Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ và Ấn Độ gặp nhau trong Đối thoại 2+2 lần thứ 3 tại thủ đô New Delhi. (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu tại New Delhi hồi đầu tháng 10 này, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đã nhấn mạnh cách tiếp cận khác biệt đối với mối quan hệ đối tác Mỹ-Ấn.
Mặc dù ông Biegun thừa nhận vai trò quan trọng của các mối quan hệ đồng minh hiệp ước của Mỹ thời hậu Thế chiến II trong nỗ lực đảm bảo hòa bình và thịnh vượng trong khoảng 70 năm qua, song nhà ngoại giao Mỹ này đã nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh những mối quan hệ này nhằm “phản ánh tốt hơn những thực tế địa chính trị của hiện tại và tương lai”.
Ông Biegun lưu ý rằng Ấn Độ là một trong những đối tác như vậy mà Mỹ đã có một mối “quan hệ đối tác hữu cơ và sâu sắc hơn, không phải liên minh theo mô hình thời hậu chiến, mà là một mối quan hệ gắn kết cơ bản trên cơ sở có cùng mục tiêu địa chính trị và an ninh, lợi ích chung và những giá trị chung".
Trong bối cảnh quan hệ song phương Mỹ-Ấn có những bước tiến triển gần đây, đánh giá trên về mô hình quan hệ của hai nước là đáng tin cậy, nhất là khi mô hình mới quản lý mối quan hệ này đã trở nên rõ ràng trong những năm gần đây, bằng chứng là mô hình Đối thoại Ấn-Mỹ cấp bộ trưởng 2+2 lần thứ 3 diễn ra vào sáng 27/10 tại New Delhi.
Thể chế hóa dựa trên hội tụ
Cơ chế đối thoại Ấn-Mỹ cấp bộ trưởng 2+2 được khởi xướng sau cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm 2017.
Việc tổ chức đối thoại lần 3 này là chỉ dấu cho thấy chính quyền Trump muốn tiếp nối nỗ lực của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama trong việc thúc đẩy quá trình thể chế hóa các khuôn khổ nhất định và các kênh thông tin liên lạc tiêu chuẩn giữa New Delhi và Washington.
Ngoài ra, mô hình đối thoại Mỹ-Ấn cấp bộ trưởng 2+2 này thay thế mô hình đối thoại chiến lược và thương mại Mỹ-Ấn giữa các bộ trưởng thương mại và ngoại giao hai bên vốn được khởi động dưới thời chính quyền Obama hồi năm 2015.
Do đó, cuộc đối thoại lần này cho thấy sự cần thiết thúc đẩy quá trình thể chế hóa mối quan hệ song phương, tiến tới không chỉ hạn chế mối quan hệ song phương phát triển ở cấp độ phụ thuộc quá mức vào mối quan hệ gần gũi giữa giới lãnh đạo hàng đầu của hai nước, mà còn thiết lập những khuôn khổ theo cách tối đa hóa sự hội tụ giữa hai nước.
Quá trình thể chế hóa này đem lại giá trị rõ ràng trong bối cảnh chính quyền Mỹ nỗ lực tìm kiếm những thỏa thuận thương mại “công bằng và mang tính tương hỗ” với các đối tác của mình. Vì vậy, trong vòng 3 năm qua, mặc dù các cuộc đàm phán thương mại tiếp tục đi vào ngõ cụt liên quan vấn đề tiếp cận thị trường hoặc những vấn đề khác biệt khó giải quyết khác liên quan thương mại số, quan hệ chiến lược Mỹ-Ấn vẫn tiến triển gần như không gặp phải rào cản nào.
Hiệu quả mà không ràng buộc
Mô hình quản lý quan hệ song phương Mỹ-Ấn mới nổi lên này cũng trang bị cho cả hai nước khả năng chuẩn bị và ứng phó tốt hơn về mặt quân sự mà không chịu sức ép phải tham gia một thỏa thuận chính thức nào.
Ví dụ, Thỏa thuận An ninh và Tương thích Liên lạc (COMCASA) đã được ký kết tại đối thoại Mỹ-Ấn 2+2 lần đầu tiên nhờ quá trình xúc tiến của chính quyền Obama đối với Bản ghi nhớ trao đổi hậu cần giữa hai bên (LEMOA).
Mô hình thể chế hóa dựa trên sự hội tụ này sẽ được thúc đẩy hơn nữa trong năm nay với việc ký kết “thỏa thuận cơ bản” cuối cùng - Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản về Hợp tác địa không gian (BECA) tại đối thoại 2+2 lần này.
Trong khi LEMOA cho phép tàu tiếp liệu của Hải quân Mỹ tiếp nhiên liệu cho tàu chiến Ấn Độ trên biển và máy bay tuần tra của Mỹ bay ngang qua Port Blair, thủ phủ của quần đảo Andaman và Nicobar thì COMCASA và BECA sẽ thúc đẩy hợp tác gần gũi hơn giữa New Delhi và Washington khi Ấn Độ và Trung Quốc gia tăng đối đầu quân sự biên giới.
Ấn Độ và Mỹ đã ký kết hàng loạt thỏa thuận quốc phòng trong những năm gần đây, cùng với các cuộc tập trận chung ngày càng phức tạp như cuộc tập trận mang tên “Tiger Triumph” diễn ra hồi tháng 11/2019, và thậm chí là thông điệp mạnh mẽ hơn của Mỹ về cuộc đối đầu gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới, song quan hệ hợp tác Mỹ-Ấn không phải là đồng minh và cũng sẽ không tiến tới quan hệ đồng minh.
Tuy nhiên, mối quan hệ ngày càng phát triển này củng cố một thông điệp rằng Washington là một đối tác hiệu quả của New Delhi.
Trong mối quan hệ này, Ấn Độ nhận được lợi ích đáng kể từ phạm vi hoạt động toàn cầu của Mỹ về công tác hậu cần và tình báo và sẽ hưởng lợi từ việc Mỹ nhận thức được tình hình khu vực. Ngược lại, Washington cũng được hưởng lợi từ chi tiêu quốc phòng của New Delhi, trong đó phải kể đến các thương vụ vũ khí khẩn cấp liên quan tình hình đối đầu Trung-Ấn ở khu vực biên giới trong năm 2020 này.
Mặc dù thiếu vắng sự phối hợp tác chiến thực sự, song những hình thức hội tụ giới hạn song có ý nghĩa này đáng để cả New Delhi và Washington lưu tâm trong bối cảnh hai nước đang tìm cách mở rộng những giới hạn trong hợp tác chiến lược song phương.
| Ấn Độ nêu 3 lý do coi trọng đối thoại với Mỹ TGVN. Ngày 27/10, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar khẳng định Ấn Độ hết sức coi trọng định dạng tương tác 2+2 với Mỹ. |
| Trước thềm bầu cử Tổng thống, Mỹ họp Đối thoại 2+2 với Ấn Độ TGVN. Ngày hôm nay (26/10), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T Esper sẽ đáp chuyến bay đến thủ ... |
| Ấn Độ, Pháp, Australia lần đầu tiên đối thoại cấp thứ trưởng ngoại giao, nhấn mạnh hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương TGVN. Ngày 9/9, Ấn Độ, Pháp và Australia đã tổ chức đối thoại ba bên cấp thứ trưởng ngoại giao lần đầu tiên, với trọng ... |