Năm 2019, Việt Nam đã cử một Bệnh viện dã chiến gồm 63 thành viên theo hình thức đơn vị và 5 sĩ quan theo hình thức cá nhân lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Cộng hòa Nam Sudan (UNMISS).
Các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam sau buổi huấn luyện cho Tiểu đoàn Bộ binh Mông Cổ. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp) |
Tại Phái bộ, các hoạt động thay đổi quân của đơn vị cũng như các sĩ quan theo hình thức cá nhân đến từ các nước diễn ra thường xuyên. Hoạt động huấn luyện cho người mới tới Phái bộ được phụ trách bởi Trung tâm huấn luyện hỗn hợp của Phái bộ. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, việc huấn luyện này chuyển từ hình thức trực tiếp sang hình thức trực tuyến.
Bên cạnh đó, nhiều quy định mới về những biện pháp phòng, chống, đối phó với đại dịch được ban hành và những nội dung trên thực địa cần được cập nhật, huấn luyện tại địa bàn.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam là đơn vị quân y có quy mô lớn nhất tại căn cứ Bentiu, có chức năng chăm sóc, khám và điều trị cho hơn 2.200 nhân viên Liên hợp quốc tại căn cứ này.
Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và đã lan ra nhiều quốc gia trên thế giới. Cộng hòa Nam Sudan cũng không ngoại lệ, dịch bắt đầu được phát hiện tại quốc gia này vào tháng 4/2020. Tuy nhiên tại Việt Nam, dịch bệnh xuất hiện từ sớm. Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được công bố vào ngày 22/1/2020.
Khoảng giữa tháng 4/2020, tại Việt Nam đã có 264 bệnh nhân Covid-19. Khoảng thời gian đó, ngoài cộng đồng không còn ca nhiễm mới, dịch cơ bản được khống chế. Do vậy, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm chống dịch và được cộng đồng thế giới đánh giá cao. Trong khi đó, phải hơn một tháng sau, Nam Sudan mới bắt đầu có các ca nhiễm. Tại căn cứ Bentiu, nơi Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam đóng quân, cũng mới ghi nhận ca nhiễm đầu tiên.
Trung tá Sơn huấn luyện sử dụng các trang thiết bị thông tin. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Với tinh thần cảnh giác, chủ động, ngay từ khi chưa có ca nhiễm Covid-19 nào được ghi nhận tại Nam Sudan, Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam đã xây dựng các kế hoạch phòng chống và xử trí các tình huống khi có ca nghi nhiễm, có ca nhiễm, có nhiều ca nhiễm.
Bệnh viện cũng tiên phong tổ chức diễn tập công tác phòng chống đại dịch Covid-19 cho cán bộ nhân viên, xử trí các tình huống khi có người mắc bệnh.
Các buổi họp trực tuyến của Bệnh viện với Cục Quân y, Học viện Quân y được tổ chức thường xuyên để cập nhật tình hình, kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam và tập huấn nâng cao trình độ cũng như khả năng phản ứng nhanh, hiệu quả trước đại dịch. Do vậy, Bệnh viện đã được trang bị nhiều kiến thức, cho dù đại dịch chưa lan tới Nam Sudan.
Đến nay, bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã thu dung điều trị 15 ca nghi nhiễm Covid-19. Các bệnh nhân đều được xử lý theo đúng quy trình, phục hồi sức khỏe và xuất viện.
Với uy tín và những kinh nghiệm đó, Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam được tín nhiệm, trở thành hạt nhân trong công tác huấn luyện với các nội dung: Tổ chức và hoạt động của hệ thống y tế tại địa bàn; hiện trạng và biện pháp phòng chống một số dịch bệnh như sốt rét, Ebola; tìm hiểu thông tin và biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19; cấp cứu ban đầu và vận chuyển y tế (CASEVAC).
Trung tá Lê Ngọc Sơn huấn luyện đầu vào cho Đại đội Bộ binh Ghana. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Trung tá Lê Ngọc Sơn đảm nhiệm vai trò Quan sát viên quân sự tại căn cứ Aweil từ tháng 12/2019. Với kiến thức đã tích lũy được và khả năng sư phạm, anh cũng được tín nhiệm thực hiện nhiều hoạt động huấn luyện cho Phòng Quan sát viên quân sự và Đại đội Bộ binh Ghana.
Anh thường xuyên hỗ trợ những người mới triển khai tới căn cứ Aweil về kỹ năng lái xe 2 cầu, kỹ thuật thi sát hạch lái xe, các kỹ thuật sử dụng tời, hệ thống visai khóa bánh để vượt qua các tình huống bị mắc kẹt, hoặc đi qua các vùng khó khăn, trơn trượt.
Trung tá Lê Ngọc Sơn cũng đảm nhiệm huấn luyện về các quy định, đặc tính kỹ chiến thuật và phương pháp sử dụng các loại trang thiết bị thông tin, đặc biệt khi thực hiện liên lạc trong điều kiện tín hiệu yếu khi đi tuần tra.
Ngoài ra, anh còn huấn luyện các kỹ năng máy tính, các phần mềm google map, google earth, chuyển đổi hệ tọa độ, phần mềm chuyên dụng của Liên hợp quốc SAGE… để hỗ trợ các nhân viên trong phòng, đặc biệt là nhân viên Ban Tình báo, Ban Tác chiến, giúp họ nâng cao hiệu quả thực hiện công việc, quản lý dữ liệu trực quan, khoa học.
Sau khi Đại đội Bộ binh Ghana thực hiện đổi quân, Trung tá Sơn cũng được mời huấn luyện đầu vào cho đơn vị này với các nội dung: Giới thiệu chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của hệ thống tổ chức quan sát viên quân sự tại Phái bộ UNMISS; mối quan hệ công tác giữa Phòng quan sát viên quân sự và lực lượng bộ binh; tình hình an ninh tại địa bàn đảm nhiệm; lực lượng quân sự và các phe phái tại địa phương; các quy định của Liên hợp quốc, quy trình lập kế hoạch, phân công, triển khai thực hiện kế hoạch tuần tra và xử trí các tình huống tại hiện trường.
Trung tá Sơn huấn luyện việc dùng tời để kéo xe thoát khỏi chỗ lầy. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Dù được triển khai dưới hình thức đơn vị hay cá nhân, lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam đều đã khẳng định được năng lực và uy tín của mình trước bạn bè quốc tế, được mời chủ trì, tham gia nhiều nội dung huấn luyện.
Thông qua công tác huấn luyện, lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam cũng học hỏi, hoàn thiện hơn sự hiểu biết và các kỹ năng về lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Ngoài ra, nhờ các hoạt động đó, mối quan hệ quốc tế và uy tín của lực lượng mũ nồi xanh của Việt Nam ngày càng được nâng lên.