📞

Một nét nhỏ trong hai chữ “hội nhập”

22:36 | 03/02/2018
Xuân mới đang đến, Hội báo Xuân đất Tổ năm nay sẽ tiếp tục được tổ chức dưới chân núi Hùng với chủ đề “Hội tụ-Hội nhập-Phát triển”. Sau những chuyến đi cùng bạn bè quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài lên Đền Hùng, tôi có vài suy nghĩ về hai chữ “Hội nhập”.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (bìa phải) thăm Hội Báo Xuân đất Tổ 2017. (Ảnh: SNV Phú Thọ)

 

Đọc chữ ở đền Hùng

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của tỉnh Phú Thọ và sự cung tiến, đóng góp của nhân dân cả nước, đền Hùng đã được trùng tu, tôn tạo khang trang, sạch đẹp, xứng tầm Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia. Những lời dạy của tiền nhân được tạc trên những phiến đá mới dựng dọc đường lên đỉnh núi. Sinh viên Cuba, sinh viên Lào đang học tiếng Việt rất thích tập đọc và chụp ảnh lưu niệm tại những phiến đá có câu như “Uống nước nhớ nguồn”, “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”, “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”…

Tuy nhiên, với hầu hết du khách quốc tế, nếu không có người dẫn đoàn hoặc phiên dịch thì họ không thể hiểu ý nghĩa cao đẹp của những dòng thông điệp trên. Với những vị khách muốn tự trải nghiệm thì càng khó tìm hiểu và khám phá mảnh đất cội nguồn dân tộc và giá trị nhân văn Việt Nam.

Bên cạnh các công trình kiến trúc, bạn bè quốc tế coi đền Hùng là một công viên xanh. Trên núi Hùng, các cây lớn, cây quý đều được đóng bảng chữ tên tiếng Việt và tên khoa học bằng tiếng Latin. Vì là tên khoa học nên chỉ có giới chuyên ngành mới đọc được. Trong những vị khách quốc tế cùng tôi lên đền Hùng năm 2017, Đại sứ Hy Lạp Kanellos là một trong số ít người đọc được tên một số loài cây bằng tiếng Latin. Các câu đối Hán Nôm ở đền Hùng thì chỉ có một vài bạn ở Trung Quốc là cơ bản đọc được.

Ngày nay, tiếng Anh được thừa nhận là ngôn ngữ chung của thế giới. Nếu trong phiến đá, dưới dòng chữ tiếng Việt to đẹp “Uống nước, nhớ nguồn” có một dòng tiếng Anh nho nhỏ thì chắc sẽ giúp bạn bè dễ dàng hơn khi tìm hiểu về đất và người Việt Nam.

Nhìn ra thế giới

Sử dụng song ngữ là cách làm phổ biến để giới thiệu, quảng bá đất nước với bạn bè quốc tế. Tôi không được đi nhiều nhưng khi qua một vài nước, đều thấy có cách làm trên. Bên bờ Đại Tây Dương, các di tích, kiến trúc của pháo đài Saint John (Canada) đều có chú thích bằng song ngữ Anh - Pháp. Trong Bảo tàng Quốc gia Tokyo (Nhật Bản) có cả một khu giới thiệu về trà đạo bằng tiếng Anh. Tại Thành Đô (Trung Quốc), học sinh tiểu học dùng tiếng Anh để hướng dẫn du khách quốc tế “Đến Thành Đô đọc thơ Đỗ Phủ”.

Gần ta nhất là nước bạn Lào anh em. Ngay dưới chân núi Phousi là Cung điện hoàng gia Lào. Sau giải phóng, năm 1975, nơi ở của hoàng tộc được đổi tên thành Bảo tàng Cung điện hoàng gia. Khách quốc tế đến tham quan hay nghiên cứu lịch sử văn hóa của đất nước Triệu Voi gặp thuận lợi vì các kỷ vật đều được chú thích cặn kẽ bằng tiếng Lào và tiếng Anh. Hàng ngày, từ 18h30 đến 19h30, tại Nhà hát truyền thống, trong tiếng khèn dìu dặt, du khách được nghe người Lào kể bằng tiếng Anh về sự tích, về truyền thuyết Luang Prabang. Vì sao giữa trung tâm thành phố bằng phẳng lại nổi lên ngọn núi Phousi, vì sao dòng sông uốn lượn phía dưới gọi là Nam Khan, ai đã tạo lập kinh đô cổ kính Luang Prabang từ thế kỷ 14…? Du khách đúng là không phí một giờ để hiểu thêm về một nền văn hóa.

Đại sứ Cuba Torres Rivera (bên trái bức phù điêu) và đoàn đại biểu Hội hữu nghị Việt Nam- Cuba tại đền Giếng. (Nguồn: SNV Phú Thọ)

Chia sẻ với tôi tại đền Hùng, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba Nguyễn Duy Cương, nguyên Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho biết ở nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa hoặc tham quan du lịch nổi tiếng trên thế giới, bên cạnh ngôn ngữ của nước chủ nhà, họ đều có bản dịch tiếng Anh giúp khách du lịch. Những tờ gấp được phát cho du khách quốc tế cũng đều in song ngữ. Trung tướng Lê Phúc Nguyên - nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân thì khẳng định, song ngữ không chỉ giúp bạn bè quốc tế mà dành cho chính người Việt trẻ ở nước ngoài khi tìm về nguồn cội.

Bảng song ngữ Việt - Anh duy nhất trên núi Hùng

Đoàn cán bộ, sinh viên trường Đại học Deakin, Australia là những du khách quốc tế đầu tiên của năm 2018 lên thăm đền Hùng. Trong đoàn 14 người, có 3 bạn sinh viên là người Australia gốc Việt. Được sinh ra ở Australia, chỉ biết chút xíu tiếng Việt nên Thục Nghĩa phải nói bằng tiếng Anh. Em bảo, với 6 thanh, tiếng Việt là giàu có về thanh điệu nhất thế giới, nhưng cũng vì thế mà khó học nhất đối với người nước ngoài. Các thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba ở nước ngoài, không nhiều người biết đọc, biết viết tiếng Việt. Bên Australia, mọi người không gọi được tên Thục Nghĩa vì dấu nặng và dấu ngã rất khó. Mọi người đều gọi em là Naomie Young.

Thục Nghĩa (thứ hai trái sang) và các bạn vinh viên Australia gốc Việt. (Nguồn: SNV Phú Thọ)

Về thăm cội nguồn dân tộc, các bạn sinh viên gốc Việt rất thú vị khi thấy bên cạnh lăng mộ Tổ có bụi tre đằng ngà vàng óng gắn với truyền thuyết cậu bé làng Gióng vâng mệnh vua Hùng thứ 6 ra trận đánh tan giặc Ân. Thú vị hơn nữa là chính trong lăng vua Hùng thứ 6, các bạn đã tự mình đọc lời vua được dịch sang tiếng Anh: “Khi ta chết, hãy chôn ta trên núi Cả. Ở trên cao ta sẽ trông nom bờ cõi cho muôn đời con cháu mai sau”. Đến nay, đây là những dòng song ngữ Việt - Anh duy nhất trên núi Hùng. Nếu tại các di tích như đền Hạ, chùa Thiên Quang, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng hoặc các điểm nhấn như cây vạn tuế, cột đá thờ, giếng Ngọc, bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong… mà có các bảng chữ song ngữ Việt - Anh thì sẽ giúp ích cho du khách khi tìm hiểu về đền Hùng, đồng thời góp phần không nhỏ quảng bá giá trị văn hóa cội nguồn Việt Nam lan tỏa trên thế giới.

Giữ gìn bản sắc khi hội nhập là vấn đề không phải bàn cãi. Điều này không hề mâu thuẫn với việc tiếp thu có chọn lọc cái hay cái tốt của thế giới để làm cho bản sắc của mình ngày càng giàu có và đa dạng hơn. Nhật Bản ăn Tết Dương lịch, tiến hành canh tân, hiện đại hóa đất nước, điều đó không hề làm nhạt phai mà chính là một cách hữu hiệu để cả thế giới biết và khâm phục bản sắc của họ. Từ thực tiễn làm công tác ngoại vụ địa phương, tác giả bài viết xin được chia sẻ một góc nhìn tham khảo cùng bạn đọc.

Dư Hồng Quảng

(Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Phú Thọ)