Sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và thương mại quốc tế sụp đổ trong năm 2009 làm cho GDP của Mexico giảm 6,1%, trong năm 2010, các hoạt động kinh tế đã phục hồi và tăng trưởng 5,4%. Sự phục hồi xuất phát từ nhu cầu bên ngoài cao hơn do sự phục hồi trong sản xuất công nghiệp của Mỹ, dự kiến trong tương lai gần, tiêu dùng tư nhân và đầu tư sẽ đóng góp lớn hơn cho sự phục hồi của hoạt động thương mại và công nghiệp dẫn đến việc khôi phục việc làm và tín dụng cho khu vực tư nhân và lòng tin của người tiêu dùng.
Sau khi giá lương thực tăng (đặc biệt là các loại ngũ cốc) vào cuối năm 2010, áp lực lạm phát đã giảm xuống. Trong năm 2011, tăng trưởng kinh tế của Mexico vừa phải, đạt 3,9% và dự kiến sẽ đạt 3,3% vào năm 2012.
Nhu cầu bên ngoài đối với hàng hóa Mexico có xu hướng ổn định hơn so với sự gia tăng đột biến sau cuộc khủng hoảng, hơn nữa nhu cầu trong nước bắt đầu đóng một vai trò lớn hơn trong sự phục hồi kinh tế. Cải cách kinh tế tiến bộ và sự chú trọng hơn vào đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng đã tạo ra những tiềm năng tăng trưởng mới. Theo số liệu của chính phủ dựa trên triển vọng tài khóa trung hạn, dự báo tăng trưởng kinh tế hàng năm của Mexico sẽ vào khoảng 3,9% từ 2013-2017.
Năm 2011, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam-Mexico đạt 681 triệu USD, ở mức cao thứ ba so với các đối tác của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh, sau Brazil và Argentina. Trong quý I/2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt trên 292,6 triệu USD, tăng gần 36,5% so với mức 130.89 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam nhập khẩu từ Mexico lượng hàng hóa trị giá trên 17,8 triệu USD, tăng 47,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mexico đạt mức tăng trưởng như vậy chủ yếu nhờ sự năng động của các doanh nghiệp trong nước, chính sách hướng Đông của chính phủ Mexico, đặc biệt là việc Tổng thống Felipe Calderon ký và ban hành sắc lệnh tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, Mexico giảm thuế khu kinh tế cửa khẩu đối với 200 mặt hàng và áp dụng từ đầu năm 2012 chính sách ngoại thương một cửa cho phép thực hiện 40 loại giấy tờ và 165 thủ tục liên quan qua cổng điện tử và thông quan tại cửa khẩu.
Việt Nam được coi là cửa ngõ cho các doanh nghiệp Mexico thâm nhập thị trường Đông Nam Á với khoảng 590 triệu người tiêu dùng. Hi vọng trong tương lai hai nước có thể hợp tác nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực: sản xuất cà phê, nuôi trồng thủy sản và xuất khẩu trái cây nhiệt đới...
Mỹ Châu