Máy bay viện trợ là một phần trong chỉ thị của các nhà lãnh đạo Saudi dành cho KSrelief nhằm cung cấp hỗ trợ thực phẩm và nơi ở cho các nạn nhân lũ lụt. (Nguồn: SPA) |
Chuyến bay viện trợ đầu tiên của Saudi Arabia đã khởi hành từ sân bay quốc tế King Khalid ở Riyadh đến sân bay quốc tế Benina ở Benghazi vào ngày 16/9, mang theo 90 tấn thực phẩm và hàng cứu trợ để phân phát cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Libya.
Theo hãng thông tấn SPA, Quốc vương Salman và Thái tử Mohammed bin Salman mới đây đã chỉ đạo cơ quan viện trợ KSrelief của Saudi Arabia cung cấp hỗ trợ lương thực và nơi ở cho các nạn nhân. Một nhóm chuyên môn từ KSrelief sẽ giám sát việc cung cấp viện trợ phối hợp với tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Libya.
Tổng giám sát KSrelief, Tiến sĩ Abdullah Al-Rabeeah cho biết, những nỗ lực này là một phần trong vai trò nhân đạo của vương quốc dầu mỏ trong việc hỗ trợ các quốc gia trong thời kỳ khủng hoảng và khó khăn.
Thảm họa chưa từng có...
Những cơn mưa lớn do bão Daniel gây thiệt hại nặng nề ở miền Đông Libya vào tối 10/9, phá hủy 2 con đập gần thành phố ven biển Derna, khiến nước tràn vào thung lũng. Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Libya cho biết, số người thiệt mạng ở thành phố Derna đã lên tới 11.300 tính đến ngày 14/9 (theo giờ địa phương). Con số thiệt mạng sẽ tiếp tục tăng do vẫn còn khoảng 10.100 người mất tích.
Trong bình luận với đài truyền hình Al Arabia ngày 15/9, Thị trưởng Derna Abdel-Moneim al-Ghaithi cho biết số người chết có thể lên tới 20.000. Theo giới chức địa phương, còn hàng nghìn người vẫn đang bị vùi lấp trong các đống đổ nát hoặc bị nước lũ cuốn ra Địa Trung Hải.
Theo hãng thông tấn Anadolu, lũ lụt do bão Daniel gây ra là thảm họa chưa từng có ở khu vực Maghreb, thế giới Arab hay thậm chí trên toàn cầu trong thế kỷ XXI. Bảy ngày trôi qua, "mùi chết chóc tràn ngập trong không khí", như lời Ali Al-Ghazali, một người dân sống ở Derna.
Theo ông Tawfik Shoukri, người phát ngôn của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Libya, các đội cứu hộ địa phương và quốc tế đang làm việc suốt ngày đêm để tìm kiếm thi thể và những người có thể còn sống sót.
Trong khi đó, thông báo của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ngày 15/9 cho biết, hơn 38.640 người ở Đông Bắc Libya đã phải di dời các khu vực bị lũ lụt nặng nề, trong đó riêng ở Derna là 30.000 người.
Đội cứu hỏa và cứu hộ tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát của tòa nhà bị sập ở thành phố Derna ngày 14/9. (Nguồn: AFP) |
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths nhận định, tác động của biến đổi khí hậu và thiếu năng lực ứng phó khẩn cấp trước thảm họa là hai nguyên nhân chính khiến hàng nghìn người thiệt mạng trong thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại tại Libya.
Tại cuộc họp báo vào tối 15/9, Tổng chưởng lý Libya Sadeq Assour thông báo đã thành lập một Ủy ban điều tra gồm 26 thành viên thuộc nhiều cơ quan khác, để tìm hiểu nguyên nhân gây vỡ hai con đập dẫn đến thảm họa lũ lụt nghiêm trọng. Việc điều tra sẽ làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ việc, nhất là kết luận có xảy ra sai phạm hay không.
Một báo cáo của cơ quan kiểm toán quốc gia Libya công bố năm 2021 cho thấy hai con đập được xây dựng vào những năm 1970 này đã không được bảo trì, mặc dù chính phủ đã chi hơn 2 triệu USD cho mục đích này vào năm 2012 và 2013.
Tổ chức Cứu trợ Hồi giáo cảnh báo về "cuộc khủng hoảng nhân đạo thứ hai" sau trận lũ lụt, chỉ ra "nguy cơ ngày càng tăng về các bệnh lây truyền qua nước và tình trạng thiếu lương thực, nơi ở và thuốc men". |
Sự sát cánh của cộng đồng quốc tế
Ngày 14/9, Liên hợp quốc đã đưa ra lời kêu gọi quyên góp hơn 71 triệu USD để hỗ trợ hàng trăm nghìn người gặp khó khăn, đồng thời thiết lập một hành lang trên biển để cứu trợ khẩn cấp và sơ tán.
Cùng ngày, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết WHO sẽ trích 2 triệu USD từ quỹ khẩn cấp để hỗ trợ các nạn nhân. Gọi lũ lụt ở Libya là "thảm họa có quy mô lớn", ông Tedros nêu rõ, nhu cầu sức khỏe của những người sống sót ngày càng trở nên cấp thiết hơn, trong khi số người thiệt mạng ngày một tăng.
Bên cạnh những lời chia buồn và cam kết sát cánh cùng người dân Libya vượt qua thảm kịch đau lòng, nhiệm vụ cứu trợ đã tăng tốc với Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nằm trong những quốc gia đầu tiên đẩy mạnh viện trợ cho quốc gia Bắc Phi.
Hai ngày sau thảm họa, Thổ Nhĩ Kỳ điều 3 máy bay vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo cùng với một đội cứu hộ và một đội nhân viên y tế gồm 11 thành viên tới Libya. Ba máy bay quân sự của các lực lượng vũ trang Ai Cập chở vật tư y tế, thực phẩm và một nhóm gồm 25 nhân viên cứu hộ tham gia hoạt động cứu trợ ở quốc gia láng giềng.
UAE gửi hai máy bay viện trợ chở 150 tấn thực phẩm, hàng cứu trợ và vật tư y tế. Kuwait gửi một máy bay chở 40 tấn hàng tiếp tế, còn Jordan gửi một máy bay quân sự chở đầy thực phẩm, lều, chăn và nệm. Algeria điều động 8 máy bay của lực lượng không quân Algeria vận chuyển các nhu yếu phẩm như lương thực, vật tư y tế, quần áo và lều.
Trong khi Anh thông báo sẽ gửi “gói viện trợ ban đầu” trị giá 1 triệu bảng Anh (1,25 triệu USD), Italy phân bổ 350.000 Euro (373.000 USD) để hỗ trợ ban đầu, đồng thời cử 3 máy bay chở thiết bị và đội cứu hộ tới Libya. Đức cũng đã gửi 2 máy bay vận tải quân sự chở 30 tấn nhu yếu phẩm, bao gồm lều, chăn, giường cắm trại… Na Uy cam kết cung cấp 25 triệu Krone Na Uy (2,32 triệu USD) và sẵn sàng cung cấp thêm hỗ trợ giúp Libya đối phó với thảm họa.
Nhật Bản cung cấp hàng cứu trợ và viện trợ lương thực, trị giá khoảng 700.000 USD, sẽ được lấy từ nguồn hàng viện trợ của Nhật Bản đã có sẵn ở Libya do được gửi thông qua Chương trình Lương thực thế giới (WFP) từ trước đó.
Chuyến bay viện trợ của Saudi Arabia ngày 16/9 là nỗ lực mới nhất của cộng đồng quốc tế trong việc chia sẻ khó khăn với Libya. Người dân Derna có thể mất vài tháng, thậm chí vài năm mới có thể khắc phục hậu quả của thảm họa song những nỗi đau về sự mất mát có lẽ còn lâu hơn mới nguôi ngoai…