Nghị quyết kịp thời
Chia sẻ về ảnh hưởng của Covid-19 với May 10 nói riêng và ngành dệt may nói chung, ông Thân Đức Việt cho biết:
"Có thể nói đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến Tổng Công ty May 10 nói riêng và ngành dệt may nói chung. Năm 2020 chúng tôi đối diện với rủi ro đứt gãy nguồn cung, sau đó gặp khủng hoảng vì gián đoạn nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng đến doanh thu xuất khẩu của hàng dệt may.
Đến năm 2021 này, ảnh hưởng trở nên rõ rệt hơn. Mặc dù một số thị trường xuất khẩu của May 10 như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản đã hồi phục do các nước bạn đã kiểm soát tốt Covid-19, chúng tôi lại bị ảnh hưởng lớn do dịch ở Việt Nam bùng phát trở lại, đặc biệt là đợt dịch lần thứ tư đã làm gián đoạn quá trình sản xuất của Tổng Công ty May 10.
May 10 có những đơn vị ở Quảng Bình, Thanh Hóa và Hà Nội phải giãn cách lên đến hàng tháng trời, dẫn đến không đảm bảo tiến độ giao hàng cho khách hàng. Trong bối cảnh lượng hàng hóa xuất khẩu đã đặt hàng tăng trưởng đến 20%, năng lực sản xuất của chúng tôi lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giãn cách.
Mặc dù vậy, Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 cũng ra đời rất kịp thời, giúp cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi ngay lập tức triển khai các hoạt động. Đặc biệt trong thời gian quý 4, May 10 đã tăng cường tất cả các hoạt động sản xuất để bù đắp những đơn hàng bị lùi thời gian giao hàng trong quý 3 và các đơn hàng tăng thêm trong quý 4.
Đến hết năm 2021, May 10 sẽ đạt doanh số trên 3.400 tỷ đồng, vượt so với năm 2019 khi chưa có dịch Covid-19. Nếu chỉ tính riêng doanh thu may mặc, do có doanh thu từ sản xuất khẩu trang nên chỉ trong năm 2021, chúng tôi đã tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm 2020."
Ông Thân Đức Việt cũng nhận định ngành dệt may sẽ hồi phục kim ngạch xuất khẩu:
"Với ba kịch bản của ngành dệt may, chúng tôi nhận định, dù gặp nhiều khó khăn như trên nhưng khả năng rất cao ngành dệt may Việt Nam sẽ được kịch bản thứ ba, tức doanh thu đạt từ 38 đến 39 tỷ đô la Mỹ, tương đương với kim ngạch xuất nhập khẩu của cả ngành dệt may trong năm 2019."
Ý nghĩa ngoại giao vaccine
Tổng Giám đốc Công ty CP May 10 Thân Đức Việt cũng đề cao chiến lược ngoại giao kinh tế và ngoại giao vaccine. Ông chia sẻ:
"Trong năm 2020, với cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi cũng như Tổng Công ty May 10, ngoài các chiến lược ngoại giao của đất nước như ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế hiện nay cũng là một trong các hoạt động mà cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi rất mong muốn được cơ quan ngoại giao và các tham tán thương vụ nước ngoài giúp đỡ để mở rộng vai trò và chỗ đứng của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế kể trên, trong năm 2021, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp và Tổng Công ty May 10, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn các cơ quan ngoại giao như Bộ Ngoại giao ở các nước, đặc biệt ở một mảng ngoại giao không liên quan đến kinh tế lắm, chính là ngoại giao vaccine.
Chính nhờ hoạt động ngoại giao vaccine được triển khai rất nhanh và quyết liệt, từ việc thiếu vaccine, Việt Nam hiện nay đã tiêm đủ gần như cả hai liều vaccine cho toàn thể người dân, trong đó có Tổng Công ty May 10 với 12.000 cán bộ công nhân viên đang hoạt động tại 18 nhà máy và 7 tỉnh thành phố.
Với đặc thù ngành may sử dụng nhiều lao động, trong quá trình dịch bệnh vừa rồi nếu không có sự quyết liệt về ngoại giao vaccine do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, có lẽ người lao động của chúng tôi sẽ không yên tâm về sức khỏe để tập trung làm việc trong quá trình dịch bùng phát như vậy. Do vậy chúng tôi muốn gửi lời tri ân và cảm ơn Bộ Ngoại giao đã có vai trò trong chính sách ngoại giao vaccine".
Kỳ vọng mở rộng tệp khách hàng
Đại diện Tổng Công ty CP May 10 cũng đề xuất với Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ May 10 cũng như ngành dệt may mở rộng tệp khách hàng, thị trường và mạng lưới phân phối.
Tổng Giám đốc Thân Đức Việt chia sẻ:
Với các hoạt động kinh doanh trong năm 2021, như tôi đã nói, để kịch bản thứ ba xảy ra, cũng như cũng như tiến tới phương hướng nhiệm vụ của năm 2022, Tổng Công ty May 10 đạt mục tiêu tăng trưởng đến 20%.
Không chỉ kỳ vọng vào nỗ lực của các cơ quan ngoại giao trong năm 2021, chúng tôi cũng mong muốn Bộ Ngoại giao, đặc biệt là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ở những thị trường truyền thống của chúng tôi như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp mở rộng tệp khách hàng, thị trường và mạng lưới phân phối để chúng tôi có thể kết hợp với các đối tác ở nước ngoài và mở rộng hơn nữa thị phần của mình trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, các thị trường mới mà Tổng Công ty May 10 đang hướng tới xuất khẩu vào là Hàn Quốc, Canada, Đài Loan (Trung Quốc) và thậm chí là cả Trung Quốc, một trong những nước xuất khẩu dệt may nhiều nhất thế giới cũng đã có những đơn hàng xuất khẩu của chúng tôi. Chúng tôi đánh giá Trung Quốc sẽ là một thị trường rất lớn trong tương lai.
Chính vì vậy chúng tôi rất mong muốn Bộ Ngoại giao, bên cạnh nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, văn hóa thì cũng chú trọng vào ngoại giao kinh tế nhằm thực hiện khát vọng phát triển kinh tế Việt Nam. Qua đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ là cầu nối cho chúng tôi trên mặt trận kinh tế, để chúng tôi có thể mở rộng hơn nữa các hoạt động phát triển thị trường của mình.
|
Hội nghị Đối ngoại toàn quốc: Học giả quốc tế đề cao sức mạnh tổng hợp của ngoại giao Việt Nam Nhân dịp Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đang diễn ra tại Hà Nội, nhiều học giả quốc tế đã điểm lại nhiều thành tựu ... |
|
Sáng 15/12, Hội nghị Ngoại giao 31 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng, thực ... |