Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức tại Đồi Capitol ở Washington DC. (Nguồn: AFP) |
Kể từ đó đến nay, tuy rằng lễ nhậm chức đã có nhiều thay đổi về hình thức, nhưng mỗi khi lời tuyên thệ danh dự của tân Tổng thống vẫn đại diện cho tương lai tươi sáng của Mỹ.
Ngày 20/1, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden chính thức đọc lời tuyên thệ để trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46 trong không khí hân hoan nhưng cũng có phần ảm đạm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những lo ngại về an ninh, nhất là sau cuộc bạo động tại Điện Capitol diễn ra ngày 6/1 vừa qua. Chính vì vậy, lễ nhậm chức của ông Biden có nhiều thay đổi so với những người tiềm nhiệm, nhằm cân bằng giữa truyền thống và đối mặt với những thách thức mới.
Đầu tiên, Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris tuyên thệ trong một sự kiện quy mô nhỏ ở Thủ đô Washington D.C. được đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc về an toàn và sức khỏe.
Ông Biden không diễu hành dọc đại lộ Pennsylvania ở Thủ đô Washington D.C. như truyền thống. Tuy nhiên, ông vẫn được hộ tống danh dự đến Nhà Trắng. Thay cho lễ diễu hành truyền thống, một lễ diễu hành ảo được phát trên truyền hình toàn quốc, bao gồm các màn trình diễn nhằm tôn vinh những người hùng trong cuộc chiến chống dịch và thể hiện sự đa dạng, di sản và sức mạnh của nước Mỹ để bước vào kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, trong suốt hơn 230 năm qua, đã có rất nhiều điều đặc biệt xảy ra tại buổi lễ này.
Lời tuyên thệ
Về cơ bản, lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ rất đơn giản: Tổng thống đắc cử phải đọc lời tuyên thệ nhậm chức: “Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng, tôi sẽ đảm đương chức vụ Tổng thống Mỹ một cách trung thành và sẽ cố gắng làm hết khả năng của mình để giữ gìn, che chở và bảo vệ Hiến pháp Mỹ”.
Theo New York Times, trước ông Biden, lời tuyên thệ trịnh trọng này đã được 45 vị tổng thống nhắc lại 72 lần trong lịch sử nước Mỹ.
Ông Lyndon B. Johnson là tổng thống đầu tiên và duy nhất tuyên thệ nhậm chức trên máy bay, sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát vào ngày 22/11/1963. Ông Johnson đã chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ trên chiếc máy bay Air Force One, trước khi cất cánh từ Dallas đến Washington. Ngoài ra, Thẩm phán Sarah T. Hughes của bang Texas đã trở thành người phụ nữ đầu tiên thực hiện lễ tuyên thệ tổng thống.
Lễ tuyên thệ của ông Barack Obama, vị Tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ, có một bước ngoặt thú vị. Ông phải đọc lời tuyên thệ hai lần, một lần tại buổi lễ chính thức diễn ra ngày 20/1/2009, lần thứ hai là ngày hôm sau khi ông chính thức bước vào Nhà Trắng. Nguyên nhân là do ông Obama và Chánh án John G. Roberts, người thực hiện lễ tuyên thệ, đã nói vấp vài lời của nhau. Nói về tình huống này, tờ New York Times viết: “Chỉ trong 25 giây, Tổng thống Obama đã lại một lần nữa trở thành Tổng thống”.
Sự vắng mặt của người tiền nhiệm
Đúng như dự đoán và thông báo trước đó của mình, Tổng thống Donald Trump không có mặt tại lễ chuyển giao. “Tôi sẽ không tham dự lễ nhậm chức vào ngày 20/1” - ông Trump tweet hôm 8/1. Theo sử gia Kate Andersen Brower, hai người gần nhất chỉ làm Tổng thống trong một nhiệm kỳ là ông George H.W. Bush và ông Jimmy Carter đều dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm sau khi thất bại trong nỗ lực tái cử.
Theo đó, ông Trump đã phá vỡ truyền thống 152 năm qua khi tuyên bố không tham dự sự kiện. Theo thông lệ, Tổng thống mãn nhiệm và các cựu Tổng thống khác sẽ ngồi phía sau tân Tổng thống, tượng trưng cho sự chuyển giao quyền lực hòa bình.
Đây là lần thứ năm trong lịch sử Mỹ, một Tổng thống sắp mãn nhiệm từ chối tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm. Lần đầu tiên xảy ra tình huống khó xử này là vào năm 1801, khi ông John Adams đã bỏ lỡ lễ nhậm chức của ông Thomas Jefferson, mặc cho việc hai người từng là những người bạn rất thân và đã cùng nhau viết Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ.
Lịch sử đã lặp lại vào năm 1829 khi con trai của ông là John Quincy Adams từ chối dự lễ nhậm chức của ông Andrew Jackson. Năm 1869, khi ông Andrew Johnson không tham dự lễ nhậm chức của ông Ulysses S. Grant. Năm 1974, ông Richard Nixon đi trực thăng rời Nhà Trắng sau khi từ chức, không chờ tới ngày nhậm chức của ông Gerald Ford.
Từ năm 1981, lễ nhậm chức diễn ra ở ngoài trời, ở phía tây Đồi Capitol, nơi Quốc hội họp (riêng năm 1985, lễ nhậm chức đã diễn ra trong nhà vì thời tiết xấu). Thời tiết cũng hay “chơi khăm” các nhà tổ chức lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Năm 1841, vị Tổng thống thứ 9, William Henry Harisson đã bị cảm lạnh nên mắc bệnh viêm phổi và qua đời một tháng sau đó. |
Thay đổi ngày tổ chức
Theo tờ Boston Herald, ông Joe Biden chỉ là vị Tổng thống thứ 15 tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1. Trước đây, ngày lễ quan trọng này được tổ chức vào tháng Ba. Quy định này ra đời vào thời điểm Mỹ còn là một xã hội nông nghiệp, dân cư phân tán, giao thông còn bị chia cắt và các phương tiện liên lạc chưa phát triển.
Lý do của sự thay đổi trên từ năm 1937 (nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Franklin D. Roosevelt) là để rút ngắn quá trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới, tránh những tác động tiêu cực với người đương nhiệm. Ngoài ra, sự ra đời của công nghệ hiện đại cũng nhanh chóng rút ngắn thời gian thực hiện nhiều chu trình, bao gồm việc kiểm phiếu hay di chuyển của các đại cử tri.
Đặc biệt, nếu ngày 20/1 rơi vào Chủ Nhật thì một lễ tuyên thệ nhậm chức riêng và đơn giản sẽ được tổ chức tại Nhà Trắng. Lễ nhậm chức công khai và các sự kiện ăn mừng sẽ được tổ chức vào thứ Hai, ngày 21/1. Trường hợp này từng xảy ra gần đây nhất là vào năm 2013 khi Tổng thống Barack Obama tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2.
Được biết, các Tổng thống đắc cử Mỹ trước đó đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 4/3, kể từ lần nhậm chức thứ hai của Tổng thống George Washington năm 1793 (ông Washington nhậm chức lần đầu tiên vào ngày 30/4/1789). Ngày 4/3 được chọn để kỷ niệm phiên họp đầu tiên của Quốc hội Mỹ vào năm 1789 khi chính phủ hoạt động theo Hiến pháp.
Bài phát biểu nhậm chức
Đây cũng là một truyền thống vô cùng quan trọng trong Ngày Nhậm chức, trong đó tân tổng thống sẽ vạch ra chương trình nghị sự và thể hiện tầm nhìn của mình với toàn dân Mỹ và thế giới.
Được biết, Tổng thống Washington là một người kiệm lời, vậy nên bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai của ông chỉ kéo dài đúng 135 từ và là bài diễn văn ngắn nhất lịch sử. Năm 1817, ông James Monroe trở thành Tổng thống đầu tiên tuyên thệ và đọc diễn văn nhậm chức của mình ở ngoài trời, trước Tòa nhà Old Brick Capitol.
Bài diễn văn dài nhất thuộc về Tổng thống William Henry Harrison khi ông truyền đạt khoảng 10.000 từ hồi năm 1841.
| Ngày cuối của Tổng thống Trump: Dương đông, kích tây |
Áp dụng công nghệ
Các ngày lễ nhậm chức cũng là dịp để nước Mỹ phản ánh các thành tựu, sự phát triển của ngành công nghiệp và sự đổi mới trong công nghệ. Năm 1921, Tổng thống Warren G. Harding là người đầu tiên đi xe ô tô đến lễ nhậm chức của mình. Năm 1965, Tổng thống Lyndon B. Johnson xuất hiện trong một chiếc xe limousine chống đạn.
Với việc áp dụng các công nghệ mới, người dân Mỹ ngày càng quan tâm hơn tới buổi lễ này. Năm 1845, bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống James Polk đã tiếp cận được với nhiều người hơn qua điện báo. Năm 1897, lễ nhậm chức của Tổng thống William McKinley lần đầu tiên được ghi lại bằng máy quay còn buổi lễ của ông Calvin Coolidge hồi năm 1925 được truyền trực tiếp trên đài phát thanh.
Lễ nhậm chức của Tổng thống Harry Truman là sự kiện tuyên thệ đầu tiên lên truyền hình vào ngày 20/1/1949. Kỷ nguyên số của các kỳ nhậm chức Tổng thống Mỹ được bắt đầu với Bill Clinton vào năm 1997 khi lễ nhậm chức của ông đã được tường thuật trực tiếp trên Internet.
Trong bối cảnh nước Mỹ vẫn đang vướng vào cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra và phải chịu sự chia rẽ gay gắt, lễ nhậm chức của Tổng thống thứ 46 Joe Biden với chủ đề America United (Nước Mỹ thống nhất) thắp lên những hy vọng hàn gắn, khôi phục linh hồn nước Mỹ và hướng đến một tương lai tươi đẹp hơn.