Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh |
Cùng nỗ lực đưa quan hệ Việt Nam – Mỹ Latinh lên tầm cao mới
Phạm Bình Minh
Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Từ ngày 5 đến 6/7/2012, Diễn đàn Việt Nam – Mỹ Latinh về Thương mại và Đầu tư do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của gần 20 nước khu vực Mỹ Latinh (bao gồm Trung Mỹ, Nam Mỹ và vùng Ca-ri-bê). Lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Mỹ Latinh, một diễn đàn có quy mô lớn được tổ chức nhằm khai thác các tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đưa quan hệ Việt Nam và các nước trong khu vực Mỹ Latinh lên một tầm cao mới, tương xứng với mối quan hệ chính trị truyền thống tốt đẹp vốn có từ trước đến nay.
Mỹ Latinh: Khu vực giàu tiềm năng, phát triển năng động
Các quốc gia Mỹ Latinh có rất nhiều điểm tương đồng, gắn kết với nhau về truyền thống lịch sử, văn hóa, chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ (phần lớn nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và tiếng Anh)…, tạo thuận lợi rất lớn cho sự giao lưu, hợp tác, hội nhập giữa các nước trong nội khối với nhau cũng như giữa khu vực với quốc tế.
Tuy chỉ chiếm hơn 8% dân số (577,2 triệu người) và 14,7% diện tích của thế giới (21,5 triệu km2), nhưng Mỹ Latinh có nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản và đa dạng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng trữ lượng của thế giới như: bạc (31%), đồng (28%), than đá (27%), diện tích rừng (25%), dầu lửa (24%), ni-kên (24%), bô-xít (17%), thiếc (16%), sắt (14%), u-ra-ni-um (5%) … Nhiều nước Mỹ Latinh, với ba nền kinh tế đầu tàu là Bra-xin, Mê-hi-cô và Ác-hen-ti-na - thành viên Nhóm G20, đạt trình độ khá cao trong nhiều lĩnh vực như khai thác, chế biến dầu khí, năng lượng (thủy điện, phong điện…), khai thác khoáng sản, công nghệ cao, công nghệ và nhiên liệu sinh học, nông nghiệp, chế biến nông-lâm-hải sản …
Những năm gần đây, kinh tế Mỹ Latinh đã có sự bứt phá, phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, cùng với Châu Á, được đánh giá là những điểm sáng về tăng trưởng của kinh tế thế giới. Các nước Mỹ Latinh đã lựa chọn đường lối phát triển kinh tế đúng đắn, thu được những thành tựu ấn tượng, đáng khâm phục. GDP của toàn khu vực đạt mức tăng trưởng bình quân 5,3% năm giai đoạn 2006-2010 so với mức 2,4% của giai đoạn 2000-2005, đặc biệt mức tăng trưởng của một số nước như Ác-hen-ti-na đạt 9% (2010), Cô-lôm-bi-a 5% (2010) và Chile 5,3% (2010). Riêng năm 2011 vừa qua, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, kinh tế Mỹ Latinh vẫn đạt mức tăng trưởng GDP khá cao 4,3%, tổng giá trị GDP lên đến hơn 6.006 tỷ USD, GDP đầu người đạt 9.308 USD; kim ngạch xuất khẩu trên 1.000 tỷ, thu hút FDI đạt mức kỷ lục 130 tỷ USD, tăng 73% so với năm 2010. Cùng với sự phát triển đi lên của toàn khu vực, một số nền kinh tế lớn ở Mỹ Latinh như Ác-hen-ti-na, Chi-lê, Bra-xin, Mê-hi-cô, U-ru-goay… đã có sự vươn lên mạnh mẽ, trong đó nổi bật là Bra-xin trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 và Mê-hi-cô thành nền kinh tế thứ 13 của thế giới với tổng giá trị GDP năm 2011 tương ứng là 2.294 tỷ USD và 1.661 tỷ USD. Ngân hàng Thế giới dự báo, trong 5-10 năm tới, kinh tế Mỹ Latinh sẽ duy trì mức tăng trưởng GDP 4 - 6% năm, lạm phát và thất nghiệp được duy trì ở mức một con số.
Song song với quá trình phát triển trong từng nước, Mỹ Latinh ngày càng quan tâm đẩy mạnh liên kết và hội nhập khu vực và quốc tế. Những năm gần đây một loạt tổ chức hội nhập chính trị-kinh tế cấp tiểu vùng và cấp vùng được củng cố hoặc thành lập mới như Liên minh các Quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), Cộng đồng các Quốc gia An-đết (CAN), Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Khối thị trường chung Trung Mỹ và Ca-ri-bê (CARICOM), Liên minh Bô-li-va cho Mỹ Latinh (ALBA)…. Xu hướng này đã biến Mỹ Latinh thành một thị trường rộng lớn và ngày càng đồng nhất, tạo thuận lợi cho các đối tác bên ngoài khu vực tiếp cận và hoạt động kinh doanh, đầu tư.
Nhằm phục vụ mục tiêu phát triển, hầu hết các nước Mỹ Latinh đã có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách đối ngoại nói chung và chính sách kinh tế đối ngoại nói riêng, từ chỗ tập trung vào các đối tác Tây bán cầu, các nước Mỹ Latinh đã chủ động mở rộng quan hệ với các đối tác ngoài khu vực, đặc biệt là hướng mạnh sang Châu Á-Thái Bình Dương. Theo hướng đó, nhiều nước Mỹ Latinh ngày càng tích cực tham gia các tổ chức hội nhập liên khu vực như: Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Đông Á – Mỹ Latinh (FEALAC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP), quan tâm thiết lập quan hệ với ASEAN. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển quan hệ Việt Nam và các nước Mỹ Latinh theo hướng gắn kết, hiệu quả hơn.
Việt Nam-Mỹ Latinh: Từ bạn bè truyền thống đến đối tác toàn diện.
Giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh vốn có quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống tốt đẹp, bắt nguồn từ sự tương đồng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.
José Marti, nhà cách mạng và nhà văn hoá của Cuba và Mỹ Latinh đã đề cập tới truyền thống anh hùng chống xâm lược của nhân dân Việt Nam trong truyện ngắn “Cuộc dạo chơi trên đất nước của người An Nam” đăng trong tác phẩm “Tuổi vàng”, xuất bản tại Mỹ vào năm 1889. Ông được Lãnh tụ Cuba Fidel Castro coi là “người Cuba, người Mỹ Latinh đầu tiên phát hiện ra Việt Nam”. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình tìm đường cứu nước cũng đã từng tới đảo Martinique thuộc vùng Ca-ri-bê, U-ru-goay và Ác-hen-ti-na vào năm 1912 và sau này cũng chính là người gieo mầm cho quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác của Việt Nam với các nước Mỹ Latinh. Chính tư tưởng độc lập, tự do là sợi dây tinh thần gắn bó nhân dân Việt Nam và Mỹ Latinh từ các thế hệ của José Marti, Hồ Chí Minh cho đến ngày nay.
Nhân dân Việt Nam vẫn còn mãi ghi nhớ và biết ơn nhân dân Mỹ Latinh đã rầm rộ tổ chức các phong trào phản chiến, bày tỏ sự ủng hộ sắt son với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước vì độc lập tự do của nhân dân Việt Nam, góp phần hình thành một mặt trận của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam. Chuyến thăm và cuộc tiếp kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh của Chủ tịch Thượng viện Chile Salvador Allende vào năm 1969, chuyến thăm của Chủ tịch Fidel Castro đến vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973 sẽ mãi là biểu tượng cho tình đoàn kết và sự ủng hộ quý báu đó. Ngay trong khói lửa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba (1960), Chile (1971) và Argentina (1973).
Sau thắng lợi lịch sử của Việt Nam năm 1975, quan hệ chính trị-ngoại giao giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh được mở rộng. Trong 5 năm (1975-1980), Việt Nam thiết lập thêm quan hệ ngoại giao với 10 nước Mỹ Latinh. Việt Nam cũng đã sát cánh cùng các nước bạn bè Mỹ Latinh trong cuộc đấu tranh vì độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Các nước Mỹ Latinh đã ủng hộ mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc năm 1977, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chống lại các biện pháp bao vây, cấm vận.
Kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới vào năm 1986, quan hệ với các nước Mỹ Latinh bước vào một giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ hơn và toàn diện hơn. Từ 1986 đến nay, Việt Nam đã thiết lập thêm quan hệ ngoại giao với 14 nước ở khu vực này. Việc trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và các nước Mỹ Latinh được thực hiện thường xuyên, qua đó thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam với một số nước. Hàng chục hiệp định, thoả thuận hợp tác đã được ký kết, tạo cơ chế và hành lang pháp lý thuật lợi cho việc phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước Mỹ Latinh. Sự phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương ngày càng chặt chẽ. Các hoạt động giao lưu, trao đổi giữa các đoàn thể, tổ chức hữu nghị nhân dân không ngừng phát triển.
Cho đến năm 2012, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 27 nước Mỹ Latinh, thiết lập các Uỷ ban hợp tác hỗn hợp liên chính phủ với 5 nước, thiết lập các cơ chế tham khảo chính trị với 15 nước Mỹ Latinh. Trong 10 năm qua, đã có 9 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam tới các nước Mỹ Latinh, 10 chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao nhất của các nước Mỹ Latinh tới Việt Nam. Việt Nam hiện có 7 Đại sứ quán tại khu vực; 8 nước Mỹ Latinh đã mở Đại sứ quán tại Hà Nội.
Quan hệ chính trị, hữu nghị truyền thống tốt đẹp và không ngừng phát triển đã tạo tiền đề và nền tảng vững chắc cho việc mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh, nhất là trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư. Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng cao, trên dưới 30% năm, từ 300 triệu USD năm 2000 lên đạt 5,1 tỷ USD năm 2011, gấp 17 lần. Riêng với ba nền kinh tế lớn nhất của khu vực là Bra-xin, Mê-hi-cô và Ác-hen-ti-na, kim ngạch thương mại hai chiều đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD với mỗi nước. Tổng số vốn cam kết đầu tư của Việt Nam sang các nước khu vực cũng đạt khoảng 7 tỷ USD, tập trung trong lĩnh vực năng lượng và viễn thông.
Tuy có bước phát triển nhanh và khá ấn tượng, nhưng quan hệ kinh tế- thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ Latinh đến nay còn khiêm tốn, chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng của các bên. Kim ngạch thương mại song phương của Việt Nam với các nước Mỹ Latinh chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch thương mại của mỗi nước. Quan hệ thương mại, đầu tư của Việt Nam với khu vực mới tập trung chủ yếu vào một số ít đối tác. Đầu tư của các nước Mỹ Latinh vào Việt Nam còn ít so với tiềm năng của các nhà đầu tư. Hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường kinh doanh, tiềm năng, cơ hội kinh tế giữa Việt Nam và các thị trường Mỹ Latinh còn nhiều hạn chế, hiệu quả không cao. Doanh nghiệp hai bên còn thiếu sự hiểu biết và quan tâm thích đáng đến việc tìm kiếm đối tác, tiếp cận thị trường của nhau.
Đưa mối quan hệ Việt Nam-Mỹ Latinh lên một tầm cao mới
Những bước phát triển gần đây của quan hệ giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt là quan hệ kinh tế-thương mại, mới chỉ là bước đầu. Có nhiều cơ sở để tin tưởng ở triển vọng tươi sáng của hợp tác thời gian tới giữa Việt Nam và Mỹ Latinh.
Thứ nhất, Việt Nam và các nước Mỹ Latinh có nền tảng quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống tốt đẹp và quyết tâm chính trị mạnh mẽ để đưa mối quan hệ ngày càng phát triển thực chất, phục vụ công cuộc phát triển ở mỗi nước. Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường các mối quan hệ với bạn bè Mỹ Latinh, coi các nước khu vực là những đối tác hợp tác đầy tiềm năng trong công cuộc phát triển, hiện đại hoá. Về phần mình, các nước Mỹ Latinh cũng ngày càng coi trọng phát triển quan hệ với khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để cùng phát triển.
Thứ hai, hai bên còn nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế chưa được khai phá, còn dư địa rộng lớn để phát triển quan hệ kinh doanh, đầu tư. Các nước Mỹ Latinh có thể phát triển những dự án hợp tác, đầu tư tại Việt Nam trong những lĩnh vực thế mạnh của mình như khai thác, chế biến dầu khí và khoáng sản, phát triển nguồn năng lượng truyền thống và tái tạo (nhiệt điện, thuỷ điện, điện hạt nhân, điện gió, nhiên liệu sinh học…), xây dựng cơ sở hạ tầng, dược phẩm, chế biến nông sản, thực phẩm… Về phần mình, các doanh nghiệp của Việt Nam có thể phát huy hơn nữa thế mạnh về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản, sản xuất thiết bị điện tử gia dụng, máy móc nông nghiệp, dịch vụ viễn thông, đóng tàu biển, sản xuất - lắp ráp ô tô - xe máy… tại thị trường Mỹ Latinh. Việt Nam và các nước Mỹ Latinh có nhiều cơ hội để phát triển mối quan hệ đối tác về nông nghiệp, năng lượng, giao thông, hậu cần, viễn thông và dịch vụ… trên cơ sở những thế mạnh tài nguyên, lao động, công nghệ và vị trí chiến lược của từng nền kinh tế trong xu thế hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu hiện nay.
Thứ ba, môi trường kinh tế, chính trị quốc tế trong thời gian tới sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước Mỹ Latinh. Đông Á và Mỹ Latinh tiếp tục duy trì hoà bình, ổn định, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của kinh tế của thế giới. Các xu hướng hội nhập kinh tế, chính trị ở hai khu vực sẽ tiếp tục phát triển, tạo điều kiện cho các đối tác bên ngoài tiếp cận hai thị trường khu vực rộng lớn. Xu thế hợp tác liên khu vực thông qua các cơ chế đã và đang hình thành như APEC, FEALAC, TPP, ASEAN-MERCOSUR… sẽ tạo thêm nhiều cơ hội gắn kết các quốc gia ở hai phía của lòng chảo Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Diễn đàn Việt Nam – Mỹ Latinh về Thương mại và Đầu tư tại Việt Nam sẽ tạo cơ hội để các đối tác Việt Nam và Mỹ Latinh gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp, tăng cường hiểu biết, trao đổi biện pháp tăng cường quan hệ thương mại đầu tư, qua đó hình thành các cơ chế và thỏa thuận hợp tác cụ thể. Đây là một bước đi chủ động của Chính phủ Việt Nam, thể hiện sự coi trọng và quyết tâm đưa quan hệ giữa Việt Nam và các nước bạn bè ở Mỹ Latinh tiếp tục phát triển.
Có thể khẳng định rằng trong thời gian tới, với mong muốn và quyết tâm từ cả hai phía, với sự năng động và đà phát triển kinh tế nhanh của Việt Nam và các nước Mỹ Latinh như hiện nay, với nhiều tiềm năng chưa được khai thác, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh chắc chắn sẽ tiếp tục khởi sắc và được nâng lên một tầm cao mới, tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp vốn có, phục vụ cho lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới./.