📞

Một Việt Nam đang chuyển mình

22:51 | 28/11/2017
Chủ nhà của APEC năm nay rất khác so với một Việt Nam từng đăng cai tổ chức APEC lần đầu vào năm 2006. Trong thập kỉ vừa qua, Việt Nam đã có những tiến bộ kinh tế to lớn. 

Trong thập kỉ vừa qua, Việt Nam đã có những tiến bộ kinh tế to lớn. Nhờ sự phát triển nhanh chóng của thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế, GDP của Việt Nam đã tăng hơn ba lần trong 11 năm qua. Sự chuyển đổi đáng kể này thể hiện rõ trên khắp Việt Nam. Những chiếc ô tô đang dần thay thế xe máy và các dãy nhà hai ba tầng đang dần nhường chỗ cho các tòa nhà chọc trời mới.

Đại sứ Craig Chittick

Quan hệ song phương giữa Australia và Việt Nam cũng đã thay đổi rất nhiều trong thập kỷ vừa qua. Năm 2006, APEC là tổ chức kinh tế duy nhất mà Australia và Việt Nam cùng là thành viên. Giờ đây, Australia và Việt Nam cùng là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Nhóm Cairns và Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand, và cùng tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Thương mại hai chiều đang trên đà tăng trưởng ổn định, vượt mức 10 tỷ AUD  trong năm 2016-17. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Australia.

Năm 2018 đánh dấu 45 năm kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Australia. Quan hệ giữa Australia và Việt Nam hiện nay đã trở nên sâu sắc hơn, rộng lớn hơn và phong phú hơn với thập niên trước đây. Sự phát triển này có được là nhờ sự  gần gũi về mặt địa lý và con người.

Mối quan hệ sâu sắc của chúng ta được phản ánh trong quan hệ đối tác kinh tế giữa hai bên. Đây không còn là quan hệ giữa bên cấp viện trợ và bên nhận viện trợ, mà là quan hệ của hai đối tác bình đẳng, mang lại lợi ích cho cả Australia và Việt Nam. Quan hệ hợp tác này hỗ trợ Việt Nam đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội đề ra trong Báo cáo Việt Nam 2035 và đóng góp vào sự thịnh vượng và an ninh của Australia. Đồng thời, hợp tác giữa Việt Nam - Australia cũng hỗ trợ các vấn đề ưu tiên trong APEC của Việt Nam như thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và cơ hội việc làm; tăng cường hội nhập khu vực; thúc đẩy an ninh lương thực; và phát triển nguồn nhân lực.

Tăng trưởng bao trùm và cơ hội việc làm

Cải thiện năng suất lao động và tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam đóng vai trò quan trọng để Việt Nam đạt được những mục tiêu và khát vọng mà Báo cáo Việt Nam 2035 đề ra. Australia đã và đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến chính sách cạnh tranh, bao gồm hỗ trợ xây dựng dự thảo Luật Cạnh tranh mới nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng giữa khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam. Australia còn hỗ trợ đánh giá cạnh tranh do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện và hoàn thiện tại Diễn đàn Toàn cầu của OECD về cạnh tranh vào tháng 12 năm nay. Bên cạnh đó, Australia cũng hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng luật về Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam trong năm nay thông qua Sáng kiến Hỗ trợ khu vực tư nhân vùng  Mekong (MBI). Chúng tôi cũng vừa khởi động hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) trong việc giúp DNNVV của Việt Nam tăng cường liên kết vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việc tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia đầy đủ vào nền kinh tế cũng rất quan trọng. Điều này không chỉ nhằm bảo đảm tăng trưởng để mang lại lợi ích cho mọi thành phần xã hội, mà còn để Việt Nam có thể tận dụng tối đa nguồn nhân lực của mình. Australia đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội của Việt Nam tổ chức Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế 2017 (WEF) vào tháng 9 vừa qua. Đây là một phần trong chương trình hỗ trợ của chúng tôi dành cho Việt Nam nhằm tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ - chương trình được dẫn dắt bởi Chiến lược Bình đẳng giới của Australia tại Việt Nam.

Đại sứ Craig Chittick tới thăm vùng trồng rau an toàn ở Lạng Sơn.

Kết nối và Hội nhập khu vực

Australia đã tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu về hội nhập và kết nối khu vực. Vào cuối những năm 1990, Australia đã tài trợ dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận - cây cầu cáp đầu tiên của Việt Nam, đồng thời là tuyến kết nối hạ tầng đường bộ cốt yếu của đồng bằng sông Cửu Long.  Cầu Cao Lãnh - một cây cầu khác cũng do Australia tài trợ ở đồng bằng sông Cửu Long - dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay. Cây cầu này cùng với cầu Vàm Cống gần đó sẽ cắt giảm thời gian đi lại giữa TP. Long Xuyên và TP. Hồ Chí Minh khoảng một tiếng đồng hồ.

Aus4Transport - chương trình mới do Chính phủ Australia tài trợ sẽ hỗ trợ kết nối khu vực bằng cách đẩy nhanh và nâng cao chất lượng các khoản đầu tư cho ngành vận tải của Việt Nam, trong đó có việc nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án. Việc này sẽ giúp hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Việt Nam để góp phần vào quá trình hội nhập và phát triển nhanh chóng của nền kinh tế.

An ninh lương thực

Hỗ trợ an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững là một phần quan trọng trong quan hệ đối tác của chúng tôi với Việt Nam. Tháng 3/2017, tôi đã công bố Đánh giá chính sách an ninh lương thực Việt Nam do Australia tài trợ, đóng góp đáng kể vào cuộc thảo luận về chính sách an ninh lương thực đang diễn ra tại Việt Nam. Australia cũng đang tài trợ các dự án tập trung vào ứng phó với biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm và tiếp cận thị trường. Chúng tôi cũng đang nỗ lực thúc đẩy thương mại và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường của các sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam như đã nêu trong Chiến lược nông nghiệp của Australia tại Việt Nam vừa được công bố vào tháng Tám vừa qua.

Ngày hội tuyển sinh du học Australia.

Đổi mới sáng tạo và Phát triển nguồn nhân lực

Điểm cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là sự hỗ trợ của Australia trong việc thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo và bảo đảm Việt Nam có những kỹ năng cần thiết để phát triển kinh tế trong thế kỷ XXI. Ngày nay, nền kinh tế của chúng ta không thể tăng trưởng mà chỉ dựa vào vốn và lao động - tăng trưởng hiện nay phải bắt nguồn từ gia tăng năng suất. Tăng trưởng theo hướng đổi mới, sáng tạo là ưu tiên cho cả Australia và Việt Nam, và tôi nhận thấy hai bên đã có hợp tác mạnh mẽ trên một số lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục. Cùng với chương trình Aus4Innovation, chương trình phát triển nguồn nhân lực Aus4Skills sẽ giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực cần thiết để đi lên trong chuỗi giá trị và tận dụng các cơ hội mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 có thể mang lại.

Thật thú vị khi nghĩ tới những thay đổi của Việt Nam trong thập niên tới. Thay đổi về nhân khẩu học và công nghệ sẽ đặt ra những thách thức nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội. Điều này không chỉ đúng với Việt Nam mà còn đúng với tất cả các nền kinh tế APEC. Khai thác tối đa tiềm năng của con người, cùng với những chính sách và thể chế hiệu quả đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết để chúng ta vươn lên.

Tôi tin tưởng rằng một thập kỷ nữa, mối quan hệ Australia - Việt Nam sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa và Australia luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân Việt Nam đạt được những khát vọng của mình.

CRAIG CHITTICK

Đại sứ Australia tại Việt Nam