Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính |
Tiềm năng và thế mạnh
Quảng Ninh nằm ở địa đầu vùng Đông Bắc Việt Nam, hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc thù về điều kiện vị trí, địa hình, tự nhiên, xã hội, kinh tế, con người Việt Nam; có rừng vàng, biển bạc, sông núi, nước non, có đường biên giới đất liền với nước CHND Trung Hoa và có đường biên giới biển thông ra thế giới. Quảng Ninh có thể kết nối với Hải Phòng phát triển thành cụm cảng quốc tế phía Bắc, kết nối với Hà Nội và các tỉnh khác trong vùng thành trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất khẩu của miền Bắc ra các thị trường quốc tế rộng lớn, nhất là với khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á.
Không chỉ có vị thế nổi bật mang tầm quốc tế, với trên 500 di tích lịch sử danh lam thắng cảnh được xếp hạng, đặc biệt là Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên, kỳ quan thiên nhiên mới của Thế giới; là danh thắng Yên Tử - trung tâm Phật giáo của Việt Nam... Quảng Ninh có nhiều điều kiện để phát triển các loại hình du lịch (biển đảo, sinh thái, văn hóa lịch sử, tâm linh...) và các ngành công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh (được coi là ngành công nghiệp mới nhất nhằm quảng bá văn hóa dân tộc, hình ảnh quốc gia đến với bè bạn thế giới).
Ở trong lòng đất, Quảng Ninh được thiên nhiên ưu ái ban tặng một kho báu tài nguyên khoáng sản giàu có, dồi dào nhất là than đá, đá vôi, đất sét. Đây là điều kiện, là cơ hội tốt để phát triển một trung tâm khai khoáng, trung tâm nhiệt điện, vật liệu xây dựng của cả nước. Hiện nay đã có những thương hiệu được thế giới biết đến như Than antraxit, gạch ngói Giếng Đáy, ngói Hạ Long, gốm viglacera - Hạ Long; sứ nặng lửa Đông Triều...
Và điều quan trọng nhất cũng là thế mạnh không bao giờ có thể khai thác hết được đó là nguồn lực con người. Quảng Ninh đã là nơi hội tụ, giao thoa, sự thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng từ hàng ngàn đời nay với 22 dân tộc anh em đang sinh sống, đến thời đại Hồ Chí Minh lại có thêm truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp công nhân Vùng Mỏ với tinh thần kỷ luật và đồng tâm. Yếu tố này tạo cho Quảng Ninh có khả năng tập hợp, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng để giải quyết được những vấn đề đột phá.
Những tiềm năng và thế mạnh đó là cơ sở để Quảng Ninh thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển bền vững theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Kết luận của Hội nghị TW3 (khóa XI).
Định hướng phát triển và nhu cầu thu hút đầu tư
Định hướng phát triển kinh tế của Quảng Ninh trong những năm tới là phát triển kinh tế xanh gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa chủ yếu vào yếu tố phát triển chưa bền vững (tài nguyên hữu hạn than, đất; nhân công rẻ) sang phát triển bền vững (dựa vào vị trí địa chính trị, tri thức, khoa học công nghệ, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, cảnh quan, văn hóa, truyền thống, con người...); từ phát triển theo bề rộng (vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên) sang phát triển theo chiều sâu (với đặc điểm của nền kinh tế xanh, trung tâm là Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long) một cách hài hòa và hợp lý (những gì đang có vẫn phải phát huy nhưng theo hướng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường bền vững).
Định hướng không gian kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ phát triển theo hướng một trục hai cánh. Trục chính là Hạ Long (chuyển đổi phương thức phát triển) vì Hạ Long đã là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế - xã hội của Quảng Ninh. Tuy nhiên, Hạ Long sẽ phải chuyển đổi phương thức phát triển ở đẳng cấp cao hơn trong phát triển xanh theo hướng là thành phố đa năng của vùng, thành phố du lịch, cảng biển quốc tế văn minh, hiện đại; lấy phát triển công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa làm trọng tâm và đột phá. Cánh phía Tây (bao gồm Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hoành Bồ, Ba Chẽ) phát triển công nghiệp ở tầm cao mới là chuỗi công nghiệp không khói với sự hỗ trợ của phát triển kinh tế xanh do ở đây có nền tảng hạ tầng và môi trường công nghiệp hỗ trợ từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang. Cánh phía Đông (bao gồm Cẩm Phả, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn, Móng Cái, Cô Tô, Bình Liêu) sẽ bao gồm chuỗi đô thị vệ tinh sinh thái và dịch vụ cao cấp hiện đại để phát triển dịch vụ biên mậu, du lịch với hai động lực là hai khu kinh tế đặc biệt Móng Cái và Vân Đồn; do ở đây có môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, có hạ tầng thương mại quốc tế thuận lợi; lại là cửa ngõ giao thương trung chuyển hàng hóa giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Để phát triển kinh tế xanh, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển trên quan điểm lấy nguồn lực bên trong là cơ bản chiến lược, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, với những trọng tâm cần thu hút sau:
Một là, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại (bao gồm các cấu thành về hạ tầng giao thông; hạ tầng điện lưới quốc gia; hạ tầng thủy lợi và ứng phó biến đổi khí hậu; hạ tầng đô thị; hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp; hạ tầng thương mại; hạ tầng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, giáo dục- đào tạo, y tế; hạ tầng văn hóa thể thao du lịch) theo định hướng phát triển kinh tế xanh và không gian phát triển kinh tế - xã hội 1 trục 2 cánh.
Hai là, huy động mọi nguồn lực về tài chính, khoa học công nghệ, chất xám khắc phục ô nhiễm môi trường đối với các thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, nhất là các bãi đổ thải từ khai thác than, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt...
Ba là, huy động nguồn lực đầu tư phát triển: Các ngành dịch vụ, tập trung phục vụ du lịch như dịch vụ văn hóa, ẩm thực, mua sắm... ; Phục vụ thương mại biên giới và thương mại đầu mối; Hình thành và phát triển các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, hàng hải, hàng không, y tế... Phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần cảng biển và nghề cá. Đầu tư phát triển và tiến tới hình thành ngành công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa, trọng tâm vào các lĩnh vực: công nghiệp truyền thông, nghệ thuật biểu diễn, trung tâm tổ chức hội nghị, hội thảo và các sự kiện văn hóa thể thao (quốc gia, quốc tế)... ; Về công nghiệp: Thu hút đầu tư đổi mới công nghệ trong khai thác than, nhiệt điện, đóng tàu, vật liệu xây dựng theo hướng “xanh hóa”, hợp lý, bền vững. Đầu tư phát triển công nghiệp địa phương, trọng tâm là công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao; Về nông nghiệp: Trọng tâm đầu tư phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, gắn với nuôi, trồng, chế biến các sản phẩm từ nông - lâm - thủy sản phục vụ du lịch và xuất khẩu.
Dự kiến 10 năm (2011-2020) tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội của Quảng Ninh cần hàng chục tỷ USD, trong đó huy động trong nước chiếm khoảng 45%, vốn nước ngoài 55%. Để có được nguồn vốn này, Quảng Ninh coi trọng phát huy tối đa nội lực và thu hút mạnh mẽ ngoại lực, trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.
PGS-TS. Phạm Minh Chính,Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh