Cuối tháng trước, Ngoại trưởng các nước Mỹ, Ấn Độ, Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thành lập Diễn đàn hợp tác kinh tế quốc tế.
Theo các nhà phân tích, sau thỏa thuận lịch sử Abraham giữa Israel và UAE hồi năm ngoái, với sự thúc đẩy của Mỹ, diễn đàn nói trên là một sự phát triển hoàn toàn tự nhiên, ngoại trừ sự tham gia đầy bất ngờ của Ấn Độ.
Trong một nỗ lực nhằm chống lại sức ảnh hưởng của Trung Quốc, dường như Ấn Độ đang muốn cùng với Mỹ, UAE và Israel hình thành một Bộ tứ mới trong lĩnh vực kinh tế ở Trung Đông. |
"Cánh tay nối dài" Ấn Độ
Trong nhiều năm, Ấn Độ duy trì “cánh tay nối dài” thông qua các liên minh địa chính trị, đặc biệt là ở các khu vực dễ bất ổn như Trung Đông.
Chính sách đối ngoại của Ấn Độ trước đây chủ yếu tập trung nhiều hơn vào các hoạt động hợp tác song phương dạng hẹp như xây dựng hợp tác thương mại, thu hút đầu tư và tìm kiếm các lĩnh vực mà hợp tác mang tính tương hỗ với các quốc gia riêng lẻ, thay vì thúc đẩy các liên minh đa phương.
Cách tiếp cận này nhằm giúp Ấn Độ điều hướng các khe nứt địa chính trị toàn cầu bằng cách tránh xa việc tham gia các khối xung đột.
Nhưng điều đó cũng có nghĩa là Ấn Độ có ít ảnh hưởng hoặc sự hiện diện trong các cuộc tranh luận địa chính trị quan trọng vì nước này đã chọn không tham gia.
Tin liên quan |
Một 'Bộ tứ' mới? |
Sau các cuộc đụng độ ở biên giới với Trung Quốc vào năm ngoái, quan điểm trên bắt đầu thay đổi.
Ấn Độ lần đầu tiên tạo ra ngoại lệ bằng cách “hồi sinh” nhóm Bộ tứ và cố gắng tìm kiếm điểm chung với các nước đang tìm cách đối trọng với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Giờ đây, bằng cách mạo hiểm tham gia một liên minh tiềm năng ở Trung Đông, New Delhi đã đưa ra một quyết định chưa từng có là tìm kiếm lĩnh vực hợp tác chung với Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở khu vực rộng lớn hơn, bên ngoài Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong phát biểu ngắn gọn với những người đồng cấp của Mỹ, Israel và UAE tại cuộc họp trực tuyến, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar nói: “Mỹ, Israel và UAE là các quốc gia mà Ấn Độ có mối quan hệ thân thiết nhất, nếu không muốn nói là gần gũi nhất”.
Thúc đẩy các diễn đàn đa phương trên khắp thế giới là một đề xuất khôn ngoan đối với Ấn Độ. Điều này sẽ giúp Ấn Độ tham gia có mục đích hơn vào các động lực khu vực bên ngoài khu vực lân cận của mình, vun đắp các đồng minh có chung lợi ích và do đó mang lại cho New Delhi cơ hội mở rộng ảnh hưởng toàn cầu.
Tuy nhiên, cho đến nay, Ấn Độ vẫn thận trọng trong cách thức giải quyết vấn đề này. Ở cả Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như Trung Đông, Ấn Độ đã thúc đẩy sự hợp tác trên các mặt trận phi quân sự như thương mại, cơ sở hạ tầng, vaccine…
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chiến lược này đã cho thấy giá trị to lớn đặc biệt là ở khu vực Bộ tứ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ cố gắng tìm ra sức mạnh tổng hợp giữa các lợi thế so sánh của họ, để hợp tác trong lĩnh vực sản xuất vaccine, thay vì đối đầu Trung Quốc về mặt quân sự.
Bài toán Trung Đông
Nhưng Trung Đông sẽ là một vấn đề phức tạp hơn nhiều.
Trong khi các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có mối quan hệ phi quân sự chặt chẽ với nhau trong nhiều thập niên, Trung Đông lại phức tạp hơn nhiều và có xu hướng xung đột, chủ yếu liên quan đến các nguồn dầu mỏ béo bở và các cuộc chiến tranh ủy nhiệm.
Ở Đông Nam Á, quan hệ thương mại và đầu tư đã phát triển mạnh mẽ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, bất chấp những tranh chấp và khác biệt lâu đời. Nhưng ở Trung Đông, các mối quan hệ thường xuyên đổ vỡ do vấn đề địa chính trị.
Mới đây, 4 quốc gia vùng Vịnh, bao gồm cả UAE, rút các nhà ngoại giao của họ ra khỏi Lebanon sau khi một vị bộ trưởng của Lebanon chỉ trích sự can thiệp của vùng Vịnh vào Yemen. Rắc rối âm ỉ từ lâu giữa các quốc gia đó, do ảnh hưởng của phong trào Hezbollah do Iran hậu thuẫn trong nền chính trị Lebanon.
Trong nhóm đối tác mới mà Ấn Độ là thành viên, cả ba nước còn lại đều cạnh tranh đối đầu mạnh mẽ với Iran.
Bản thân Thỏa thuận Abraham, vốn tạo điều kiện cho nhóm này xích lại gần nhau, cũng được thúc đẩy bởi lợi ích chung giữa Israel và UAE trong việc đối trọng với Iran.
Nếu Ấn Độ hy vọng xây dựng các liên minh có ý nghĩa và thu hút sự hỗ trợ từ các đối tác ở Trung Đông, đặc biệt là về lợi ích năng lượng và an ninh của mình, thì nước này không thể đứng ngoài những rạn nứt và mâu thuẫn đó.
Đặc biệt, quan hệ hợp tác chiến lược Ấn Độ với Iran sẽ “vào tầm ngắm” của các đối tác mới ở Trung Đông.
Trong nhiều năm, Mỹ đã tìm cách tích hợp Ấn Độ một cách đầy đủ hơn vào hệ thống liên minh địa chính trị của mình trên khắp thế giới. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Washington bày tỏ mong muốn xây dựng các liên minh chặt chẽ hơn để đối đầu với các đối thủ trên khắp thế giới - cho dù là Trung Quốc, Nga hay Iran.
Khi New Delhi tham gia mạng lưới đó, nước này sẽ phải đối mặt với sự đánh đổi. Tìm được điểm chung với các đồng minh về địa chính trị sẽ giúp Ấn Độ thu hút được sự ủng hộ từ các nước này vì lợi ích của chính mình.
Nhưng điều đó cũng có nghĩa là New Delhi có thể bị buộc phải vượt qua rào cản là các cuộc tranh luận địa chính trị quan trọng và nhạy cảm.
* Tác giả Mohamed Zeeshan là Tổng biên tập tờ Freedom Gazette, tác giả cuốn sách "Flying Blind: India’s Quest for Global Leadership".
| Mỹ-Trung Quốc: Công khai tuyên chiến, ngấm ngầm công kích, một trật tự quốc tế mới đang manh nha TGVN. Lần đầu tiên không có tuyên bố chung nào được đưa ra, cuộc gặp kết thúc trong bầu không khí căng thẳng, hai bên ... |
| Tăng cường hợp tác ASEAN+3 nhằm nâng cao năng lực tự cường kinh tế TGVN. Ngày 10/12, Diễn đàn Đông Á lần thứ 18 (EAF-18), do Việt Nam và Trung Quốc đồng chủ trì tổ chức, với chủ đề ... |