ/ngày tham gia các hoạt động thể chất và ngủ từ 9-11 tiếng/đêm; uống 7-10 ly nước/ngày, tùy độ tuổi.
"Khi có con em bị mắc hội chứng ADHD, đa số phụ huynh đều không muốn dùng thuốc mà muốn tác động đến thói quen sinh hoạt hàng ngày của trẻ.Tuy nhiên, họ nên được bác sĩ tư vấn về việc làm thế nào để cải thiện hành vi của con mình, chẳng hạn như hạn chế thời gian ngồi trước màn hình, khuyến khích hoạt động thể chất, cải thiện thói quen đi ngủ và uống nước... Điều này có thể làm giảm nhiều triệu chứng như khó chịu, bị phân tâm hoặc có hành vi bốc đồng", Kathleen Holton - tác giả chính của nhóm nghiên cứu cho biết.
Bên cạnh đó, việc thay đổi thói quen có thể kéo theo một số việc làm tích cực khác. Chẳng hạn như tham gia các hoạt động thể chất sẽ khiến trẻ nhanh khát, lúc đó lượng nước tiêu thụ cũng nhiều hơn và hạn chế được thói quen ngồi trước màn hình và cải thiện giấc ngủ; loại bỏ các thức uống chứa caffeine có thể giúp ngăn ngừa rối loạn giấc ngủ.
Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu, chúng ta cần phải thay đổi các chẩn đoán cũ về ADHD trong nhiều năm qua. Trên thực tế nhiều ca bị chẩn đoán nhầm giữa hội chứng ADHD với chứng đau tim, các bệnh về tim, từ đó gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Hội chứng ADHD (tăng động, giảm chú ý) là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em, đặc điểm chung của ADHD là những hành vi hiếu động quá mức đi kèm với sự suy giảm khả năng chú ý. Căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em về khả năng học tập và trong quan hệ với những người xung quanh. Theo thống kê cứ 100 trẻ thì có từ 3 - 5 trẻ mắc rối loạn này với một số triệu chứng bắt đầu trước tuổi lên 7. Lứa tuổi hay mắc là từ 8 - 11 tuổi, bé trai có khả năng mắc cao gấp 3 lần bé gái, khi trưởng thành bệnh có xu hướng giảm, ở tuổi 20 tỉ lệ mắc còn chừng 1% và ở tuổi trung niên là 0,5%. |