Chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt của người Ukraine. (Nguồn: Financial Times) |
Chiến đấu và đàm phán
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Nga Vladimir Putinở Ukraine đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt của người Ukraine, đồng thời khiến Nga chịu thiệt hại lớn hơn nhiều so với những gì Điện Kremlin dự tính.
Đây là điều mà Nga không thể ngờ tới. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga có thể vẫn không nản lòng trong việc tìm cách hiện thực hóa những mục tiêu của mình.
Một tháng sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, Moscow hiện phải đối mặt với tổn thất quân sự nặng nề và các lệnh trừng phạt chưa từng có, trong khi những tiến bộ trên thực địa khá ít ỏi.
Các nhà phân tích cho rằng nhiều yếu tố, bao gồm sự chuyển mùa và thậm chí cả đợt bổ sung tiếp tế sắp tới của Nga, có thể khuyến khích ông Putin đẩy mạnh hoạt động trong những tháng tới.
Tuy nhiên, tình hình chiến trường ở Ukraine những ngày gần đây cho thấy lực lượng hai nước đang lâm vào tình thế bế tắc, khi cả hai bên đều cố giữ mục tiêu chiến lược và không thể tung ra những đợt tấn công quy mô lớn.
Do vậy, những bước tiến quân sự bị đình trệ trên thực địa có thể khuyến khích Tổng thống Putin theo đuổi một thỏa thuận thương lượng, với việc Nga tìm kiếm những nhượng bộ nhỏ từ Kiev và sau đó Moscow có thể tuyên bố hoàn thành nhiệm vụ.
Hiện nay, các kênh đàm phán vẫn mở, với việc Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết sẵn sàng nói chuyện với Tổng thống Putin. Các vòng đàm phán vẫn đang diễn ra tại Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các yêu cầu lãnh thổ tối thiểu đối với Nga bao gồm việc Ukraine công nhận bán đảo Crimea bị sáp nhập là một phần của Nga và công nhận độc lập đối với các khu vực ly khai Donetsk và Lugansk; đồng thời Ukraine phải từ bỏ ý định trở thành thành viên NATO.
Về phần mình, Tổng thống Zelensky đã nói rằng tình trạng của Bán đảo Crimea và các khu vực ly khai do có thể được thảo luận, nhưng với điều kiện là bất kỳ thay đổi lớn nào sẽ cần phải được đưa ra trưng cầu dân ý, điều này có thể sẽ làm thất bại bất kỳ ý tưởng nào.
Ông Abbas Gallyamov, cựu quan chức từng chuẩn bị các bài phát biểu cho Điện Kremlin và hiện là nhà tư vấn chính trị, nhận định: "Chìa khóa đối với Tổng thống Putin là quyền lực, sức ép và chiến thắng. Tổng thống Putin cần một thỏa thuận về tính trung lập của Ukraine. Nhưng điều này rõ ràng là chưa đủ. Ông ấy cũng muốn công nhận Bán đảo Crimea và các nước cộng hòa (tự xưng) ly khai là Lugansk và Donetsk".
Lời kêu gọi "mòn mỏi"
Chưa thể tiến tới được thỏa thuận với Nga trong "một sớm một chiều", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn hướng tới phương Tây để kêu gọi được hỗ trợ.
Trong bài phát biểu qua video trước các lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh ngày 24/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh rằng phương Tây phải viện trợ cho nước này "không giới hạn" để đối phó lực lượng Nga.
Ông Zelensky cho biết Ukraine đề nghị NATO viện trợ hoặc bán lại 500 xe tăng, mà ông cho là chỉ chiếm 1% số xe tăng trong biên chế các nước thành viên khối quân sự này. "Nhưng chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Điều tồi tệ nhất trong cuộc xung đột này là không có câu trả lời rõ ràng cho các đề nghị trợ giúp", Tổng thống Zelensky nói.
Các lãnh đạo phương Tây không đáp ứng toàn bộ đề nghị từ Zelensky, song cam kết sẽ áp biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga và tăng viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
Phần Lan tuyên bố sẽ gửi thêm thiết bị quân sự cho Ukraine và Bỉ thông báo bổ sung 1 tỷ Euro vào ngân sách quốc phòng để đối phó chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Mỹ trong khi đó thông báo sẽ đón 100.000 người tị nạn Ukraine và hỗ trợ thêm 1 tỷ USD thực phẩm, thuốc men, nước sạch cùng các nguồn cung khác cho nước này.
Nỗ lực từ phương Tây
Các nước phương Tây tiếp tục áp thêm lệnh trừng phạt với Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Các lãnh đạo G7 thông báo đang hạn chế sử dụng vàng dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga.
Mỹ cũng công bố vòng trừng phạt mới nhằm vào 48 công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước, 328 nghị sĩ và hàng chục người trong giới tài phiệt Nga. Nhà Trắng khẳng định các nỗ lực này nhằm giảm khả năng Nga sử dụng nguồn dự trữ quốc tế cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Chính phủ Anh ngày 24/3 thông báo trừng phạt thêm 65 công ty và cá nhân liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga, trong đó có ngân hàng tư nhân lớn nhất nước này.
Mỹ và các đồng minh phương Tây trước đó áp đặt một số vòng trừng phạt với Nga, bao gồm loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Mỹ cũng áp lệnh cấm nhập khẩu dầu, kim cương, hải sản và vodka Nga. Nước này và các đồng minh bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga, mở đường để tăng thuế áp với các mặt hàng của Nga.
Bộ Tài chính Mỹ còn áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Nga Putin, phong tỏa tài sản và lợi ích tại Mỹ của ông. Tuy nhiên, biện pháp này được đánh giá là chỉ mang tính biểu tượng.