Đó là nội dung báo cáo của Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại thành phố Marrakech, Morocco, được công bố ngày 14/11.
Ảnh minh họa: Nhân loại đã thải ra 2.075 tỷ tấn CO2 kể từ năm 1870. (Nguồn: AP) |
Lượng khí thải CO2 gây ấm lên toàn cầu năm 2015 ở mức 36,5 tỷ tấn và chỉ tăng 0,2% trong năm 2016. Một báo cáo của Ngân sách năng lượng toàn cầu do chuyên gia Corinne Le Quere, Đại học East Anglia (Anh) làm trưởng nhóm cho biết năm 2016 là năm thứ ba liên tiếp chứng kiến sự gia tăng không đáng kể về lượng khí thải. Đây là tín hiệu chưa từng có trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phát triển mạnh mẽ.
Nguyên nhân mà nhà nghiên cứu Le Quere đưa ra là việc Trung Quốc giảm sử dụng than. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của Trung Quốc so với những giai đoạn trước đó khi lượng khí thải tăng trung bình 2,3% từ năm 2004-2013, sau đó giảm xuống 0,7% năm 2014. “Đây là một thành tựu lớn trong chiến dịch đối phó với biến đổi khí hậu nhưng nó vẫn không đủ”, ông Le Quere nhấn mạnh. Để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu tại ngưỡng 2 độ C, các nước trên thế giới cần phải giảm lượng khí thải 0,9%/năm cho tới năm 2030.
Hiện nay, nồng độ khí thải nhà kính trong khí quyển tiếp tục tăng, đạt mức kỷ lục 23 tỷ tấn CO2 năm ngoái và có thể lên tới 25 tỷ tấn CO2 năm 2016. Nhân loại đã thải ra 2.075 tỷ tấn CO2 kể từ năm 1870. Các chuyên gia cho rằng thế giới chúng ta đã sử dụng hơn 2/3 hạn ngạch khí thải để giữ cho biến đổi khí hậu dưới mức 2 độ C. Với mức phát thải hiện nay, 1/3 hạn ngạch còn lại sẽ được sử dụng hết trong vòng 30 năm tới.
Các nước phát triển đang có xu hướng đáp ứng được các mục tiêu giảm lượng phát thải. Thời gian qua, Mỹ, nước có lượng phát thải lớn thứ hai thế giới, đã giảm lượng phát thải 2,6% năm 2015 và dự kiến giảm 1,7% năm 2017. Tuy nhiên, thế giới đang lo ngại rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ phá bỏ Hiệp định Paris và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mục tiêu toàn cầu.